Hai Bà Trưng - Hà Nội: Cần nhìn nhận lại công tác quản lý quy hoạch

05/09/2019 09:40

Kinhte&Xahoi Đã từ lâu, cứ mỗi khi thành phố mở một tuyến đường, lập tức Hà Nội lại xuất hiện những ngôi nhà có hình thù kỳ dị - “siêu mỏng, siêu méo”. Vậy cơ quan nào đã quy hoạch, cho phép những tòa nhà dị dạng hàng ngày mọc lên bất chấp chỉ đạo của thành phố?

Còn nhớ, đã có thời điểm, các cơ quan thông tấn báo chí ra rả nói về hiện tượng “lạ lùng” này, khẳng định nhà “siêu mỏng, siêu méo” đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ của đô thị. Hàng loạt các chuyên gia kiến trúc - quy hoạch cũng lên tiếng về câu chuyện “Hà Nội loanh quanh trong phương pháp xử lý”. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, tất tần tật những vấn đề về nhà “siêu mỏng, siêu méo” lại chìm xuống.

Một công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Gần đây, thực hiện chuyên đề về thẩm mỹ và cảnh quan đô thị, phóng viên có cuộc thị sát hàng loạt các tuyến phố trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là tại địa bàn này có quá nhiều tuyến phố nhếch nhác, chắp vá; có quá nhiều công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Mật độ các ngôi nhà lạ kỳ này xuất hiện dày đặc trên các tuyến phố như: Trần Khát Chân, Thanh Nhàn, Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Đình Hổ,…

Theo quan sát của chúng tôi, những ngôi nhà lạ này đa phần chỉ rộng chừng một chục mét vuông, thậm chí có căn nhà chỉ từ 6m2 đến 8m2. Chúng đang hiện hữu giữa đô thị khang trang, ngang nhiên thách thức thời gian, thách thức cả hệ thống các cơ quan quản lý, giám sát trật tự đô thị.

Dễ dàng nhận thấy chủ nhân các căn nhà “siêu mỏng, siêu méo” đều có tâm lý coi "nhà mặt phố" là địa điểm lý tưởng cho việc buôn bán, do đó, họ đã bất chấp cả luật pháp, không quan tâm tính thẩm mỹ của điều kiện sống, vẫn cố xây dựng và sinh sống hoặc cho thuê trên những căn nhà dị kỳ này.

Chỉ có điều dân đã vậy, chính quyền thì sao? Dường như chính quyền lại đang “bám” vào mối tương quan giữa hai yếu tố: Quyền sở hữu cá nhân và nguồn lực kinh tế của Nhà nước để giải thích cho việc chậm trễ xử lý hoặc “làm ngơ” cho những ngôi nhà dị kỳ này được phép tồn tại. Họ cho rằng, Nhà nước không thể đủ kinh phí để trang trải cho công tác giải phóng mặt bằng, nên khi mở các tuyến đường mới, có những căn nhà chỉ được giải tỏa một phần, phần còn lại vẫn thuộc sở hữu của người dân. Và phần sở hữu của người dân quá nhỏ, nên những căn nhà “siêu mỏng, siêu méo” do đó có điều kiện xuất hiện.

Xét một cách công bằng thì những mảnh đất sau đền bù giải tỏa, dù vô cùng nhỏ, vẫn thuộc về người dân có đất. Họ có quyền sử dụng, định đoạt mảnh đất đó một cách hợp pháp. Còn việc cấp phép xây dựng nhà trên mảnh đất đó, lại là câu chuyện của chính quyền. Khi những rắc rối trong vấn đề quyền sở hữu cá nhân và nguồn lực kinh tế của Nhà nước chưa được cởi bỏ thì tất nhiên, lời giải cho bài toán nhà “siêu mỏng, siêu méo” cũng vì thế mà chưa thể tìm thấy.

Đáng nói là, liên quan đến vấn đề nhà “siêu mỏng, siêu méo”, Luật Xây dựng có một điều khoản quy định rất cụ thể, đó là: "Diện tích thửa đất dưới 15 m2 hoặc từ 15 đến 40 m2, có chiều sâu dưới 3m thì tuyệt đối không được cấp phép xây dựng". Ðiều khoản này đã loại ra khỏi kiến trúc đô thị tình trạng tự ý xây nhà trên các thửa đất không đủ tiêu chuẩn xây dựng, không được cấp giấy phép và làm mất tính thẩm mỹ của kiến trúc đô thị.

