Triển khai 2.500 điểm bán hàng lưu động nếu nhiều chợ, siêu thị ngừng kinh doanh
Kinhte&Xahoi
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND về bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Yêu cầu của kế hoạch đặt ra việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch; nâng cao tính tự chủ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ở mức độ cao nhất trên địa bàn thành phố; bảo đảm vận chuyển, lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến phân phối trong địa bàn thành phố và giữa các tỉnh, thành phố đến địa bàn Hà Nội; mở rộng mạng lưới kinh doanh, đa dạng các hình thức kinh doanh... phục vụ nhu cầu của nhân dân phù hợp với tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 10 triệu dân cư trú, sinh sống, học tập, làm việc. Hoạt động sản xuất của thành phố và nguồn cung cấp từ các tỉnh, thành phố khác bảo đảm đáp ứng được nhu cầu về hàng hóa thiết yếu của người dân như gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng, rau củ… Lượng hàng hóa thiết yếu tiêu dùng và lưu thông trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường (bao gồm cả dự trữ). Theo đó, dự kiến lượng hàng hóa thành phố chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng.
UBND thành phố cũng thiết lập phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân phòng, chống dịch trên địa bàn. Đáng chú ý, trường hợp nhiều điểm bán thực phẩm tươi sống (chợ, siêu thị) ngừng kinh doanh cùng một thời điểm, hàng hóa nhiều nơi bị thiếu, thành phố tiếp tục triển khai ngay 2.500 điểm bán lưu động đã bố trí (nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, các khu vực đất trống), 472 điểm giao dịch của hệ thống bưu điện, các địa điểm tập kết trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về; đa dạng hình thức bán lưu động.
Thành phố cũng bố trí các khu đất trống cho các tiểu thương trong chợ dân sinh di chuyển địa điểm khi chợ bị dừng hoạt động hoặc cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu bán thực phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu hệ thống không bán thực phẩm thiết yếu chuyển đổi công năng các điểm bán sang bán lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân. Đăng ký các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp mở cửa 24/24 giờ sẵn sàng phục vụ nhân dân khi có sự cho phép của thành phố.
Về nguồn hàng, thành phố sẽ huy động tổng lực hàng hóa của các đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn và doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đã cam kết cung cấp hàng hóa cho Hà Nội; các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố.
Trong trường hợp các tỉnh, thành phố thường xuyên cung ứng hàng hóa cho Hà Nội bị hạn chế nguồn cung hoặc bị dịch phải phong tỏa, cách ly… thì Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục liên kết với các tỉnh thành phố khác, chỉ đạo các đơn vị phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội thu mua đưa về các kho dự trữ, các điểm bán hàng phục vụ nhân dân.
Mai Hữu - Hà Nội mới