Hoàn Kiếm: Công trình xây dựng phá vỡ quy hoạch phố cổ?

16/09/2019 11:37

Kinhte&Xahoi Mặc dù đã có quy định rõ ràng nhưng tình trạng vi phạm TTXD, ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vẫn ngang nhiên diễn ra.

Ngày 24/10/2013, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký ban hành Quyết định số 6398/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội, trong đó nêu rõ các công trình mặt phố cổ đều không được phép cao quá 12m, lớp nhà mặt phố được phép xây từ 1-3 tầng, tương đương 6-12m; lớp phía sau từ 2-4 tầng, tương đương 10-16m, khoảng lùi tối thiểu của lớp sau là 4-6m...

Trong khu phố cổ, có rất ít tuyến phố các công trình được phép cao 16-20m như Phan Đình Phùng, Trần Nhật Duật,... Ngoài ra, trong danh mục 79 tuyến phố và 83 ô phố tại khu phố cổ được quy định chi tiết về mật độ, số tầng cao được phép xây dựng và khoảng lùi công trình.

Trong hình là công trình số 29 Hàng Mã được xây dựng 4 tầng+tum, phần tum bị biến tướng.

Cũng tại Điều 5 quy định về không gian và cảnh quan có quy định cụ thể: "Trong khu bảo vệ tôn tạo cấp I phải giữ gìn hình ảnh và phong cách Khu phố Cổ truyền thống, bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị, các di tích lịch sử - văn hóa. Các công trình được phép cải tạo, xây dựng mới phải trên cơ sở phục dựng kiến trúc gốc trước năm 1954 (nếu có), hoặc theo không gian và phong cách kiến trúc đặc trưng tiêu biểu Khu phố Cổ; Phát huy, nhân rộng phong cách kiến trúc các công trình nhà có giá trị và giá trị đặc biệt tại khu vực tạo thành các dãy công trình thống nhất phong cách".

Thế nhưng, tại phường Hàng Mã tình trạng xây dựng nhiều công trình nhà ở có dấu hiệu vi phạm TTXD, ảnh hưởng tới quy hoạch kiến trúc phổ cố. Đáng nói, vấn đề này đã được báo chí phản ánh nhiều lần nhưng vẫn chưa bị xử lý dứt điểm gây bức xúc trong dư luận. 
 
 Cụ thể, công trình 29  Hàng Mã dù trước đó công trình chỉ xây dựng 4 tầng, tuy nhiên, thời gian gần đây lại tiếp tục cơi nới thêm, thi công và xây dựng lên thành 4 tầng + 1 tum, phần tum bị biến tướng, chiều cao vượt trội so với các công trình xung quanh, công trình đã hoàn thiện mà không hề bị kiểm tra, xử lý.

Cũng nằm trên địa bàn phường Hàng Mã, là công trình số 13 và 15 Lý Nam Đế, nằm trong khu vực phố cũ, quy mô xây dựng lớn, có chiều cao vượt trội. Mật độ xây dựng đang có dấu hiệu vi phạm. Không những vậy, trong quá trình thi công chủ đầu tư thường xuyên tập kết vật liệu, lấn chiếm vỉa hè làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân khi tham gia giao thông qua tuyến đường này.

Công trình số 13 và 15 Lý Nam Đế có chiều cao quy mô “khủng” so với các công trình xung quanh.

Một người dân sinh sống gần công trình nói trên bức xúc: “Việc xây dựng trên địa bàn phố cổ, phố cũ phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, chúng tôi muốn xây dựng hay cải tạo nhà cửa đều phải xin phép các cơ quan chức năng, nếu chúng tôi chưa được cấp phép mà đã tự ý xây dựng thì đã có cán bộ phường đến hỏi thăm rồi. Thế nhưng không hiểu sao các công trình trên đang “đua” về chiều cao và mật độ cho phép lại không hề bị kiểm tra hay xử lý? Phải chăng ở đây có sự khuất tất gì đó”?

Để cho thông tin khách quan, PV đã liên hệ làm việc với UBND phường Hàng Mã nhưng đã nhiều ngày trôi qua vẫn im lặng.

Với những dấu hiệu sai phạm trên, dư luận đang đặt câu hỏi liệu chính quyền sở tại và lực lượng TTXD đô thị địa bàn có ưu ái, bỏ qua cho các công trình, phá vỡ quy hoạch kiến trúc khu phố cổ, đi ngược với quyết định số 6398/QĐ-UBND của thành phố Hà Nội?

Đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, tránh ảnh hưởng xấu trong dư luận.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: GĐ&PL