Hoạt động kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long: Quyền khai thác không thể bán đấu giá?

24/10/2019 09:32

Kinhte&Xahoi Ngày 31/7/2019 Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (Ban QLVHL) ra văn bản số 654/BQLVHL-VP gửi các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch (Chèo thuyền Kayak, thuyền nan, cano cao tốc…) tại 5 khu vực trên Vịnh Hạ Long. Nội dung là cung cấp tờ khai thuế của ba năm 2016, 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 để chuẩn bị cho Đề án cho thuê tài sản và đấu giá cho thuê quyền khai thác các điểm kinh doanh dịch vụ trên Vịnh Hạ Long. Và nó trở thành Văn bản “lạ” gieo rắc sự lo sợ, bất an cho ít nhất là 4 đơn vị đang hoạt động ổn định trên Vịnh từ trước tới nay.

Trước hết xin được làm rõ khái niệm “đấu giá” như Ban QLVHL nêu trên: Đấu giá hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hóa công khai để chọn người mua trả giá cao nhất ( theo khoản 1 Điều 185; Luật Thương mại năm 2005).  

Theo khái niệm trên thì Ban QLVHL dựa vào đâu để có “hàng hóa” mang bán đấu giá khiến nhiều doanh nghiệp đang hoạt động hợp pháp trên Vịnh Hạ Long như ngồi trên đống lửa bởi quyền hoạt động kinh doanh, quyền mưu sinh bao năm của họ có nguy cơ bị “bức tử” nếu như “hàng hóa” – tức quyền khai thác địa điểm kinh doanh trên Vịnh của họ bị mang ra bán “đấu giá” theo kiểu “luật làng” như vậy. Thật nực cười khi quyền khai thác kinh doanh trên Vịnh Hạ Long được các cơ quan Nhà nước ở Quảng Ninh hiểu là hàng hóa và họ không ngần ngại đưa vào đấu giá?

Quyền khai thác du lịch trên Vịnh Hạ Long không phải là hàng hóa nên nó không thể bán đấu giá như cách mà các cơ quan chức năng tại Quảng Ninh đang nhầm lẫn?!

Đáng tiếc thay, văn bản 654 của Ban QLVHL không bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống mà nó căn cứ văn bản 5188/UBND –TM 3 ngày 23/7/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về Đề án cho thuê tài sản và đấu giá cho thuê quyền khai thác các điểm kinh doanh dịch vụ trên Vịnh Hạ Long. Và văn bản 5188 lại được dựa trên văn bản 2068 ngày 29/5/2019 và các thông báo của Ban cán sự Đảng tại Quảng Ninh.

Vấn đề ở đây là một sự hiểu nhầm hoặc cố tình hiểu nhầm “có hệ thống” của rất nhiều cơ quan Nhà nước tại tỉnh Quảng Ninh là mặc nhiên coi “quyền khai thác” như một thứ hàng hóa và được đưa ra chủ trương “đấu giá”?!

Nếu cứ áp dụng cái “luật làng” như của Quảng Ninh rộng rãi trên toàn quốc để đấu giá “quyền khai thác” ví như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều phải tham gia đấu giá “quyền khai thác” khi kinh doanh sinh lời trên tài nguyên đất đai… Và như vậy “sáng kiến” này thành hiện thực chắc ngân sách mỗi năm sẽ tăng vài triệu ngàn tỉ đồng chứ không ít?!

Vậy các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm gì cho các vấn đề trên? 

Một là, quản lý tốt về các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch theo 5 địa điểm trên Vịnh Hạ Long. Thực chất, các hoạt động chèo đò, chở khách tham quan, dịch vụ chèo thuyền kayak, nuôi trồng thủy sản kết hợp tham quan du lịch, dịch vụ chở khách bằng xuồng cao tốc….đã đang hoạt động hợp pháp, hiệu quả và được quản lý Nhà nước rất tốt từ năm 2008 đến nay. Loại hình dịch vụ này không những mang hiệu quả kinh tế rất tốt mà còn có ý nghĩa nhân văn – an sinh xã hội quan trọng vì đã giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động nghèo khi di chuyển từ các làng chài cổ xưa lên bờ.

Hai là, thay vì đấu giá quyền khai thác – một khái niệm không có luật hướng dẫn thì UBND tỉnh nên chỉ đạo cho các doanh nghiệp có vị trí kinh doanh cố định trên Vịnh thuê tài nguyên mặt nước, thuê đất ( theo Luật Đất đai đã hướng dẫn).  Như vậy Nhà nước thu được ngân sách từ giá trị tài nguyên mặt nước, vừa dễ cho công tác quản lý vừa giúp doanh nghiệp ổn định phát triển.

