Khẩn trương triển khai điểm bán hàng lưu động
Nhằm cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân địa phương, từ ngày 2/8, AEON Việt Nam triển khai các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn các phường tại quận Long Biên với sự hỗ trợ của UBND quận Long Biên.
Theo đó, các xe bán hàng lưu động được duy trì bán tại 4 điểm gồm: Số 5 đường Vạn Hạnh, Khu đô thị Việt Hưng; sân bóng đảo Sen, 125 Nguyễn Sơn; Sân chơi số 34 phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy và số 11 Đặng Vũ Hỷ, phường Thượng Thanh.
Siêu thị Aeon phối hợp cùng UBND quận Long Biên tổ chức điểm bán hàng lưu động hỗ trợ người dân trong thời gian giãn cách xã hội
Theo đại diện Siêu thị AEON Long Biên, giá bán của các sản phẩm tại điểm bán hàng lưu động luôn bằng giá bán tại siêu thị và sẽ được niêm yết cụ thể ngay tại mỗi điểm bán để người dân có thể dễ dàng theo dõi, tham khảo và yên tâm trước khi lựa chọn. Được biết, siêu thị AEON Long Biên cũng đã làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo đủ nguồn hàng cũng như hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa được liên tục. Cũng theo đại diện AEON Việt Nam, doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng thành phố trong việc mở thêm các điểm bán hàng lưu động tại nhiều địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân Thủ đô.
Vào sáng 8/8, quận Hoàn Kiếm cũng bắt đầu triển khai điểm bán hàng lưu động đầu tiên tại trường THCS Nguyễn Du (số 44, 46 Hàng Quạt), phường Hàng Gai, để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân trên địa bàn trong những ngày thực hiện giãn cách phòng, chống dịch Covid-19. Tại đây, người dân có thể mua được tất cả các mặt hàng thiết yếu từ thực phẩm tươi sống, rau, của quả đến thực phẩm khô với giá bằng giá bán tại siêu thị. Bảng giá được niêm yết cụ thể ngay tại mỗi điểm bán để người dân có thể dễ dàng tham khảo, an tâm mua sắm. Ngoài hàng hóa phong phú, công tác phòng dịch tại điểm bản hàng cũng được đảm bảo. Khi đến mua hàng người dân được yêu cầu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn và đảm bảo giãn cách trước khi vào mua hàng.
Quận Hoàn Kiếm đã lên phương án tổ chức các điểm bán hàng lưu động tại 18 phường để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân đầy đủ, kịp thời và an toàn.
Điểm bán hàng lưu động đầu tiên tại quận Hoàm Kiểm triển khai vào ngày 8/8
Ngoài quận Hoàn Kiếm, Long Biên, theo thông tin công bố ngày 4/8, quận Ba Đình cũng có kế hoạch tổ chức bán hàng lưu động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân trên địa bàn. Theo đó, quận sẽ tổ chức 41 điểm bán hàng lưu động tại 14 phường để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân đảm bảo đầy đủ, kịp thời và an toàn. Tất cả những điểm này đã được UBND các phường rà soát và Phòng Quản lý đô thị của quận xác nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn giao thông. Để thực hiện quy định 5K khi người dân vào mua hàng, thuận tiện cho xe ô tô tải loại 1,5 tấn trở lên ra vào và đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, các điểm bán hàng lưu động cũng phải đảm bảo đủ diện tích. Vì vậy, quận sẽ rà soát, bổ sung địa điểm là sân của khu tập thể, chung cư cao tầng, sân các trường học, bãi đất trống có diện tích trên 100m2 trên địa bàn.
Được biết, hệ thống BRG, Vinmart, Lotte Mart, Công ty Hương Việt Sinh, Công ty thực phẩm UNIFOOD đã ký cam kết với UBND quận Ba Đình để cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho Nhân dân.
Quận Hai Bà Trưng cũng đã khẩn trương triển khai tổ chức điểm bán hàng lưu động, chỉ đạo các phường thông báo để người dân trên địa bàn các phường Trương Định, Minh Khai, Đồng Tâm, Bách Khoa, Bạch Mai, Cầu Dền biết và đến mua hàng. Được biết, điểm bán hàng tại Tầng 1 nhà A chợ Đồng Tâm của quận này mở cửa từ 6h đến 18h30 hàng ngày trong thời gian 15 ngày bắt đầu kể từ ngày 2/8/2021.
Người dân yên tâm khi mua sắm
Theo chia sẻ của bác Đỗ Thị Nga, sống tại phố Ngọc Thụy, quận Long Biên, từ ngày xuất hiện ca F0 ngoài cộng đồng, bác rất ngại đi chợ, kể cả siêu thị. Tuy nhiên, thức ăn chỉ nên tích trữ vài này vì để lâu cũng không tốt nên bác vẫn phải đi mua thức ăn cho gia đình. Nay thấy, UBND quận phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức bán hàng lưu động bác cảm thấy rất thuận tiện cho người dân và hạn chế được việc đi lại đến chỗ đông người. Bác cũng cho biết, mặc dù là các quầy hàng lưu động nhưng bác thấy hàng hóa rất phong phú, đủ cho nhu cầu mua mà giá cả ổn định, có những mặt hàng giá vẫn giữ nguyên, có mặt hàng tăng nhưng không đáng kể.
Có cùng suy nghĩ, chị Nguyễn Oanh, sống ở phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên cho biết, hàng hóa ở các quầy lưu động rất phong phú, đủ chủng loại, giá cả ổn định nên cũng dễ lựa chọn. Đặc biệt, các quầy hàng lưu động đảm bảo trong phòng, chống dịch Covid-19 như là nhân viên bán hàng và khách hàng đều thực hiện đầy đủ quy định 5K của Bộ Y tế nên người dân đi chợ cũng rất yên tâm.
"Những điểm bán hàng lưu động thế này rất cần thiết và kịp thời trong thời điểm giãn cách xã hội. Nhờ có những điểm bán hàng này mà những người có tuổi không phải đi đâu xa vẫn có thể mua đầy đủ sản phẩm giống như tại siêu thị", chị Oanh chia sẻ thêm.
Tại điểm bán hàng lưu động đầu tiên của quận Hoàn Kiếm, theo ghi nhận, vào sáng 8/8, người dân đến mua hàng đều chấp hành nghiêm quy định 5K và rất phấn khởi khi hàng hoá phong phú, đảm bảo chất lượng và thuận tiện mua bán trong điều kiện phòng, chống dịch hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh tại phường Hàng Gai đã có mặt ngay sau khi quầy hàng lưu động của quận Hoàn Kiểm mở cửa. Theo chia sẻ của chị, chị muốn đến sớm để đảm bảo việc mua được mặt hàng như ý. Bên cạnh đó, chị thấy ở đây công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh rất tốt, nhất là việc giữ khoảng cách giữa người dân. Chị thấy, nếu ai lơ là sẽ có cán bộ phường nhắc nhở luôn nên rất yên tâm.
Người dân tại quận Hoàn Kiếm đến mua hàng tại điểm bán hàng lưu động đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn
Có thể thấy, hiện tại ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp đang nỗ lực đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội để người dân Hà Nội yên tâm phòng chống dịch.
Đại diện lãnh đạo Sở Công thương cho biết, tính đến nay trên địa bàn thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở niêm yết công khai để phục vụ Nhân dân; Đồng thời sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.
Cũng theo Sở Công thương Hà Nội, trong 2 ngày đầu tiên thực hiện giãn cách đợt 2, sức mua hàng hóa có tăng 30% so với ngày bình thường nhưng nhờ có có sự chuẩn bị sẵn sàng về hàng hóa, nhân lực, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ, tăng giá của các lực lượng chức năng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên đến ngày thứ ba trở đi hoạt động mua sắm trở lại bình thường. Hiện, mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa nhưng hàng hóa vẫn luôn dồi dào, giá cả ổn định, người dân vẫn có thể mua bán thuận tiện và đầy đủ nhu cầu.
Ánh Dương - TTTĐ