Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2023): Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát

13/03/2023 10:07

Kinhte&Xahoi Xuất phát từ quan điểm chung của Đảng và Bác Hồ, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn coi trọng việc giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật và xác định, muốn lãnh đạo tốt thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, công tác kiểm tra, giám sát được Thành ủy Hà Nội đặc biệt coi trọng. Ngành Kiểm tra Đảng thành phố cũng đã có những bước tiến mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát với các quận, huyện ủy có Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn. Ảnh: Viết Thành

Tạo chuyển biến mạnh về ý thức, trách nhiệm

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, ngày 16-10-1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I) đã ra Quyết nghị số 29/QN/TƯ thành lập Ban Kiểm tra Trung ương.

Đối với các Đảng bộ Hà Đông, Sơn Tây và Hà Nội trước đây, ngay từ khi được thành lập, công tác kiểm tra của Đảng đã được coi trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo Điều lệ Đảng và các quy định của trung ương. Ở mỗi giai đoạn, công tác kiểm tra của các đảng bộ đã bám sát nhiệm vụ chính trị của trung ương và thành phố; được thực hiện nghiêm, có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết, thống nhất của tổ chức...

Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cấp ủy các cấp Đảng bộ thành phố đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát theo Điều 30 Điều lệ Đảng. Nhìn chung, hoạt động kiểm tra, giám sát trong toàn Đảng bộ thành phố có bước chuyển biếnmạnh mẽ, ngày càng sâu sát thực tiễn.

Năm 2022, Thành ủy và các cấp ủy đã kiểm tra đối với 1.590 tổ chức Đảng, 599 đảng viên; giám sát đối với 949 tổ chức Đảng và 575 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp ủy đã kiểm tra 344 đảng viên và 145 tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thi hành kỷ luật đối với 487 tổ chức Đảng cấp dưới; giám sát chuyên đề đối với 888 tổ chức Đảng và 22 đảng viên...

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 22 tổ chức Đảng (trong đó, khiển trách 19, cảnh cáo 3); thi hành kỷ luật 1.142 đảng viên (khiển trách 853, cảnh cáo 144, cách chức 14, khai trừ 131 trường hợp).

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra định kỳ, thường xuyên, Ủy ban Kiểm tra các cấp thành phố còn hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được Ủy ban Kiểm tra Trung ương giao về việc xác minh các nội dung liên quan đến các đại án vừa qua.

Tập trung kiểm tra, giám sát người đứng đầu

Đối với ngành Kiểm tra Đảng thành phố, nét mới nổi bật nhiệm kỳ này là tính chủ động. Nhiều vụ việc cơ quan kiểm tra đã “đi trước, mở đường”, không chờ kết quả của công tác điều tra, thanh tra. Các cuộc kiểm tra, giám sát đã lựa chọn nội dung, đối tượng theo hướng giám sát mở rộng và kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Khi thực hiện thì bảo đảm bài bản, khoa học với phương châm “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”, “công minh, chính xác, kịp thời”.

Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy về huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tổ chức giao ban với bí thư cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra cấp ủy của 7 quận, huyện có dự án đi qua.

Trên thực tế, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã chỉ đạo triển khai các biện pháp nghiệp vụ tham gia ngay từ đầu quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy tổ chức Đảng trong thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng ở các địa phương.

Sự tham gia của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra cấp ủy 7 quận, huyện là cơ sở quan trọng để thực hiện đúng yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, đó là phòng ngừa từ sớm, từ xa, không để xảy ra sai sót đáng tiếc. Nếu để xảy ra sai sót mà cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy không tự phát hiện ra thì người đứng đầu cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy phải chịu trách nhiệm.

Năm 2023, Thành ủy, các cấp ủy Đảng và Ủy ban Kiểm tra cấp ủy các cấp tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của trung ương và thành phố, các kế hoạch kiểm tra, giám sát đã đề ra, qua đó bảo đảm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của tổ chức Đảng. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...        

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn để xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận đấu tranh với những sai phạm của tổ chức Đảng và đảng viên.

Truyền thống vẻ vang 93 năm qua của Đảng bộ thành phố đang được thế hệ cán bộ kiểm tra Đảng thành phố ngày nay tiếp nối, phát huy mạnh mẽ, tạo thành sức mạnh kỷ cương, kỷ luật.

 Hà Vũ - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1058042/coi-trong-cong-tac-kiem-tra-giam-sat