Vậy tại sao, lý do nào khiến cơ quan quản lý nhà nước vẫn cấp phép xây dựng, không xử lý triệt để hiện tượng nhà “siêu mỏng, siêu méo” này, cho dù việc xử lý luôn trong tầm tay? Bởi họ có luật làm căn cứ, có lực lượng hành pháp hỗ trợ, có người dân đồng thuận trong việc xử lý triệt để nguồn gốc của tình trạng đô thị nhếch nhác, chắp vá. Câu hỏi đặt ra là, ở đây có vô vàn những “góc khuất”, những “góc khuất” phức tạp dường như đang ẩn sâu trong cái gọi là “sự yếu kém trong quản lý quy hoạch kiến trúc

Không chỉ có tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” đang phá vỡ quy hoạch đô thị, tạo diện mạo phố phường chắp vá, gây ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ đô thị Thủ đô, mà tại quận Hai Bà Trưng hiện đã và đang có nhiều thông tin phản ánh về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Tiêu biểu như trường hợp về công trình xây dựng tại số 10 Hàng Chuối thuộc phường Phạm Đình Hổ; công trình số 283 Trần Khát Chân; công trình số 107 phố Thanh Nhàn,… Hoặc như mới đây, công trình xây dựng ngay sát số 19 Phạm Đình Hổ dù đang thi công, nhưng đã xuất hiện những thông tin “lùm xùm” về việc xây vượt tầng và đang làm lún nứt công trình nhà ở kiên cố của các hộ dân lân cận.

Công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên tuyến đường Phạm Đình Hổ.

Thêm nữa là hiện nay, dư luận vẫn còn tồn tại những bức xúc liên quan đến những vi phạm về trật tự xây dựng tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Theo người dân phản ánh, nhiều hạng mục được quy hoạch làm công viên, cây xanh, sân chơi thể thao tại đây đã bị “biến tướng” thành nhà hàng, bãi để xe… Những vấn đề này, đến nay vẫn chưa được chính quyền sở tại xử lý dứt điểm.

Để làm rõ hơn về hiện trạng hàng loạt nhà “siêu mỏng, siêu méo” và các vấn đề liên quan đến trật tự đô thị tại đường Phạm Đình Hổ; công viên Tuổi trẻ Thủ đô;... PV báo Kinh doanh và Pháp luật đã đặt lịch làm việc tại một số phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi chưa nhận được cuộc gọi từ phía UBND các phường, cho dù cán bộ tiếp dân hứa sẽ liên lạc lại để trả lời về những vấn đề phóng viên đang cần phải xác minh.

Thiết nghĩ, để xử lý các công trình nhà "siêu mỏng, siêu méo" và các công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị khác một cách hiệu quả và đồng bộ, đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng cần sớm vào cuộc kiểm tra, quyết liệt xử lý. Đồng thời, cần có hình thức kỷ luật mạnh tay đối với những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý, để phát sinh thêm sai phạm…

Cùng với việc chính quyền có các hình thức kỷ luật mạnh tay đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm, nên chăng ngay cả mỗi người dân trên địa bàn cũng cần tự ý thức về trách nhiệm của mình trong việc tổ chức cuộc sống của cộng đồng. Chúng ta hãy nhớ rằng, những khu phố được quy hoạch cẩn trọng, xây dựng hiện đại, hợp lý, có tính thẩm mỹ cao là một trong các yếu tố để đánh giá quan niệm, phẩm chất văn hóa của cơ quan quản lý đô thị và cộng đồng dân cư trên chính địa bàn đó.

Điều này vô cùng cấp thiết và yêu cầu phải được thực hiện thật tốt trong công cuộc xây dựng một Hà Nội hoàn thiện về kiến trúc, được đánh giá cao trong quy hoạch, là điểm đến lý tưởng cho bè bạn năm châu.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: KD&PL