Hướng tới loại bỏ hành vi phản cảm trong lễ hội

09/01/2020 15:42

Kinhte&Xahoi Theo một thống kê của Bộ VH-TT&DL năm 2018, mỗi năm trên cả nước có khoảng 8.000 lễ hội lớn nhỏ được tổ chức. Nhìn lại thực tế năm 2019, tại nhiều địa điểm tổ chức lễ hội vẫn còn để lọt những hành vi đi ngược với giá trị văn hóa, làm sai lệch suy nghĩ của người dân. Đây chính là những bài học kinh nghiệm quan trọng cho công tác định hướng, quản lý lễ hội năm 2020.

Hành vi phản cảm cần được xử lý quyết liệt nhằm mang lại môi trường lễ hội văn minh.

Khai xuân an toàn, tiết kiệm, văn minh

Dịp đầu năm cũng là thời điểm mà các lễ hội xuân diễn ra sôi động nhất với hàng nghìn lễ hội quy mô lớn nhỏ diễn ra hầu khắp các tỉnh trong cả nước. Hội xuân được xem là khai mở cho một năm tốt lành, an khang, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho năm mới. Vì vậy, rất nhiều người đã tập trung về các lễ hội này với mong muốn cầu chúc cho một năm an lành, thịnh vượng cho bản thân và gia đình. 

Theo đó, đầu năm 2019, công tác chuẩn bị cho lễ hội xuân được cấp, ngành các tỉnh chú trọng, đặc biệt là khâu giám sát, quản lý mọi hoạt động trong thời điểm diễn ra lễ hội. Phương châm an toàn, tiết kiệm, tôn vinh giá trị của lễ hội truyền thống được thực hiện quyết liệt và mang lại những kết quả khả quan so với những năm trước. 

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, những năm gần đây, lượng khách đổ về các lễ hội lớn, có xu hướng tăng qua các năm, đặc biệt tập trung tại khu vực miền Bắc rất đông, nhiều nơi có dấu hiệu quá tải. Song nếu công tác lễ hội được chuẩn bị, tổ chức và sát sao kĩ lưỡng thì về cơ bản sẽ không xảy ra sự cố về an ninh trật tự hay những hình ảnh chen lấn, bạo lực phản cảm.

Nổi bật trong hoạt động lễ hội khai xuân đầu năm là Lễ hội Chùa Hương tại cả hai miền Bắc (Hà Nội) và miền Trung (Hà Tĩnh). Để chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động lễ hội được diễn ra thuận lợi, ban quản lý và cấp tỉnh đã tham gia trực tiếp điều hành mọi hoạt động, kiểm soát chặt chẽ lượng người tham dự và không để tình trạng chen lấn, xô đẩy, cướp đồ cúng diễn ra phản cảm. 

Cùng với đó, những chuyển biến còn thể hiện ở các hoạt động kinh doanh phía trong các chùa, các động, đoạn đường hẹp hoặc vực sâu hầu như không còn. Hơn 300 gian hàng được cấp phép kinh doanh đều lùi sâu vào trong, có tủ bảo quản thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, không treo móc thịt tươi sống để quảng cáo, gây phản cảm.

Hai bên bờ suối Yến có nhiều bảng, biển tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh ở nơi thờ tự; đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng của ban tổ chức để người dân cũng có thể tham gia vào công tác bảo vệ môi trường văn minh, lành mạnh tại nơi tâm linh.

Nhiều hoạt động lễ hội khác như Phết Hiền Quan (Phú Thọ), hội Phết Bàn Giản (Vĩnh Phúc), Chùa Hương, Đền Sóc (Hà Nội),… nhờ việc rút kinh nghiệm của những năm trước, năm nay đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ rất sớm, được sự chỉ đạo quyết liệt từ Sở VH-TT&DL nên các hoạt động trong lễ hội đều rất an toàn, nói không với những hiện tượng phản cảm. 

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm những trường hợp cố tình ép giá, ép khách, nhũng nhiễu đòi tiền bồi dưỡng. Lực lượng chức năng cũng kiểm tra, quản lý chặt chẽ vé thắng cảnh, xử lý trường hợp tranh giành, dẫn khách trốn vé…

Kinh nghiệm đắt giá

Không những đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia lễ hội, các hội xuân năm 2019 cũng được tổ chức trên tinh thần tiết kiệm, không khoa trương, rầm rộ. Các hoạt động như đổi tiền lẻ, dâng mâm cúng lớn cũng được hạn chế nhằm tập trung nâng cao giá trị ý nghĩa tinh thần mà lễ hội muốn hướng đến. Các hoạt động như xem bói, xem tướng tự phát, sai lệch mục đích tại đền chùa cũng được xử lý quyết liệt và mạnh mẽ hơn, mang lại môi trường văn minh và đúng với tinh thần lễ hội. 

Nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng, với các hoạt động phong phú như: trưng bày, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực; tổ chức các hoạt động văn hóa, môn thể thao truyền thống, góp phần giới thiệu, quảng bá, giáo dục đạo lý “uống ước nhớ nguồn”, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo sự gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Các lễ hội liên kết quốc tế, giao lưu vùng miền cũng được tổ chức tốt, nhận được phản hồi tích cực của người dân. Điều này góp phần tạo nên một năm lễ hội đặc sắc, đi sâu vào khai thác những giá trị bản sắc văn hóa vùng miền của đất nước làm nên màu sắc ấn tượng cho các lễ hội.

Tuy vậy, mặc dù đã có những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn những hành vi phản cảm, trái với luân thường đạo lý nhưng trong các mùa lễ hội, những kẻ lừa đảo vẫn chiếm được một khoản tiền kha khá từ việc moi móc túi người dân dựa vào niềm tin tâm linh. Nổi bật nhất là câu chuyện “thỉnh vong báo oán” tại chùa Ba Vàng được báo chí công khai vào tháng 3/2019, đã dậy lên làn sóng hoang mang, bức xúc về những biến tướng trong mùa lễ hội. 

Trong khi đó, xảy ra nhiều hơn, mật độ thường xuyên hơn chính là những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc, đốt đồ mã, vàng mã tại một số di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn, khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích cũng chưa được giải quyết hoàn toàn.

Đơn cử một số lễ hội đã được dư luận phê phán như Hội làng Sơn Đồng (Lễ hội Giằng Bông), xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội); Hội Phết Hiền Quan, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ), Lễ hội Đúc Bụt tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc)...

Chưa kể đến, phần lớn các lễ hội vẫn bị đánh giá nội dung tổ chức còn sơ sài, na ná nhau, chưa chú trọng đến việc khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của lễ hội. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống chưa có sự đổi mới, hấp dẫn, thu hút được người xem.

Đây là những vấn đề mà rất nhiều lễ hội đều đang mắc phải và chưa có sự giải quyết triệt để nhằm mang lại không gian lễ hội văn minh cho người dân, đúng với giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. 

 Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch:

“Phải ghi nhận sự vào cuộc tích cực, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp. Việc phân công trách nhiệm rõ ràng, huy động lực lượng đa ngành và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những giá trị của lễ hội... là những yếu tố đã mang đến chuyển biến tích cực trong hoạt động lễ hội”.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội:

“Các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh như: Lưu hành ấn phẩm văn hóa trái phép không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, các dịch vụ điện tử dùng loa có công suất lớn sẽ bị xử lý nghiêm.

Đối với việc đặt tiền công đức, tiền lễ đúng quy định cũng sẽ bị nhắc nhở. Lực lượng chức năng cũng kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ”.

Hà Trang (tổng hợp)


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/huong-toi-loai-bo-hanh-vi-phan-cam-trong-le-hoi-d114859.html