Ba là, chỉ có thể đấu giá trong đó có quyền khai thác khi Ban QLVHL hoặc bất kỳ một cơ quan nào dùng vốn ngân sách đầu tư trên Vịnh nay cho thuê hoặc thoái vốn.
Theo đó, 4 đơn vị là: Công ty TNHH MTV Nam Tùng, Công ty CP Hải Phong Hạ Long, Hợp tác xã Dịch vụ Du Lịch Vạn Chài Hạ Long, Hợp tác xã vạn chài Con Đò Cổ Tích bị điều chỉnh bởi Văn bản 654 đã ngay lập tức lên tiếng bằng kiến nghị về việc đấu giá cho thuê quyền khai thác địa điểm kinh doanh dịch vụ trên vịnh Hạ Long, gửi các cơ quan chức năng của Quảng Ninh ngày 14/10/2019.

Thiên nhiên đã rộng lòng ban tặng cho Quảng Ninh một Vịnh Hạ Long êm đềm và thơ mộng. Mong sao những chính sách từ nhà quản lý đừng “khuấy động” mỹ cảnh tĩnh mịch này

Tóm tắt nội dung văn bản kiến nghị ngày 14/10/2019 như sau: Các điểm dịch vụ của các doanh nghiệp trên đã phù hợp với quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị vịnh Hạ Long được UBND tỉnh phê duyệt tại văn bản số 1139/UBND về tuyến điểm du lịch. 

Các loại hình dịch vụ trên đã được các doanh nghiệp tổ chức hoạt động từ nhiều năm trước đây cho đến hiện tại vẫn đang được duy trì và phát triển tốt. Cơ sở vật chất được đầu tư đảm bảo an toàn cho du khách, con người quản lý có kinh nghiệm và tâm huyết gắn bó với hoạt động phục vụ khách du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Việc đa dạng các loại hình dịch vụ đã đáp ứng được nhu cầu của du khách tham quan Vịnh Hạ Long, đặc biệt có một số loại hình dịch vụ mang đậm nét văn hóa truyền thống của cộng đồng ngư dân làng chài cổ xưa  đã được du khách tham đặc biệt ấn tượng, đã được xếp loại sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh Quảng Ninh. 

Mọi sự đầu tư, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp luôn đảm bảo sự an toàn, đúng quy chế quản lý khai thác Vịnh Hạ Long đặc biệt tuân thủ đúng các quy định pháp luật Nhà nước. Việc chấp hành các nghĩa vụ thuế, phí đều đầy đủ.

Ngày 26/6/2017 Ban QLVHL ra văn bản số 514 triệu tập 7 đơn vị đang có địa điểm hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long họp, sau đó Ban thu hồi lại văn bản, hồ sơ pháp lý của các đơn vị và chưa tiếp tục ký lại hợp đồng. Điều này biến doanh nghiệp từ hoạt động hợp pháp thành nguy cơ bất hợp pháp mà nguyên nhân từ chính hành vi trên của Ban tạo ra?

Thông báo số 110 của UBND tỉnh ngày 27/4/2017 có nội dung: “Trong thời gian đang hoàn thành quy hoạch các hoạt động dịch vụ trên Vịnh Hạ Long thì tuyệt đối không được bổ sung phương tiện mới”. Tuy nhiên, UBND thành phố Hạ Long tiếp tục ra một số văn bản trái chiều: VB 930; VB 1108, VB 7143 nhằm khẩn trương cho phép Công ty CP Du lịch Việt Á tiếp tục đóng mới, hoạt động chèo thuyền kayak tại Hang Luồn tới 30 phương tiện?!

Được biết, hiện nay UBND tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và vùng biển Vân Đồn sao cho tuân thủ đúng Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Động thái này khiến hàng trăm chủ doanh nghiệp thuộc Chi hội Tàu Du lịch Hạ Long coi như “luồng gió mới” mở ra một tương lai phát triển mạnh mẽ cho ngành du lịch biển.      

Đó là cách ngăn ngừa nguy cơ nhũng nhiễu, nguy cơ tạo nhóm lợi ích “sân sau”… Phát huy một thị trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Vì vậy, chắc chắn những văn bản, nhưng quan điểm, chủ trương trái chiều như trên tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm điều chỉnh./.

Văn Nguyễn

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: KD&PL