Hà Nội đủ hàng hóa thiết yếu, người dân không phải lo lắng mua tích trữ

01/04/2020 16:15

Kinhte&Xahoi Chiều tối 31-3, trước hiện tượng người dân có xu hướng mua hàng tích trữ, Sở Công Thương Hà Nội đã lên tiếng khẳng định, các hệ thống phân phối bán nhu yếu phẩm của Hà Nội vẫn mở cửa hoạt động bình thường và dự trữ hàng hóa bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Chiều 31-3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc. Chỉ thị nêu rõ: “Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác...”.

Như vậy, theo chỉ đạo, người dân vẫn được ra ngoài đi mua đồ ăn, thực phẩm, thuốc men, xăng dầu và các cửa hàng kinh doanh hàng thiết yếu, hàng thực phẩm vẫn mở cửa phục vụ nhân dân.

Người dân mua hàng tại siêu thị Vinmart Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy).

Ghi nhận của phóng viên vào chiều 31-3 cho thấy, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích như Big C Thăng Long, Vinmart Hoàng Đạo Thúy, AEON Mall Long Biên hoặc trên các phố Hàng Bè, Hàng Buồm… có hiện tượng người dân đi mua hàng tăng đột biến so với ngày thường.

Tại siêu thị Vinmart Hoàng Đạo Thúy, nhân viên liên tục phát loa thông báo về việc thời gian tới tiếp tục mở cửa như bình thường để người dân yên tâm mua sắm, đồng thời nhắc nhở mọi người giữ khoảng cách an toàn, nhất là tại khu vực chờ thanh toán.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bé - tiểu thương bán thịt lợn và gia cầm ở chợ Vân Đình (huyện Ứng Hòa) cho biết, chiều nay, sức mua của người dân có tăng, nhưng hàng hóa vẫn dồi dào và giá cả ổn định. Hiện giá thịt lợn ba chỉ 155.000 đồng/kg; thịt mông 135.000 đồng/kg; sườn thăn 160.000 đồng/kg... Riêng đối với thịt gia cầm thì giá vẫn rất rẻ, thịt gà ta có giá 110.000 - 120.000 đồng/kg; thịt vịt chỉ dao động 30.000 - 32.000 đồng/kg; thịt ngan có giá hơn 50.000 đồng/kg.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp trên cả nước và tại thành phố Hà Nội, Sở Công Thương đã chủ động triển khai các giải pháp ổn định thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân. Nguồn cung các mặt hàng tại các hệ thống phân phối trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn đáp ứng đầy đủ, giá cả ổn định, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến.

Sở Công Thương đã triển khai phương án 3 về việc bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ khu vực bị cách ly với 5 cấp độ trên địa bàn thành phố ứng phó với dịch Covid-19, số lượng hàng hóa dự trữ trong tháng có dịch tăng gấp 3 lần so với bình thường, bảo đảm dự trữ tối thiểu trong 3 tháng của quý II-2020 với tổng trị giá hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở đã xây dựng kế hoạch dự trữ thêm một lượng hàng hóa phục vụ các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Hàng hóa tại các siêu thị hiện vẫn rất dồi dào.

Hiện, nguồn cung hàng hóa tại hệ thống các siêu thị, chuỗi, chợ trên địa bàn dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cụ thể, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 300% đến 500% so với bình thường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; hệ thống Co.opmart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân.

Các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online (qua website, app trên điện thoại, kênh "Đi Chợ hộ" bán hàng qua điện thoại, giao nhận tại các chung cư, cơ quan, công sở).

Các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn bảo đảm đủ cung cấp cho người dân (Tập đoàn Central Retail chuẩn bị lượng hàng 2,5 triệu chiếc khẩu trang, hệ thống Co.opmart 20 triệu chiếc…).

Các hệ thống phân phối bán nhu yếu phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của thành phố Hà Nội vẫn mở cửa hoạt động bình thường và dự trữ hàng hóa bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/962928/ha-noi-du-hang-hoa-thiet-yeu-nguoi-dan-khong-phai-lo-lang-mua-tich-tru?