Hà Nội: Dự kiến tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 446 dự án, thu gần 24.000 tỷ đồng

09/04/2021 07:32

Kinhte&Xahoi Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, năm 2021, Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 446 dự án với tổng diện tích đất đấu giá hơn 177ha; trong đó có 284 dự án chuyển tiếp.

Theo đó, tổng số tiền dự kiến trúng đấu giá hơn 23.673 tỷ đồng; tổng chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn trả gần 4.883 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án quy mô diện tích trên 5.000m2 có 214 dự án với tổng diện tích đất đấu giá 140,43ha; dự án quy mô diện tích dưới 5.000m2 có 232 dự án, tổng diện tích đất đấu giá gần 37ha.

Đáng chú ý, huyện Đông Anh 78 dự án, Phú Xuyên 66 dự án, Ba Vì 28 dự án, Gia Lâm 45 dự án, Mê Linh 25 dự án, Ứng Hòa 19 dự án, Thường Tín 20 dự án, Chương Mỹ 19 dự án, Quốc Oai 12 dự án...

Hà Nội dự kiến thu gần 24.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021. (Ảnh minh họa)

Cũng theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2023, diện tích đất đấu giá trên địa bàn TP Hà Nội dự kiến là gần 1.085ha, thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất đạt hơn 104.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, năm 2022 sẽ có 507 dự án với tổng diện tích đất hơn 422ha sẽ được đưa ra đấu giá, tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến hơn 38.123 tỷ đồng (gồm 296 dự án quy mô diện tích trên 5.000m2 và 211 dự án quy mô diện tích dưới 5.000m2).

Năm 2023, tổng số dự án dự kiến đấu giá 531 dự án với tổng diện tích đất đấu giá gần 486ha (gồm 371 dự án quy mô trên 5.000m2, 160 dự án diện tích dưới 5.000m2); dự kiến số tiền trúng giá hơn 42.206 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, việc đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2021 và các năm tiếp theo là nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất ở của người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nhà ở của Nhân dân.

Đặc biệt, tiếp tục tăng nguồn thu cho ngân sách các cấp, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND TP.

Mặt khác, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu đất đấu giá cũng góp phần hoàn chỉnh các khu đô thị mới, các khu đất ở tại khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại để thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Do vậy, UBND TP Hà Nội yêu cầu phải tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về nhiệm vụ đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, hoàn trả đúng, đủ, kịp thời vốn đã ứng để thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất; đồng thời, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá, quản lý việc đầu tư, xây dựng của người trúng đấu giá.

Căn cứ kế hoạch được giao, UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật (nếu có) các dự án, đảm bảo điều kiện sớm đưa ra đấu giá; tập trung hoàn thành các thủ tục để tổ chức đấu giá các khu đất đủ điều kiện đấu giá.

Mặt khác, tiếp tục rà soát quỹ đất phù hợp quy hoạch để tổ chức đấu giá; khẩn trương xử lý các tồn tại về đất đai theo đúng quy định của pháp luật nhằm bổ sung nguồn thu ngân sách, đồng thời tăng cường quản lý đất đai.

Đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất có diện tích, quy mô lớn, UBND các quận, huyện, thị xã có thể đấu giá từng phần khi chưa hoàn thành toàn bộ giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án xem xét phương án đấu giá từng phần và quay vòng vốn thực hiện các hạng mục còn lại của dự án nhưng phải lập quy hoạch xây dựng chi tiết cho toàn bộ khu đất đấu giá, bảo đảm kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho tổng thể khu vực trước khi phân đoạn tổ chức đấu giá.

Cùng với đó, TP yêu cầu thực hiện đơn giản hóa và rút gọn các thủ tục về chuẩn bị đầu tư dự án, thẩm định và phê duyệt đầu tư dự án về giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, phê duyệt giá khởi điểm theo quy định của pháp luật và UBND TP.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND TP về việc đề xuất đề xuất vị trí đất; đề xuất chủ trương đầu tư và hiệu quả đầu tư các dự án đấu giá quyền sử dụng đất; tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, không đấu giá thành công, hoặc đấu giá chậm dẫn đến để đất hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư, chậm hoàn trả vốn đầu tư đã ứng trước để thực hiện dự án.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, tổ chức được giao thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; hàng quý, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo TP.

Cùng với đó, UBND TP cũng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện với tinh thần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, kịp thời đề xuất TP xem xét, chỉ đạo các nội dung vượt thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt giá khởi điểm tạo thuận lợi cho các đơn vị tổ chức đấu giá.

Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội căn cứ danh mục và nhu cầu ứng vốn thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 và giai đoạn 2022 - 2023 được UBND TP phê duyệt, kiểm tra, rà soát, xây dựng kế hoạch ứng vốn cho các dự án, báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ để UBND TP  phê duyệt.

Mặt khác, chủ động, phối hợp, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý khi ứng vốn tại quỹ, chỉ được phép ứng vốn khi các quận, huyện, thị xã có cam kết về nguồn vốn và thời gian hoàn trả; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND TP về việc đề xuất kế hoạch ứng vốn, thực hiện giải ngân và thu hồi đủ vốn ứng để bảo toàn vốn quỹ; kịp thời báo cáo đề xuất UBND TP chỉ đạo dừng việc ứng vốn cho các dự án tại các khu vực mà khả năng đấu giá kém nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, hạn chế rủi ro trong việc ứng vốn cho các dự án.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2020, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như dịch bệnh Covid-19, quy định về thủ tục hoàn thiện hồ sơ dự án đấu giá còn phức tạp và kéo dài, việc bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng khu đất đấu giá còn khó khăn, việc khảo sát chọn lựa địa điểm đấu giá chưa phù hợp với nhu cầu của người dân... nên kết quả đấu giá của Hà Nội không đạt kế hoạch đề ra, chỉ đạt khoảng 52% kế hoạch năm với tổng diện tích đất đấu giá gần 72ha, thu khoảng 12.000 tỷ đồng.

Doãn Thành - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ha-noi-du-kien-to-chuc-dau-gia-quyen-su-dung-dat-tai-446-du-an-thu-gan-24000-ty-dong-415130.html