Hà Nội: Trước nguy cơ đóng cửa, nhiều quán cà phê mong muốn được đón khách như nhà hàng

19/02/2021 11:35

Kinhte&Xahoi Trước việc nhà hàng phục vụ trong nhà vẫn hoạt động, nhiều quán cà phê ở Hà Nội mong được kinh doanh trở lại, tránh cảnh nợ nần, nhân viên mất việc.

Để phòng chống dịch COVID-19, từ 0h ngày 16.2, UBND thành phố Hà Nội quyết định đóng cửa tất cả các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè và quán cà phê cho tới khi có chỉ đạo mới của UBND thành phố. Tuy nhiên, đối với nhà hàng ăn phục vụ trong nhà, nếu đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh thì vẫn được hoạt động. Chính điều này đã có nhiều ý kiến về sự thiếu bình đẳng trong kinh doanh. Các nhà hàng đều muốn thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch và vừa phát triển kinh tế.

Theo khảo sát của phóng viên ngày 18.2, tại quán phở số 14 phố Trần Quý Kiên có diện tích khoảng hơn 30m2, khi vào quán chủ quán và nhân viên cũng không bắt buộc khách phải rửa tay sát khuẩn, trong quán cũng không bố trí vách ngăn để ngăn cách giữa các vị trí của khách đến ăn tại quán.

Quán cà phê 233 Tô Hiệu chỉ bán cho khách mang về.

Theo quan sát của phóng viên, cách quán phở này không xa là quán cà phê số 30 Trần Quý Kiên (Cầu Giấy), quán có 2 tầng, với diện tích gần 200m2 đang đóng cửa, chỉ bán hàng cho khách mang về. Theo anh Nguyễn Thanh Sơn – quản lý quán cà phê này cho biết, cửa hàng này anh thuê với giá 30 triệu đồng/tháng. Từ ngày 16.2, khi bị tạm dừng kinh doanh, quán chỉ bán cho người mang về nên chỉ có 1 nhân viên phục vụ.

Trước việc nhà hàng ăn phục vụ trong nhà được phép hoạt động, còn quán cà phê phải tạm dừng hoạt động anh Sơn cho rằng như vậy là mất bình đẳng trong kinh doanh, việc đóng cửa một thời gian sẽ gây thiệt hại nhiều về kinh tế.

“Chúng tôi mong muốn sớm được kinh doanh trở lại, nếu phải đóng cửa quá lâu sẽ không có tiền để trả tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên. Khi được buôn bán trở lại, chúng tôi vẫn sẽ chấp hành quy định phòng dịch theo chỉ đạo của Thành phố và hướng dẫn của Bộ Y tế. Hà Nội có thể ban hành các tiêu chí đánh giá an toàn kinh doanh trong công tác phòng chống dịch COVID-19 như TP HCM. Điều này sẽ là căn cứ cho các hàng quán hoạt động, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt và dừng kinh doanh” - anh Sơn đề xuất.

Dù quán cà phê ở 233 Tô Hiệu đang đóng cửa, chỉ bán cho khách mang về, thì xung quanh quán này có nhiều quán ăn như quán gà tươi, quán phở, quán bún riêu tại Tô Hiệu vẫn mở bán bình thường. Tất cả những hàng quán ăn này đều có diện tích nhỏ hơn các quán cà phê đã đóng cửa.

Anh Nguyễn Đức Trung – quản lý quán cà phê cho biết, thực hiện quy định của Thành phố, hiện tại cửa hàng đã cho dừng hoạt động. Theo anh Trung, hiện tại các hàng quán ăn xung quanh vẫn được hoạt động nên anh rất lo sợ tình trạng này kéo dài anh sẽ phải sang nhượng lại cửa hàng vì không có tiền duy trì tiếp.

3 quán ăn sát nhau có diện tích nhỏ hơn tại Tô Hiệu vẫn hoạt động bình thường.

"Thành phố nên có sự khảo sát thực tế, có tiêu chí đánh giá an toàn cho hàng quán hoạt động. Dù là quán ăn hay quán cà phê trong nhà nhưng với diện tích chật hẹp, không có sự giãn cách thì có thể yêu cầu đóng quán. Còn với những quán có diện tích rộng thì nên cho hoạt động để vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả" - anh Trung nói.

Tại quán cà phê Laika 91 Trung Hòa, với 2 tầng kinh doanh rộng hơn 200m2 nhưng vẫn phải dừng hoạt động. Anh Lê Tiến Đạt - quản lý quán mong muốn sớm được mở cửa kinh doanh trở lạ và sẽ chấp hành qui định phòng chống dịch của thành phố.

Cách quán cà phê này không xa, quán bánh cuốn ở Trung Kính với diện tích nhỏ hơn nhưng lúc nào cũng đông đúc người dân tới ăn. Mặc dù đã dựng tấm chắn nhưng việc khách hàng ngồi sát nhau vẫn chưa đảm bảo sự giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m.

 
Rất đông người tới ăn, không tuân thủ việc giãn cách.
 
Quản lý quán cà phê tại số 30 Trần Quý Kiên mong sớm được kinh doanh lại.

Trước những ý kiến của các chủ quán cà phê trong nhà mong muốn được mở cửa bán hàng trở lại, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung và Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long - đều cho biết, quận sẽ tổng hợp ý kiến, lắng nghe dư luận để báo cáo Thành phố. Việc ra quyết định sẽ do các cấp có thẩm quyền quyết định.

Cần cho quán cà phê phục vụ trong nhà mở cửa nếu đủ đảm bảo phòng chống dịch

Đại tá Phạm Trường Dân - nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam (đại biểu Quốc hội khoá XIII) cho rằng: Việc đưa ra những biện pháp mạnh để phòng, chống dịch bệnh là điều cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta cũng thực hiện mục tiêu kép, đó là vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế.

Ông Dân cho rằng, để thực hiện mục tiêu kép thì Hà Nội cần cho các quán cà phê phục vụ trong nhà nếu đáp ứng đầy đủ quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn được phép mở cửa hoạt động trở lại.

 Theo Phạm Đông - Báo Lao Động

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-truoc-nguy-co-dong-cua-nhieu-quan-ca-phe-mong-muon-duoc-don-khach-nhu-nha-hang-d148903.html