HDBank và Land Sài Gòn “trên luật” tại dự án Dragon Riverside City

17/06/2020 10:45

Kinhte&Xahoi Trong 3 năm (từ 2016 đến 2018), Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn) đã thực hiện 4 lần vay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần phát triển nhà TP.HCM (HDBank) với tổng số lên đến 4.300 tỷ đồng. Đáng nói, những cái “bắt tay” HDBank và Land Sài Gòn lại vi phạm nghiêm trọng Luật Tổ chức tín dụng, khi hai đơn vị này có cùng một pháp nhân là bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

HDBank cho người HDBank vay

Sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các đơn vị thành viên thoái vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn) tình hình tài chính, kinh doanh của đơn vị này đã rẽ theo một chiều hướng khác.

Theo báo cáo tài chính của Land Sài Gòn, năm 2016, để thực hiện dự án tại số 628-630 Võ Văn Kiệt, quận 5, Công ty này thực hiện khoản vay 1.000 tỷ đồng tại HDBank, đây khoản vay ngắn hạn thời gian 12 tháng để bổ xung vốn hợp tác đầu tư, khoản vay không có tài sản bảo đảm.

Đến năm 2017, Land Sài Gòn tiếp tục thực hiện 02 khoản vay tại HDBank gồm: 01 khoản vay ngắn hạn trị giá 200 tỷ đồng, thời gian 12 tháng và 01 khoản vay trung hạn 42 tháng, ân hạn 30 tháng với hạn mức 1.550 tỷ đồng, dư nợ tính đến hết năm 2017 là khoảng 69 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là toàn bộ tài sản của dự án tại 628 – 630 Võ Văn Kiệt, quận 5.

Tới năm 2018, Land Sài Gòn thực hiện khoản vay trung hạn trong hạn mức 1.550 tỷ đồng, dư nợ cho vay khoảng 455 tỷ đồng, thời gian trung hạn 42 tháng, ân hạn 30 tháng, tài sản bảo đảm là toàn bộ tài sản của dự án trên.

Phối cảnh dự án Dragon Riverside City


Đáng nói, những khoản vay của Land Sài Gòn tại HD Bank có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể, khi EVN và các đơn vị thành viên thoái vốn tại Land Sài Gòn vào năm 2014, Sovico chính là đơn vị đứng ra mua số cổ phần trên.

Tính đến giữa năm 2014, Sovico đã nâng tổng sở hữu lên thành 50,86% vốn tại Land Sài Gòn. Cùng với 23,61% cổ phần LSG được sở hữu bởi Công ty Đại Á – có liên quan tới HDBank (ngân hàng có cổ đông lớn là Công ty cổ phần Sovico) và Chứng khoán Phú Gia nắm 5,75% thì nhóm cổ đông của Sovico đã nắm giữ tới 80,32% cổ phần tại Land Sài Gòn.

Trong khi đó, để có vốn kinh doanh, trong 3 năm Land Sài Gòn lại thực hiện 4 thương vụ vay của HD Bank. Cả 2 đơn vị này, đều đồng thời có pháp nhân đại diện là bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, vừa là Chủ tịch HĐQT Sovico, ngoài ra giữ vai trò là Phó chủ tịch HĐQT HDBank).

Dự án Dragon Riverside tiền thân là khu nhà đèn Chợ Quán của EVN.

Trả lời PV xung quanh sự việc này, Luật sư Lê Đức Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc pháp nhân đại diện có tên ở cả bên vay lẫn bên cho vay là vi phạm nghiêm trọng quy định cấm cho vay.

“Điều 126 Bộ Luật Tổ chức tín dụng hiện hành quy định.

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân sau đây:

a) Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn”, Luật sư Thắng thông tin.

Cũng theo Luật sư Lê Đức Thắng, những đối tượng tại khoản 1 Điều 126 là những người có quyền ra quyết định nên có thể xảy ra tình huống không minh bạch, trung thực trong giao dịch dẫn đến rủi ro cao. Nếu tổ chức tín dụng cho vay thì hợp đồng này sẽ vô hiệu toàn bộ ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, từ những vụ việc thực tế xảy ra như đại án Ocean Bank,… Luật cũng đã bổ sung các điều khoản 3, 4, 5, 6 để tránh những xảy ra những trường hợp tương tự gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng.

TP.HCM bất lực trước sai phạm tại Dragon Riverside City?

Khu đất số 628-630 Võ Văn Kiệt, quận 5, TP.HCM do Land Sài Gòn làm chủ đầu tư được gán tên thương mại là Khu phức hợp Dragon Riverside City.

Khi dự án chưa hết nóng bởi thông tin EVN thoái vốn khiến Sovico thâu tóm “đất vàng” với “giá bèo” thì UBND TP.HCM lại chỉ ra hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai của chủ đầu tư.

Theo đó, năm 2019, UBND TP.HCM đã ra Quyết định xử phạt số 795/QD-XPVPH về việc xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vi Na (có trụ sở 628 – 630, đường Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5, TP.HCM) do đơn vị này đã tiến hành xây dựng trái phép tại dự án Dragon Riverside.

Quyết định xử phạt nêu rõ, quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm. Do vậy, căn cứ điểm c khoản 8 điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP phạt tiền chủ đầu tư với mức phạt 325 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn) buộc chủ đầu tư tháo dỡ phần công trình vi phạm (do đã quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản số 01/BB – VPHC 13/09/2018 của UBND Phường 1, Quận 5).

Cụ thể, buộc tháo dỡ toàn bộ tầng hầm B1, B2, tổng diện tích là 25.049,8 m2. Tháo dỡ toàn bộ diện tích vi phạm tại tầng trệt của các tháp A, B, C, D và nắp hầm mở rộng, tổng diện tích là 9.700 m2. Quá thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận quyết định) mà chưa nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì phải nộp 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Trước đó, vào tháng 9/2018, UBND quận 5 đã ra Quyết định xử phạt 40 triệu đồng, buộc dừng thi công, xin giấy phép xây dựng và khôi phục lại hiện trạng theo quy định đối với dự án này do thi công trái phép.

UBND TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ phần hầm và tầng trệt đã xây dựng trái phép tại Dragon Riverside City. Tuy nhiên, thay vì chấp hành nghiêm quy định xử phạt, Land Sài Gòn vẫn tiếp tục xây dựng dự án.

Vì thế, cuối năm 2019, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành Quyết định số 4220/QĐ-CCXP buộc cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với Công ty này tại Khu phức hợp Dragon Riverside City.

Theo ghi nhận của PV, đến nay đã hơn nửa năm sau quyết định buộc cưỡng chế các công trình sai phạm tại dự án Dragon Riverside City, nhưng các công trình sai phạm vẫn chưa được tháo dỡ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc https://doanhnghiepdautu.net/hdbank-va-land-sai-gon-tren-luat-tai-du-an-dragon-riverside-city/