Hà Nội triển khai dạy học trên truyền hình: Đạt được lợi ích kép!

12/03/2020 11:46

Kinhte&Xahoi Từ ngày 9-3, hình thức dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và 12 trên địa bàn Thủ đô được triển khai đã thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh. Qua khảo sát của Báo Hànộimới, đa số ý kiến cho rằng, việc này rất hữu ích, đạt được lợi ích kép khi vừa góp phần phòng, chống dịch Covid-19, vừa giúp học sinh cuối cấp tận dụng tối đa thời gian để học tập, ôn luyện chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.

Ảnh minh họa

 

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình “Học trên truyền hình”. Ảnh: TTXVN

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: 

Lắng nghe phản hồi để hoàn thiện phương pháp, nội dung bài giảng cho hiệu quả

Nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời tích cực hỗ trợ học sinh cuối cấp chuẩn bị tham dự các kỳ thi trong bối cảnh các trường tạm cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình "Học trên truyền hình” trên kênh HTV1. Các bài giảng trên truyền hình tiếp nối với bài mà học sinh đã học trước khi tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao giảng dạy, được thiết kế theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục hiện hành.

Theo đó, học sinh lớp 9 được học 3 môn, gồm: Ngữ văn, toán và tiếng Anh; học sinh lớp 12 được học 9 môn gồm: Ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và tiếng Anh. Ngay từ những buổi phát sóng đầu tiên, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh.

Để hỗ trợ học sinh học tập hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường yêu cầu giáo viên bộ môn cùng tham gia theo dõi những buổi phát sóng, tích cực động viên, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập. Sau mỗi buổi phát sóng, Sở cũng quan tâm tới các ý kiến phản hồi của học sinh, giáo viên để hoàn thiện cả về hình thức, phương pháp và nội dung bài giảng. Hiện Sở đang ưu tiên cho học sinh cuối cấp.

Thời gian tới, căn cứ vào tình hình thực tế, có thể Sở sẽ xây dựng chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh ở các khối lớp khác.

Cô Vũ Thu Hương, giáo viên toán, Trường THPT Lý Thường Kiệt, quận Long Biên: 

Cách làm rất hay và kịp thời

Trong thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch, phần lớn các trường chọn cách để giáo viên giao bài tập cho học sinh qua email, Zalo, Facebook... sau đó học sinh hoàn thành bài và gửi lại, nhưng cách làm này hiệu quả không cao. Thực tế đó khiến không chỉ phụ huynh học sinh mà ngay cả giáo viên cũng lo các em sẽ bị mai một kiến thức; gia đình không kiểm soát được thời gian con mình học trên internet vì các con dễ sa đà vào các trò chơi vô bổ.

Trong bối cảnh đó, việc dạy học qua truyền hình là cách làm rất hay và kịp thời, giúp học sinh vừa củng cố kiến thức cũ, vừa cập nhật kiến thức mới, trong khi vẫn bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Điểm hay khác nữa là, đội ngũ giáo viên giảng dạy trên kênh này đều là những người có kinh nghiệm; thời gian học linh động (học trực tuyến hoặc xem lại trên website và fanpage của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội)... Với những ích lợi này, rất mong các phụ huynh sẽ đồng hành, giám sát, nhắc nhở con em mình nâng cao ý thức để phương thức dạy và học này mang lại hiệu quả cao nhất.

Chị Kiều Thị Thanh, phường Phương Mai, quận Đống Đa: 

Nên duy trì dạy học trên truyền hình cho học sinh đến khi hết dịch bệnh

Tôi có con trai đang học lớp 12, Trường Trung học phổ thông Kim Liên. Dù hằng ngày cháu có làm bài, ôn bài, nhưng trên thực tế, thời gian tự học của các con rất ít so với thời gian xem tivi, điện thoại và làm việc khác. Ngay sau khi biết Hà Nội tổ chức dạy học trên truyền hình, tôi đã nhắc con phải tham gia học đầy đủ. Đến nay mới là những ngày đầu học qua truyền hình, dù chưa thể đánh giá ngay kết quả, nhưng bước đầu tôi thấy cháu phấn khởi, chăm chú theo dõi bài giảng nên cũng yên tâm.

Hình thức học trên truyền hình mang ưu điểm là các con có thể học lại nếu không kịp học từ đầu, đồng thời chúng tôi dễ dàng giám sát con học hơn. Mong rằng việc dạy học trên truyền hình tiếp tục được duy trì để vừa giúp các con ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới, vừa góp phần hiệu quả trong phòng, chống sự lây lan của dịch. 

Em Nguyễn Quốc Cường, học sinh lớp 12, Trường Marie Curie Hà Nội: 

Cách dạy dễ hiểu, dễ tiếp thu

Trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đều gửi bài tập và yêu cầu học sinh làm bài qua email, qua tin nhắn Zalo. Song, em thấy việc tự làm bài tập, ôn kiến thức tại nhà hiệu quả chưa cao vì nghỉ học lâu ngày, nhiều kiến thức bị quên, làm nhiều bài tập nên nhàm chán. Vì thế, khi được học trên truyền hình, em và nhiều bạn rất mừng, thấy háo hức.

Dù không học tập trung, không được tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè nhưng chúng em vẫn được tiếp cận với bài giảng của các môn học trong chương trình giáo dục. Qua học mấy buổi đầu tiên, em thấy giáo viên dạy chậm, cách dạy dễ hiểu, kiến thức trong chương trình nên dễ tiếp thu. Qua trao đổi, em thấy nhiều bạn em cũng chung nhận định này. Việc dạy trên truyền hình sẽ giúp học sinh cuối cấp như chúng em yên tâm học tập, vững tin chuẩn bị tham dự các kỳ thi tới.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/960856/ha-noi-trien-khai-day-hoc-tren-truyen-hinh-dat-duoc-loi-ich-kep