Hà Nội: Không xem xét điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích công trình phục vụ dân sinh

09/07/2022 14:12

Kinhte&Xahoi Hà Nội yêu cầu, không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công cộng phục vụ dân sinh.

Hình ảnh một góc Hà Nội

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn TP.

Kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch

 Theo UBND TP Hà Nội, triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, UBND TP đã tập trung chỉ đạo, quản lý nghiên cứu lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị...; Các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; các chương trình, kế hoạch, giải pháp quản lý phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch được duyệt...

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy; giám sát của HĐND TP, sự quản lý, điều hành quyết liệt của chính quyền UBND các cấp, sự tham gia tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc đã đạt được những kết quả cơ bản nhất định, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP. Diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại…

Tuy nhiên, UBND TP cũng nhìn nhận bên cạnh kết quả đạt được, công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn TP còn một số tồn tại, bất cập cần phải khắc phục như: Tiến độ triển khai các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc… còn chậm.

Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn có bất cập về cập nhật hiện trạng dự án, sử dụng đất, tính đồng bộ trong quy hoạch, kiến trúc, tính khả thi… dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch.

Việc phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch còn thiếu công cụ kiểm soát, hạn chế về chất lượng, thẩm mỹ; thiếu nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch.

Thành phố cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa kịp thời, sâu sát, quyết liệt. Thể chế quản lý còn hạn chế, bất cập; năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số nơi còn chưa cao.

Các quy định quản lý chưa đồng bộ, chồng chéo, kém hiệu quả, chậm được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung. Công tác kiểm tra, giám sát, sự phối hợp của các sở, ban, ngành TP với địa phương chưa chặt chẽ. Việc kiểm tra, xử lý sai phạm ở một số nơi chưa thường xuyên, còn có tình trạng nể nang, né tránh, chậm xử lý hoặc chưa xử lý quyết liệt, dứt điểm.

Quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quy hoạch

 Căn cứ Chỉ thị số 14/CT-TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, tạo chuyển biến thực sự rõ nét về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, UBND TP ban hành kế hoạch tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, đối với công tác quy hoạch, UBND TP giao Sở Quy hoạch- Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan rà soát, đẩy nhanh tiến độ phủ kín quy hoạch còn thiếu trên địa bàn TP; tập trung hoàn thành các quy hoạch, quy chế đã được giao từ trước và kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP.

Các đơn vị tập trung hoàn thành các quy hoạch quan trọng như điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu các khu chức năng, quy hoạch xây dựng vùng huyện... Nghiên cứu lập và điều chỉnh quy hoạch có liên quan gắn với tiêu chí đô thị tại các huyện có chủ trương phát triển thành quận.

Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy trình, quy định, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và những nội dung khác liên quan.

Trong công tác quản lý quy hoạch, TP cũng giao Sở Quy hoạch- Kiến trúc chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã thực hiện những giải pháp tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch.

Đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng quy trình điều chỉnh quy hoạch, báo cáo UBND TP nhằm kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch.

Xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư so với quy hoạch được duyệt; không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công cộng phục vụ dân sinh.

TP yêu cầu Sở Quy hoạch- Kiến trúc phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, tổng hợp các trường hợp vi phạm về quy hoạch (so với quy định hiện hành và các quy hoạch cấp trên).

Nghiên cứu cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch không để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng kéo dài.

UBND TP cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với các sở ngành, đơn vị, UBND quận, huyện trong thực hiện chương trình, đề án, rà soát việc thực hiện các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc; Hoàn thiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý quy hoạch kiến trúc từ thành phố đến cấp huyện; tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn.

 Lam Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-khong-xem-xet-dieu-chinh-quy-hoach-lam-giam-dien-tich-cong-trinh-phuc-vu-dan-sinh-200648.html