Hà Nội đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới tăng trưởng kinh tế

12/03/2020 16:48

Kinhte&Xahoi Sáng 12-3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó tập trung đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020; tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì buổi làm việc. Đồng chủ trì buổi làm việc có các đồng chí Thường trực Thành ủy: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng các ban Đảng Thành ủy; đại diện Đảng đoàn HĐND thành phố; tập thể Ban Cán sự đảng UBND thành phố; 4 cơ quan văn phòng Thành ủy, HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.

Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, Thủ đô Hà Nội và cả nước đang thực hiện “nhiệm vụ kép”, trong đó nhiệm vụ trọng tâm đột xuất hàng đầu là phòng, chống dịch Covid-19, đi đôi với việc ngăn chặn suy giảm kinh tế và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà thành phố đã đặt ra trong năm 2020, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu của Thủ đô trong cả nhiệm kỳ.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội hiện đóng góp 17% GDP và gần 20% tổng thu ngân sách của cả nước, cũng là địa phương có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Việc Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP sẽ góp phần quan trọng nhằm tạo công ăn việc làm, giữ ổn định đời sống, bảo đảm sinh kế cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng và tạo nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Thủ đô.

Việc duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững các chỉ tiêu thu ngân sách của Hà Nội cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Vì vậy, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND thành phố đánh giá tác động tới đời sống kinh tế - xã hội và định hướng giải pháp để triển khai thực hiện, qua đó giúp kinh tế - xã hội của Thủ đô hồi phục mạnh mẽ sau dịch.

Sẽ hoàn thành 13/13 chỉ tiêu nhiệm kỳ 2015-2020

Thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới tăng trưởng năm 2020 và giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, tính đến hết năm 2019, trong 13 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, Hà Nội đã hoàn thành sớm từ 1-2 năm đối với 5 chỉ tiêu, 8 chỉ tiêu còn lại dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2020. Đối với 17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 do HĐND thành phố quyết nghị, thành phố đã hoàn thành sớm từ 1-2 năm đối với 4 chỉ tiêu, 12 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành trong năm 2020, chỉ có 1 chỉ tiêu dự kiến không hoàn thành (tỷ lệ đô thị hóa từ 58-60%, hết năm 2019 mới đạt 49,2%).

Phân tích bối cảnh, tình hình thế giới, cả nước và dự báo tác động của dịch Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế Thủ đô năm 2020, cũng như giai đoạn 2016-2020, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cho biết, dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại gấp 3-4 lần dịch SARS, tăng trưởng toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đối với kinh tế Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng, trong đó khả quan nhất với mức tăng 6,8% (đạt kế hoạch), xấu nhất là tăng 5,96% (giảm 0,84% so với kế hoạch).

Trên cơ sở đánh giá cụ thể các nhóm, ngành hàng trước tác động của dịch Covid-19, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đưa ra 3 kịch bản với các mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm được dự báo lần lượt là 7,5%, 6,93% và 6,42%.  

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp theo, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã điều hành phiên thảo luận. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố đã có báo cáo chi tiết, đánh giá những tác động của dịch Covid-19 tới từng lĩnh vực, từng ngành. Trong đó, đại diện các sở, ban, ngành đã nêu bật những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại; dự báo mức độ ảnh hưởng, đồng thời, đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm phục hồi tốc độ phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. 

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, phiên thảo luận đã ghi nhận 13 ý kiến đóng góp trách nhiệm của đại diện các sở, ban, ngành thành phố. Kết quả này có được là do ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành họp và tham vấn ý kiến của các chuyên gia kinh tế nhằm phân tích, đánh giá những tác động của dịch Covid-19 tới từng lĩnh vực, từ đó có những giải pháp cụ thể nhằm vượt qua dịch, lấy lại đà tăng trưởng sau khi dịch kết thúc. 

Khống chế được dịch Covid-19 là tiền đề để kinh tế Thủ đô phục hồi

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá, báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố cho thấy sự toàn diện, làm rõ bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, tác động cụ thể trên từng lĩnh vực, ngành hàng, nêu các kịch bản tăng trưởng, đề xuất các giải pháp ứng phó, kiến nghị cụ thể. Lãnh đạo các sở, ban, ngành nắm chắc vấn đề. Các ý kiến phát biểu đều rõ ràng, xác đáng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội hoan nghênh việc Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các sở, ngành thống nhất cao không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và quyết tâm thực hiện theo kịch bản với mức tăng trưởng GRDP dự kiến là 7,5%, đạt kế hoạch đề ra.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo tại buổi làm việc.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, để thực hiện được mục tiêu trên, thống nhất với kiến nghị của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Thường trực Thành ủy sẽ chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu các ngành, các cấp từ thành phố đến cơ sở phải tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định nhiệm vụ chống dịch Covid-19 là cấp bách, quan trọng hàng đầu. “Khống chế được dịch Covid-19 là tiền đề quan trọng nhất để kinh tế Thủ đô có thể phục hồi”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, “trong nguy có cơ”, các ngành, các cấp thành phố cần tập trung khắc phục khó khăn, tranh thủ những cơ hội dù là nhỏ để phát triển các ngành, lĩnh vực. Trong đó, các ngành có dư địa phát triển tốt như sản xuất vật tư y tế, hóa chất, các dịch vụ thanh toán trực tuyến, mua sắm online, các dịch vụ giá trị gia tăng cao từ ngân hàng phi tín dụng... cần được đẩy mạnh phát triển.  

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố sớm ban hành kế hoạch hành động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp cấp bách, cụ thể trên các nhóm ngành hàng với quyết tâm thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu: Giữ tăng trưởng GRDP theo mục tiêu; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn, nhất là về ngân sách, trong đó phải tăng cường tiết kiệm chi tiêu.

Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong quá trình đó, thành phố phải đặc biệt coi trọng vai trò của người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân; tránh vì tập trung quá vào chống dịch mà làm chậm tiến độ cải cách hành chính, tiến độ đầu tư của người dân và doanh nghiệp; tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông, tạo không khí đoàn kết, tin tưởng làm động lực cho thành phố phát triển.

Bí thư Thành ủy lưu ý, trên cơ sở ý kiến của các sở, ngành, địa phương, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tổng hợp, phân loại cụ thể những khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp giải quyết. Vấn đề nào vượt thẩm quyền phải có đề xuất, kiến nghị ngay với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương. Cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4-2020, UBND thành phố cần tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để cùng phối hợp thực hiện mục tiêu tăng trưởng. 

Đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu, các cấp, các ngành và mỗi cán bộ chủ chốt thành phố nêu cao tinh thần cộng đồng trách nhiệm, sẻ chia, chủ động, tích cực đổi mới, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng và các nhiệm vụ đã đề ra.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy luôn ủng hộ các đồng chí cố gắng làm việc thật tốt trên tinh thần đoàn kết để hoàn thành nhiệm vụ; nhưng đồng thời sẽ tăng cường hậu kiểm, sẵn sàng xem xét đưa ra khỏi quy hoạch đối với các đồng chí giữ mình “tròn vo”, không hoàn thành nhiệm vụ”.

Đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định, trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với dịch Covid-19, duy trì tăng trưởng kinh tế, tới đây thành phố sẽ cập nhật vào các văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố với những định hướng căn cơ, lâu dài, làm cơ sở xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự là một trong những đầu tàu kinh tế cả nước, động lực của vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ bổ sung ngay vào kế hoạch hành động và sớm tổ chức hội nghị triển khai thực hiện toàn diện trong thời gian tới.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/960864/ha-noi-danh-gia-tac-dong-cua-dich-covid-19-toi-tang-truong-kinh-te