Không nên chờ đợi, trì hoãn tiêm vaccine Covid-19

21/06/2021 16:49

Kinhte&Xahoi Vaccine phòng Covid-19 ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus, giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh và giảm số phải nhập viện điều trị và tử vong.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người vì nhiều lý do khác nhau, có tâm lý lựa chọn, chờ đợi, trì hoãn tiêm chủng vaccine. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên có tâm lý lựa chọn, chờ đợi vaccine mà bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm.

Vaccine Covid-19 hiệu quả bảo vệ từ hơn 60% đến hơn 90%

Việt Nam đã bước vào đợt 3 tiêm chủng vaccine Covid-19, với hơn 2 triệu người đã tiêm vaccine, trong đó, hơn 115.000 người đã tiêm đủ 2 mũi. Tính đến 16 giờ ngày 20/6, Việt Nam đã thực hiện tiêm tổng cộng 2.422.643 liều vaccine phòng Covid-19, trong đó, 121.683 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Riêng trong ngày 20/6, có 60.955 người được tiêm tại 41 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng.

 Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Thảo Trần

Vaccine là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các vaccine phòng Covid-19 hiện nay có hiệu quả bảo vệ từ trên 60 đến trên 90%. Vaccine phòng Covid-19 ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus, giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh và giảm số phải nhập viện điều trị và tử vong
Vaccine phòng Covid-19 hiện nay đều là vaccine mới, hiệu quả phòng bệnh của vaccine phòng Covid-19 theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất, việc theo dõi về hiệu quả và thời gian bảo vệ của vaccine vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã hoàn thành 2 đợt tiêm chủng, sử dụng an toàn, hiệu quả và kịp thời trong số vaccine được cung ứng. Với vaccine được phân bổ đợt 3, các tỉnh cũng đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, để sớm hoàn thành tiêm chủng đợt 3. Việc tiêm vaccine bao phủ 70% dân số của cả nước phụ thuộc vào tiến độ cung ứng vaccine và năng lực của hệ thống tiêm chủng.

“Sau hơn 3 tháng triển khai tiêm trên cả nước, đến nay, trong số người đã tiêm, khoảng 14 - 20% có phản ứng sau tiêm, tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine đã xảy ra, các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng” - PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay.

Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho rằng, những người cao tuổi, người có bệnh nền (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...) là nhóm người có nguy cơ nhiễm cao, mắc Covid-19 nặng nên là đối tượng nguy cơ cần được tiêm vaccine, tuy nhiên chỉ tiêm chủng khi bệnh đã ổn định, các chỉ số đường huyết, mạch, huyết áp ở giới hạn bình thường.  Người có bệnh lý mạn tính không thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm vaccine phòng Covid-19 hiện nay ở Việt Nam nhưng cần được tư vấn đầy đủ.

Tiêm vaccine cùng thực hiện 5K để ngừa Covid-19

Hiện nay có nhiều loại vaccine phòng Covid-19 của các nhà sản xuất khác nhau. Khi đã có đủ nguồn vaccine phòng Covid-19 và tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì người dân có thể lựa chọn loại vaccine phòng Covid-19. Vaccine phòng Covid-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được WHO tiền thẩm định, khuyến cáo đồng thời được Cục quản lý Dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vaccine khi đưa ra sử dụng.

PGS.TS Dương Thị Hồng khuyến cáo, việc sớm được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là quan trọng để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vaccine mà phải chờ đợi và bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, việc tiêm vaccine cùng với thực hiện 5K rất quan trọng để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây truyền. Mục tiêu làm sao đạt trên 2/3 dân số tiêm vaccine, đạt miễn dịch cộng đồng mới kiểm soát tốt nguy cơ dịch Covid-19.

Trong bối cảnh toàn thế giới đang thiếu vaccine, việc có được vaccine tiêm đã là khó, làm sao tiêm vaccine hiệu quả, an toàn là rất quan trọng. Bộ Y tế đã thành lập Ủy ban an toàn quốc gia về vấn đề tiêm vaccine, nhằm đảm bảo mục tiêu Bộ trưởng Y tế chỉ đạo, tiêm đến đâu an toàn đến đó. Tuy nhiên, trên thực tế có một số người còn e ngại các tác dụng phụ khi đi tiêm vaccine. “Tất cả vaccine bản chất là đưa chất lạ vào cơ thể. Vaccine nào cũng có tỉ lệ nhất định về tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn của vaccine" - PGS.TS Đào Xuân Cơ cho hay.

Với vaccine Covid-19 của AstraZeneca, hiện tại, tất cả các nước đều báo cáo tác dụng phụ không mong muốn, như biểu hiện sốt, đau mỏi người giống như triệu chứng cúm, đau mỏi, sưng nề tại chỗ tiêm. Đây là biểu hiện thông thường sau tiêm vaccine, người dân không nên quá lo lắng với các biểu hiện thông thường này. Tuy nhiên, có một tỉ lệ nhỏ, tùy theo từng loại vaccine, sau tiêm có thể có biểu hiện quan ngại phản ứng dị ứng, có trường hợp biểu hiện phản vệ.

Hiện tại, những biểu hiện phản ứng dị ứng thông thường như nổi mề đay, ngứa nhưng không có biểu hiện khác như tụt huyết áp, khó thở, những triệu chứng này có thể khắc phục, điều trị, người dân có thể hỏi bác sĩ tư vấn.

Còn với phản ứng phụ nguy hiểm, như sốc phản vệ, đông máu, Việt Nam đều có hướng dẫn xử lý chi tiết, có chiến lược khám sàng lọc, tổ chức tiêm để phòng ngừa những nguy cơ này. Theo đó, tại các điểm tiêm đều có bác sĩ có kinh nghiệm về chuyên ngành hồi sức cấp cứu, có điều dưỡng được đào tạo chuyên ngành này để xử trí tại chỗ khi xảy ra tình huống.

Những biểu hiện huyết khối tắc mạch, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu sau tiêm được nhiều nước báo cáo. Với vắc xin AstraZeneca, có tỉ lệ từ 1- 4 phần triệu, tức là 1 triệu người tiêm có từ 1- 4 người có biểu hiện rối loạn đông máu, thể hiện bằng huyết khối, tắc mạch, giảm tiểu cầu. "Nhiều người dân quan ngại khi đi tiêm, nhưng có thể nói, người dân hoàn toàn an tâm. Khi thực hiện tiêm hơn 2 triệu người tại Việt Nam, chưa một trường hợp nào có biểu hiện  tình trạng huyết khối, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu như công bố" - PGS.TS Đào Xuân Cơ khẳng định.

Việt Nam hiện đã cấp phép cho các loại vaccine: AstraZeneca, Sputnik V, Vero Cell của Sinopharm, Pfizer. Trong thời gian tới sẽ có thể cho phép một số vaccine khác được nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam. Các vaccine khác nhau có những hiệu quả phòng bệnh khác nhau. Theo báo cáo của các nhà sản xuất cũng như của một số nước, hiệu lực của các vaccine từ khoảng 60 - 95%.

Hiện nay do chúng ta chưa có đủ vaccine nên việc tiêm chủng vẫn đang thực hiện miễn phí và cho các đối tượng có nguy cơ cao theo Nghị quyết 21 cũng như cho người dân tại các vùng dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh.

Người dân nên tiêm các vaccine đã được Bộ Y tế phân phối và cấp theo các địa bàn mình đang sinh sống, nếu những người này là đối tượng được tiêm.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế

 Hà Linh - Theo KTĐT

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/khong-nen-cho-doi-tri-hoan-tiem-vaccine-covid-19-424353.html