Hải Dương: 9/10 doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai tại Cụm công nghiệp Kỳ Sơn

19/08/2019 09:58

Kinhte&Xahoi Qua kiểm tra có tới 9/10 doanh nghiệp vi phạm trong việc thuê đất, quản lý, sử dụng đất tại Cụm công nghiệp Kỳ Sơn huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương ban hành văn bản số 04/KL-STNMT Kết luận thanh tra về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai của UBND huyện Tứ Kỳ tại cụm công nghiệp Kỳ Sơn (CCN Kỳ Sơn), huyện Tứ Kỳ và việc chấp hành pháp luật đất đai của các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh tại CCN Kỳ Sơn.

Đường vào Cụm Công nghiệp Kỳ Sơn.

 

Được biết, CCN Kỳ Sơn có vị trí giáp tỉnh lộ 191, thuộc địa bàn 02 xã Ngọc Sơn và Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ, được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 3570/QĐ-UB ngày 10/8/2005 (trước khi phê duyệt quy hoạch đã có 04 cơ sở được thuê đất và hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng diện tích 3,09ha), điều chỉnh cục bộ tại Quyết định số 3665/QĐ-UBND ngày 04/10/2018, tổng diện tích 53,26ha, trong đó đất nông nghiệp 41,21ha, đất hạ tầng kỹ thuật và cây xanh 10,897ha, còn lại các loại đất khác.
 

Theo đó, về vấn đề quy hoạch, thành lập và thực hiện quy hoạch, CCN Kỳ Sơn chưa có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, hiện có 17 doanh nghiệp, cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với diện tích  46,06ha, hầu hết là các doanh nghiệp trong nước, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh xăng dầu, thức ăn gia súc. Cũng tại thời điểm này, UBND huyện Tứ Kỳ chưa hành lập Ban Quản lý các CCN hoặc Trung tâm phát triển CCN để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị kinh doanh hạ tầng theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, do chưa có chủ trương đầu tư kinh doanh hạ tầng nên cơ sở hạ tầng của CCN Kỳ Sơn chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có hệ thống thu gom, xử lý rác thải tập trung, các cơ sở đầu tư vào CCN thực hiện việc thuê đất theo hình thức cuốn chiếu, thủ tục thuê đất như đối với các doanh nghiệp ngoài CCN và phải tự đầu tư hạ tầng cơ sở gây khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ môi trường làm phát sinh đơn thư khiếu kiện của nhân dân.

Tại thời điểm thanh tra, CCN Kỳ Sơn có 03/17 cơ sở chưa thực hiện đầy đủ thủ tục thuê đất theo quy định với diện tích 1.54ha (chiếm 2,91% diện tích CCN): Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Khai – Hà Thị Bắc, Công ty TNHH nước sạch Kỳ Sơn, Công ty Cổ phần Phúc Đạt. CCN còn có 07/17 cơ sở được thuê đất không đúng quy hoạch chi tiết được phê duyệt, với diện tích 30,55 ha (chiếm 57,36% diện tích CCN): Công ty Cổ phần Cơ khí và Môi trường Nam An, Công ty Cổ phần Phúc Đạt, Công ty TNHH FuJi Việt Nam, Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại Tân Thuận Cường, Công ty TNHH Kỹ thuật và Thương mại Trường Hải, Cong ty TNHH Rich Way, Công ty Cổ phần Phát triển vật liệu xây dựng mới Thành Đông.

Về việc chấp hành pháp luật đất đai của các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh tại CCN Kỳ Sơn, qua thanh tra 10/17 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN Kỳ Sơn cho thấy, có 9/10 cơ sở được thanh tra còn có hạn chế, vi phạm trong việc thuê đất, quản lý, sử dụng đất.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Phúc Đạt tự thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân đối với diện tích 9.800m2 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật CCN và được UBND huyện Tứ Kỳ tạm giao sử dụng. Đến ngày 26/9/2013, Công ty được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, cho phép sử dụng 9.800.m2 đất nêu trên để đầu tư mở rộng dự án sản xuất xi măng trắng, ngói tuynel nhưng sau đó Công ty không hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định. Ngày 19/10/2017, Công ty Phúc Đạt đã có văn bản trả lại 21.712/46.934m2 Công ty đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trả lại 7.076/9.800m2 nêu trên. Tuy nhiên do vướng mắc trong việc thế chấp tài sản trên đất giữa Công ty với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam nên đến nay UBND tỉnh chưa có quyết định thu hồi diện tích đất Công ty Phúc Đạt xin trả lại, Công ty Phúc Đạt cũng không hoạt động sản xuất trên diện tích này, dẫn đến để hoang hóa, gây lãng phí đất đai.

Thứ hai, Công ty Cổ phần Cơ khí và Môi trường Nam An, Công ty TNHH Đồng Tâm và Công ty Cổ phần Thuận Cường là 3 công ty xây dựng công trình không đúng quy hoạch mặt bằng được phê duyệt.

Thứ ba, Công ty Cổ phần Thuận Cường xây dựng công trình vi phạm hành lang bảo vệ sông Thái Bình diện tích khoảng hơn 1900m2, 500m2 vi phạm hành lang kênh Bá Liễu. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thái Huy diện tích khoảng hơn 230m2 vi phạm hành lang kênh Bá Liễu.

Thứ tư, Công ty TNHH nước sạch Kỳ Sơn quản lý, vận hành, kinh doanh Trạm nước sạch Kỳ Sơn trên diện tích khoảng 800m2 từ năm 2004 nhưng không có thủ tục về đất theo quy định. Theo UBND xã Kỳ Sơn báo cáo, sau khi hoàn thành dự án Trạm nước sạch, UBND xã Kỳ Sơn đã giao HTX dịch vụ vước sạch Kỳ Sơn quản lý, vận hành và kinh doanh nước sạch, tuy nhiên quá trình hoạt động, ông Quý – chủ nhiệm HTX đã phát triển HTX thành công ty TNHH nước sạch Kỳ Sơn. Năm 2010, UBND xã Kỳ Sơn đã kiến nghị UBND huyện Tứ Kỳ về việc cho HTX nước sạch Kỳ Sơn thuê đất nhưng đến nay chưa thực hiện được nội dung này.

Thứ năm, Công ty TNHH Kỹ thuật và Thương mại Trường Hải chưa nộp tiền thuê đất đối với diện tích 30.300,2m2 được UBND tỉnh cho thuê từ năm 2012. Theo công ty này báo cáo, Công ty đang thực hiện thủ tục xin đối trừ tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng vào tiền thuê đất hằng năm tại Cục thuế tỉnh.

Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Sơn.

Thứ sáu, Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Sơn được UBND tỉnh cho thuê 5.244m2 đất từ năm 2005 để đầu tư dự án kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng, sản xuất cọc bê tông đúc sẵn nhưng tại thời điểm thanh tra đã ký hợp đồng để hợp tác gia công may giầy trên diện tích 250m2, xây dựng, sử dụng 07 ki ốt vào mục đích cho thuê làm các dịch vụ khác không đúng nội dung dự án được phê duyệt.

Cuối cùng, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Khai đầu tư xây dựng nhà xưởng trên diện tích 4.875,5m2 từ tháng 01/2019 khi chưa có thủ tục thuê đất theo quy định.

Để khách quan thông tin tới bạn đọc Phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Ngọc Sẫm - Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ. Ông Sẫm cho biết: "Sẽ có ý kiến với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương khi ban hành Kết luận Thanh tra như thế này. Các ông ấy cho thuê đất xong lại về thanh tra rồi kết luận như thế này".

Ngày 18/7, Pháp luật Plus đã thông tin trong bài viết: Cụm công nghiệp Kỳ Sơn chưa có báo cáo ĐTM, chuyện của lịch sử hay do "buông lỏng"?

Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai của UBND huyện Tứ Kỳ tại cụm công nghiệp Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ và việc chấp hành pháp luật đất đai của các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp Kỳ Sơn còn tồn tại một số hạn chế như: cụm công nghiệp Kỳ Sơn chưa có cơ quan quản lý cụ thể, chưa có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, thực tế chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho cả cụm công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ, chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, hiện nay từng cở sở được thuê đất trong cụm công nghiệp phải tự đầu tư hạ tầng, hệ thống xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dẫn đến tình trạng manh mún, xé lẻ quy hoạch, khó khăn trong công tác quản lý. 

Đơn vị nào đã buông lỏng quản lý đất đai tại CCN Kỳ Sơn? Cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương và huyện Tứ Kỳ sẽ xử lý những sai phạm tại CCN Kỳ Sơn như thế nào?.

Pháp luật plus sẽ tiếp tục thông tin.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus