Hàng chục người ở Bình Dương ăn bún riêu chay nghi chứa độc
Kinhte&Xahoi
Những người cùng ăn riêu chay nghi chứa độc tố Botulinum đều là phật tử sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu (Bình Dương).
P.N.T.T. (16 tuổi) cải thiện sức khỏe sau khi được dùng huyết thanh nhưng tình trạng còn nặng. Ảnh: Thúy Nguyễn.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương, khoảng 25-30 người đã ăn bún riêu chay tại miếu Chiêu Liêu (khu dân cư Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Trước đó, ngày 20/3, bà C.N.H. (53 tuổi) và bà C.N.M. (49 tuổi) có biểu hiện chóng mặt, mờ mắt, cứng lưỡi, khó nuốt. Bà H. được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) trong tình trạng nguy kịch. Bà M. được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Tuy nhiên, bà M. đã tử vong.
Con của bà M. là P.N.T.T. (16 tuổi) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị do nghi nhiễm độc Botulinum toxin.
Trụ trì miếu Chiêu Liêu và bà Lê Thị Cách (người làm công quả) cho biết bà H. và M. là người trực tiếp mua nguyên liệu và chế biến các món ăn gồm: Bún riêu, cơm, khổ qua kho, đậu hủ kho, cà chua, chè thập cẩm, trà tắc.
Hiện bà H. nguy kịch và bà M. tử vong nên không xác định được chính xác các nguyên liệu đã mua và nơi mua. Bà Cách cũng dùng bữa trưa. Hiện sức khỏe của người này bình thường.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã lập danh sách những người đã ăn tại miếu vào trưa 20/3. Cơ quan này yêu cầu trụ trì miếu Chiêu Liêu thông tin đến toàn phật tự đang sinh hoạt có biểu hiện bất thường về sức khỏe phải đến ngay cơ sở y tế để khám, theo dõi điều trị.
Ngành y tế tỉnh Bình Dương đã lấy mẫu chả chay (bao gói kín), pate chay trên thị trường và tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh để gửi xét nghiệm tìm vi khuẩn và độc tố của Clostridium botulinum.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo người dân trên địa bàn không dùng các sản phẩm chả chay, pate hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hình dáng không còn nguyên vẹn.
Theo Sở Y tế TP HCM, 5 bệnh nhân đang được hồi sức tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2. Những người này nhập viện với cùng bệnh cảnh là khó thở, nhìn đôi, nói khó, nuốt khó...
"Biểu hiện lâm sàng của các bệnh nhân này là bằng chứng cho thấy đây là những trường hợp ngộ độc thức ăn pate cho độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum. Hiện các bệnh nhân được hồi sức và theo dõi sát", Sở Y tế TP HCM thông tin.
Bích Huệ - Theo Zing News