“Lá ngón tử hình, chống ngập bằng lu” sẽ trở thành thứ đàm tiếu trong dân gian

13/07/2019 19:07

Kinhte&Xahoi Tại kỳ họp HĐND TP HCM vào ngày 12/7, khi thảo luận về vấn đề ngập nước ở TP HCM, PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP HCM, nêu ý kiến đề xuất trang bị lu nước để chống ngập ở TP HCM. Nhưng vẫn đề là bây giờ nếu có một giải pháp như vậy chúng ta sẽ đặt cái lu ở đâu?

Bà Phan Thị Hồng Xuân, cho rằng người dân TP HCM cần dùng lu để chống ngập

Chống ngập bằng lu. Đó là điều phi khoa học!

Người dân TP HCM đang sống trong khổ sở vì ngập úng, nên chuyện chống ngập của thành phố rất cấp thiết phải đưa ra tại kỳ họp HĐND. Nhưng ý kiến đưa ra cần là giải pháp khoa học, phải từ nguyện vọng của dân, phải thấu hiểu thực tiễn đời sống, chứ không phải phát biểu mang tính thiếu khoa học, thiếu đời sống thực tiễn, thấy người ta làm mình cũng copy về nguyên xi.

Phát ngôn những điều thiếu khoa học, thiếu thực tiễn sẽ làm giảm đi sức nặng tiếng nói của chính quyền và khiến người dân nghi ngờ chất lượng của cán bộ.

Phát ngôn kiểu “tử hình nên dùng bằng lá ngón” hay “chống ngập bằng lu”, sẽ trở thành thứ đàm tiếu trong dân gian. Nó góp phần làm suy yếu sự gắn bó giữa người đại diện tiếng nói nhân dân với cử tri.

Tất nhiên, trong một cuộc họp HĐND, mọi ý kiến cần được tôn trọng, việc đúng sai sẽ có những cơ quan chuyên môn thẩm định, đánh giá, nếu phù hợp với thực tiễn mới tính đến chuyện triển khai áp dụng… Nhưng với "sáng kiến" dùng lu nước chống ngập, phải chăng bà Xuân quá máy móc khi cho rằng nhiều nước đã làm vậy nên chúng ta nên làm vậy, mà không quan tâm tới quy hoạch, kiến trúc của đô thị.

Ở TP HCM, kiến trúc nhà ở của người dân phần lớn đều là nhà ống, và chung cư, số biệt thự rộng rãi chiếm rất ít… Trong những ngôi nhà ống đó, ngoài bể chứa nước sạch thì hệ thống nước mưa được thoát ra cống ngầm. Nhà ở chung cư cũng vậy.

Trong những ngôi nhà chật chội vài chục m2 ở đô thị,  diện tích được triệt để tận dụng, thậm chí còn phải sử dụng đồ nội thất nhiều công năng, thì lấy đâu ra chỗ để chứa một cái lu chờ tích nước vào ngày mưa? 

Hơn thế, một cái lu dù có chứa khoảng vài trăm lít, cũng không thể ăn thua gì với những trận mưa lớn gây ngập úng.
 
Đặt một giả thiết, nếu đưa 'sáng kiến' đó vào sử dụng, toàn thành phố chứa nước mưa vào lu thì phải sửa chữa lại toàn bộ hệ thống thoát nước từ những ngôi nhà ống.

Đó là điều bất khả thi! Không ai đập phá hệ thống thoát nước mưa để cho nó chảy vào một cái lu chứa vài trăm lít nước.

Tại kỳ họp HĐND TP HCM vào ngày 12/7, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân nói rằng mỗi nhà ở nông thôn, trước sân có lu nước rất to để đựng nước, trong đó có tính năng lưu trữ nước mưa. Nên chăng, cần suy nghĩ về biện pháp này bên cạnh các giải pháp chống ngập bằng công trình. Đây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa. Có thể trang bị cho mỗi nhà một lu nước to để hứng nước mưa.

Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho hay trước đây JICA (Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản) từng có đề xuất, và cũng có một nhóm nghiên cứu về giải pháp này. Tại Nhật Bản có áp dụng ở Tokyo, và Đông Nam Á thì có Philippines, Indonesia áp dụng...

“Mình có đi một số nước và thấy như vậy, chứ mình không chủ quan. Nếu giải pháp đó áp dụng, sẽ không thay thế các giải pháp khác. Như mình từng chia sẻ, bên cạnh giải pháp công trình, phi công trình, thì cần thêm giải pháp thân thiện môi trường”, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân chia sẻ thêm.

"Đây là kinh nghiệm của một số nước, chứ mình không có sáng tạo ra. Mình muốn dùng một ngôn từ cho dân dã, mong mọi người chung tay với chính quyền để xử lý có hiệu quả vấn đề ngập nước".

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus