Hà Nội tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

08/06/2021 07:45

Kinhte&Xahoi Hà Nội xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công tác giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tiếp tục được TP tăng tốc.

15,2 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển trong 5 tháng

 Nếu như hết tháng 4/2021, kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2021 của TP thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Đến giữa tháng 4, có 11/33 dự án công trình trọng điểm hoàn thành theo mục tiêu ban đầu, 15 dự án đang thi công xây dựng, 12 dự án đang chuẩn bị thực hiện và hoàn thành thủ tục… đến tháng 5 tình hình đã khởi sắc hơn. TP không ngừng đôn đốc, đẩy nhanh các dự án sử dụng vốn ngân sách.

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, vốn đầu tư thực hiện từ NSNN do địa phương quản lý tháng 5 ước tính đạt 3.767 tỷ đồng, tăng 18,1% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn thực hiện đạt 15,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 30% kế hoạch năm 2021.

Trong đó, vốn NSNN cấp TP thực hiện 8.286 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 35,1% kế hoạch năm; vốn NSNN cấp quận, huyện thực hiện 6.216.000 tỷ đồng, tăng 12,2% và đạt 24,9%; vốn NSNN cấp xã, phường thực hiện 747 tỷ đồng, tăng 14,2% và đạt 33,2%.

 Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Trong thời gian qua, trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, TP đã thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao, tập trung rà soát tiến độ đầu tư của các dự án, tăng cường kiểm tra, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình. Đồng thời yêu cầu các ban quản lý dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Chính vì vậy, mặc dù thi công trong điều kiện không thuận lợi, nhưng các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ. Đơn cử như dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng. Trong 9 gói thầu chính xây lắp và lắp đặt thiết bị, đến nay hai gói thầu CP01 (đoạn tuyến trên cao) và CP04 (hạ tầng kỹ thuật khu đề pô) đã hoàn thành. Các gói thầu khác cũng được chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ.

Cũng trong tháng 5, TP tích cực đôn đốc chủ đầu tư gấp rút hoàn thành 6 nhánh nối cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đoạn lên xuống đường Vành đai 3, nút giao Nam Thăng Long để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người tham gia giao thông trên toàn tuyến. Tổng kinh phí xây dựng 6 nhánh nối này là 207 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ bàn giao, đưa vào sử dụng vào trung tuần tháng 7/2021.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm

Từ nay đến cuối năm 2021, Hà Nội thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân năm 2021 ở mức cao nhất. Theo Sở KH&ĐT, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, vẫn còn những khó khăn như công tác GPMB, tái định cư; năng lực, kinh nghiệm của một số đơn vị tư vấn, thiết kế chưa đảm bảo; cùng một số dự án phải điều chỉnh thiết kế - dự toán, điều chỉnh quy hoạch…

UBND TP yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các ban quản lý dự án nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; kiểm tra, rà soát giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án; tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng; đồng thời, sẵn sàng tháo gỡ vướng mắc kịp thời khi các chủ đầu tư, nhà thầu đề xuất những vướng mắc, bất cập.

Mới đây, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 19/5/2021 về khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển của TP. Trong đó, yêu cầu tất cả các chủ đầu tư chủ động kiểm tra, rà soát các dự án, rút ngắn tối đa thời gian, tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng công trình; khẩn trương giải quyết, hoàn thành các công việc còn tồn đọng của các dự án, đặc biệt các dự án chuyển tiếp; thực hiện nghiệm thu, bàn giao, hoàn thành hồ sơ, thủ tục thanh toán, quyết toán dự án.

Các chủ đầu tư phải hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ xây dựng cơ bản của các dự án (nếu có) trong 6 tháng đầu năm 2021 và khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới. Thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu; không dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trong điều kiện nguồn lực hạn chế, cần rà soát, đánh giá kỹ các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công để đảm bảo phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các công trình đầu tư phải gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII và các chương trình, kế hoạch của UBND TP, bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, đúng quy định.

Để nâng cao hiệu quả trong giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP Hà Nội yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

 Thúy An - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ha-noi-tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-422665.html