Hơn 54,2 triệu ca mắc, nhiều nước châu Âu áp dụng phong tỏa,130 sĩ quan mật vũ Mỹ cách ly

15/11/2020 17:00

Kinhte&Xahoi Chỉ trong vòng 1 ngày, cả thế giới ghi nhận 561.275 ca mắc mới Covid-19 và 8.669 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc Covid-19 là hơn 54,2 triệu trường hợp, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong.

Mỹ ghi nhận thêm 148.323 ca mắc mới trong 24 giờ qua, cao nhất thế giới, nâng tổng số ca tại quốc gia này lên hơn 11,2 triệu trường hợp với 251.215 ca tử vong sau (tăng thêm 1.219 người).

Trong 24h qua, Brazil ghi nhận 29.463 trường hợp mắc bệnh và 712 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này đã vượt mốc 5,8 triệu với 165.658 ca tử vong.

Trong 1 ngày, Nga ghi nhận tới 22.702 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca lên gần 1,9 triệu với 32.834 người chết vì dịch bệnh này sau khi có thêm 391 ca tử vong.

Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ tại châu Âu. Trong 1 ngày qua, Pháp ghi nhận 32.095 ca mắc mới và 354 ca tử vong. Với tổng số ca mắc vượt 1,9 triệu và tổng số ca tử vong là 44.246, Pháp đã vượt Nga và đứng thứ 4 về số ca mắc Covid-19 trên thế giới. Vương quốc Anh cũng ghi nhận tới 26.860 ca mắc và 462 ca tử vong chỉ trong 1 ngày. Anh hiện đứng thứ 7 thế giới về tổng số ca mắc với hơn 1,3 triệu trường hợp.

 Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ tại châu Âu.

Ấn Độ ghi nhận số ca mắc trong ngày cao thứ hai thế giới với 41.659 trường hợp. Quốc gia này hiện đã có hơn 8,8 triệu trường hợp mắc bệnh và là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Ấn Độ có 129.674 ca tử vong vì Covid-19 sau khi ghi nhận 449 người tử vong trong 24 giờ qua.

Tại Đông Nam Á, số ca mắc trong ngày ở Philippines đã giảm khi ghi nhận 1.650 ca mắc mới và 39 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc Covid-19 tại Philippines là 406.337 trường hợp, trong đó có 7.791 ca tử vong. Indonesia lại ghi nhận số ca mắc tăng lên với 5.272 ca, trong đó có 111 trường hợp tử vong trong 24h qua. Indonesia hiện là nước có số ca mắc cao thứ 21 thế giới với tổng số người mắc bệnh là 463.007.

Hơn 130 sĩ quan mật vụ Mỹ phải cách ly vì lây nhiễm SARS-CoV-2

Reuters dẫn thông tin của Washington Post cho biết hơn 130 nhân viên mật vụ Mỹ đang bị cách ly do lây nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc với những người đã xét nghiệm dương tính với chủng virus này.

Đến nay, ngày càng có nhiều quan ngại về khả năng các nhân viên mật vụ bảo vệ Tổng thống Donald Trump có thể mắc COVID-19, trong bối cảnh số ca lây nhiễm tại Nhà Trắng đang tăng lên.

Trong một tuyên bố, cơ quan mật vụ Mỹ cho biết cơ quan này "thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch tranh cử Tổng thống đồng thời hoàn thành trách nhiệm bảo vệ theo luật định." Cơ quan này khẳng định họ "đã duy trì các biện pháp bao gồm xét nghiệm, truy vết tiếp xúc với những người đã được xác nhận và nghi bị phơi nhiễm, cũng như nhanh chóng cách ly các nhân viên xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19.

Cũng theo cơ quan mật vụ Mỹ, chương trình này đảm bảo rằng mọi biện pháp phòng được thực hiện để "giữ an toàn và khỏe mạnh cho những người được bảo vệ, những nhân viên mật vụ, gia đình của họ cũng như công chúng."

130 nhân viên mật vụ Mỹ đang bị cách ly do các nguyên nhân liên quan đến COVID-19. 

Trung Quốc ngừng nhập khẩu cá từ Ấn Độ vì phát hiện virus SARS-CoV-2

Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa cho biết, nước này sẽ tạm ngừng nhập khẩu cá từ công ty Basu International của Ấn Độ trong một tuần, sau khi phát hiện loại virus SARS-CoV-2 mới trên ba mẫu bao bì bên ngoài của mực đông lạnh.

Sau khi kết thúc 7 ngày đình chỉ, hoạt động giao thương sẽ quay trở lại bình thường. Bởi theo quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, các nhà cung cấp thực phẩm đông lạnh sẽ bị đình chỉ hoạt động trong vòng một tuần nếu cung cấp sản phẩm có dính virus SARS-CoV-2. Những đơn vị vi phạm quy định này trên 3 lần sẽ bị đình chỉ hoạt động trong vòng một tháng.

Trước đó hôm (9/11) Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đình chỉ việc nhập khẩu cá từ một công ty của Indonesia do phát hiện virus SARS-CoV-2 trên một mẫu sản phẩm cá đông lạnh.

Thủ tướng Đức cảnh báo ngày tháng khó khăn do dịch COVID-19

Ngày 14/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa cảnh báo người dân nước này về những ngày tháng khó khăn phía trước do sự lây lan của dịch COVID-19.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với Hội đồng cố vấn kinh tế của Chính phủ Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, như trường hợp của bệnh cúm Tây Ban Nha, giờ đây chúng ta cũng phải dự đoán làn sóng thứ hai dịch COVID-19 sẽ nghiêm trọng hơn vào mùa đông năm nay. "Điều đó có nghĩa là chúng ta phải đối phó với dịch bệnh trong cả mùa Đông. Ngay cả có có tin tốt về việc phát triển vaccine thì cũng chưa có tác động đáng kể trong mùa Đông này. Chính vì thế, chúng ta vẫn phải tiếp tục các biện pháp phòng dịch", bà Merkel nói.

Trong bối cảnh tình hình lây nhiễm chưa thuyên giảm, nhiều khả năng Thủ tướng Merkel và các thủ hiến bang của Đức sẽ phải xem xét siết chặt thêm các biện pháp phòng ngừa trong cuộc thảo luận trực tuyến vào đầu tuần tới.

Thụy Điển thừa nhận dự báo sai về làn sóng Covid-19 thứ hai

Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển hôm nay (14/11) thừa nhận dự báo sai về sự phát triển của làn sóng Covid-19 thứ hai.

Trước đây, cơ quan này hy vọng, việc không áp dụng các biện pháp phòng ngừa chính thức sẽ giúp hình thành khả năng miễn dịch cộng đồng, giúp ngăn chặn sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế mọi chuyện không xảy ra như vậy khi số ca nhập viện ở Thụy Điển hiện đang tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Theo thống kê, trong vài ngày qua, Thụy Điển có số ca mắc Covid-19 trên đầu người cao gấp 8 lần Phần Lan và 3 lần rưỡi so với Na Uy.

Thụy Điển không áp dụng biện pháp kiểm dịch chính thức, là quốc gia châu Âu duy nhất không bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang bên ngoài bệnh viện. Tuy nhiên, Cơ quan Y tế Công cộng khuyến cáo nên duy trì khoảng cách xã hội, rửa tay, làm việc tại nhà và tránh đến những nơi công cộng.

Ảnh: Reuters. 

Nhiều nước châu Âu siết chặt các biện pháp phòng chống Covid-19

Chính phủ Áo hôm qua thông báo sẽ phong tỏa toàn quốc kể từ ngày 17/11 tới ngày 6/12 nhằm phòng chống đại dịch Covid-19, bao gồm việc đóng cửa trường học và các cửa hàng không thiết yếu.

Trước đó, chính phủ Áo đã tiến hành các biện pháp phong tỏa từng phần nhưng không thể kiểm soát được các ca mới mắc Covid-19. Trong thời gian tới, các biện pháp hạn chế mới sẽ nỗ lực giảm thiểu tối đa tiếp xúc xã hội, trong đó yêu cầu người dân không ra đường mà không có lý do xác đáng. Các trường cấp tiểu học và trung học sẽ chuyển sang học trực tuyến, trong khi các cấp cao hơn vẫn tiếp tục triển khai phương án này.

Trong những ngày qua, các ca mới mắc Covid-19 ở Áo đã tăng nhanh hơn hai quốc gia láng giềng là Thụy Sĩ và Cộng hòa Séc. Trong đợt bùng phát đầu tiên hồi đầu năm nay, Áo không bị ảnh hưởng nhiều nhưng trong những ngày qua, tình hình không khả quan. Áo đã ghi nhận 10.000 ca mới mắc Covid-19 trong ngày 13/11. Tình trạng hiện nay đang tạo ra sức ép lớn với hệ thống y tế của Áo, trong khi số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này là gần 1.750 ca.

Trong khi đó, hôm qua (14/11), Hy Lạp thông báo đóng cửa các trường tiểu học, nhà trẻ cho đến cuối tháng 11, thắt chặt hạn chế trên toàn quốc được triển khai quyết liệt trong tuần tới sau khi chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến.

Số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày của Hy Lạp kể từ cuối tháng 10 tới nay đã tăng gấp 4 lần so với thời điểm trước đó, có thời điểm lên tới 3.000 ca mỗi ngày. Số ca tử vong cũng tăng đột biến nhiều tuần nay khiến các quan chức y tế nước này đã buộc phải đưa ra các hạn chế mới cho người dân.

 Thảo Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/hon-542-trieu-ca-mac-nhieu-nuoc-chau-au-ap-dung-phong-toa130-si-quan-mat-vu-my-cach-ly-d140701.html