Đây là sáng kiến công nghệ giúp giải quyết nhanh nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, của hai chàng trai trẻ Trần Thanh Tuấn và Nguyễn Hữu Đạt.
Từ ngày 9/7, nhiều cửa hàng, chợ truyền thống phải tạm ngừng hoạt động. Để đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh liệt kê gần 3.000 điểm bán hàng thiết yếu theo từng quận, huyện dưới dạng file Excel. File có giới thiệu thông tin địa điểm, số điện thoại liên lạc, hình thức giao hàng… khá đầy đủ cho người dân có nhu cầu mua hàng hóa trong những ngày giãn cách.
Trần Thanh Tuấn
Tuy nhiên, bản thống kê khiến một số người dân khó theo dõi địa điểm mình cần. Chính vì vậy, hai chàng trai đã cùng nhau nghiên cứu, sáng kiến công nghệ số hoá các địa điểm trên bản đồ giúp giải quyết nhanh nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu.
Trần Thanh Tuấn hiện đang theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh. Các sản phẩm của cậu thường phục vụ cộng đồng và tiện ích với Phật giáo là nhiều. Còn Nguyễn Hữu Đạt đã từng là du học ở Nhật Bản. Hiện nay, cậu đã về nước đang làm việc tại Công ty Cổ Phần Công Nghệ DOS - chuyên thiết kế website.
Dù chưa gặp nhau ngoài đời từ trước, chỉ trao đổi ý tưởng qua mạng nhưng hai bạn trẻ rất ăn ý, bởi đều là dân công nghệ. Tuy vậy, khi bắt tay vào triển khai, Tuấn và Đạt cũng gặp một số khó khăn vì việc tích hợp Google Maps vào hệ thống ở Việt Nam đang bị hạn chế khá nhiều. Không đợi sự hỗ trợ của Google, hai chàng trai quyết định trả thêm phí để nhanh chóng vận hành dự án.
Nguyễn Hữu Đạt
Khắc phục khó khăn, Tuấn và Đạt đã số hoá gần 3.000 điểm bán hàng thiết yếu, trên trang web https://diembanhangthietyeu.com/ người dân có thể vừa nắm được địa điểm mua hàng, vừa được gợi ý lộ trình di chuyển và điểm gần nhất, lại được tối ưu hóa cho điện thoại nên rất tiện dụng.
Bố trí hiển thị các cửa hàng được tách theo từng phường, xã, quận, huyện để giúp người dân dễ tìm kiếm. Mỗi điểm đều có thể hiện rõ thông tin về trạng thái hoạt động, giờ làm việc, thông tin lên hệ… Cách này giúp người dân không phải tốn thời gian đi tìm cửa hàng, cũng như hạn chế việc ra đường trong thời điểm này. Trang web cũng có nút báo lỗi để cộng đồng có thể gợi ý chỉnh sửa về thông tin vị trí nếu sai lệch cũng như cập nhật tình hình hoạt động của các cửa hàng.
Giao diện bản đồ "địa điểm bán hàng thiết yếu"
Ngay sau khi ra mắt, bản đồ "địa điểm bán hàng thiết yếu" đã nhận được sự ủng hộ lớn từ người dùng. Thời điểm cao nhất, hệ thống ghi nhận 50 - 100 người truy cập cùng lúc.
Theo hai chàng trai, toàn bộ dự án hiện tại là phi lợi nhuận. Chi phí vận hành đều do cả hai bỏ tiền túi ra. Trần Thanh Tuấn bày tỏ: “Mình chỉ muốn giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm thông tin các địa điểm bán hàng thiết yếu trong thời gian này. Có thể sau thời gian giãn cách, trang web hoàn thành sứ mạng hoặc có thể chuyển đổi thành trang cập nhật thông tin các địa điểm từ thiện, cơm miễn phí, nơi trợ giúp người dân khó khăn".
Lê Dung -TTTĐ