Lạc Thuỷ - Hòa Bình: UBND huyện bật 'đèn xanh' cho người dân khai thác đất?

25/10/2019 15:41

Kinhte&Xahoi Lợi dụng việc cải tạo mặt bằng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hạ thấp độ cao tránh sạt lở và chuyển đổi cây trồng trên địa bàn đồi núi dốc, do đó một số chủ hộ đã lợi dụng việc san gạt để bán đất ra bên ngoài.

Như thông tin do nhóm phóng viên đã cũng cấp ở bài viết trước về tình trạng xe quá khổ, quá tải ngày đêm cày nát tỉnh lộ 438, phản ánh về việc nhiều hộ gia đình lợi dụng giấy phép cấp quyền khai thác đất, san gạt, hạ thấp độ cao để vận chuyển đất ra khỏi địa bàn huyện.

Theo thông tin tìm hiểu của PV trên địa bàn xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình , hiện trên địa bàn xã có 3 địa điểm mỏ là của ông Bùi Văn Thụ;  ông Nguyễn Văn Quý và ông Trương Văn Thịnh theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình đã ký. Trong nội dung giấy phép được cấp thì toàn bộ phần đất dôi dư trong quá trình cải tạo, san gạt hạ thấp độ cao sẽ phục vụ các công trình công ích trên địa huyện.

Xe tải logo phi trường vận chuyển đất từ tỉnh lộ 438 qua địa bàn xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình

Tuy nhiên thực tế ghi nhận cho thấy phần lớn đất dôi dư được các xe tải có logo Phi Trường vận chuyển theo tỉnh lộ 438 chạy qua huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình để đổ vào nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh này. Ngoài ra một lượng lớn xe tải hạng nhẹ cơi nới gấp đôi thành thùng cho phép, không che phủ bạt ngang nhiên chạy rầm rộ xuống khu vực cảng Tây Nam để tập kết và vận chuyển theo đường sông ra các tỉnh lân cận.

Xe tải đủ loại kích cỡ "xếp lốt" “đợi hàng”

Để nắm bắt rõ hơn về tình trạng khai thác đất tại xã Yên Bồng, mang đến cái nhìn khách quan cho bạn đọc. Ngày 22/10 PV đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo phòng tài nguyên và môi trường ( TNMT) huyện Lạc Thủy, tại buổi làm việc ông Lê Anh Thương - Phó trưởng phòng TNMT huyện cho biết : “xã Yên Bồng hiện có mỏ đất ông Trương Văn Thịnh  được cấp phép ngày 10/6/2019  thời gian khai thác là 10 tháng, hình thức khai thác lộ thiên, mỏ ông Bùi Văn Thụ cấp phép ngày 30/10/2018 thời gian khai thác là 12 tháng, khai thác lộ thiên và mỏ của ông Nguyễn Văn Quý được cấp ngày 3/10/2019 thời gian khai thác là 10 tháng, hình thức lộ thiên. Cũng theo ông Thương thì mỏ do ông Quý đứng tên đã thực hiện việc san gạt trước khi được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép khai thác khoáng sản đất san, lấp. 

Nhiều xe tải cỡ nhỏ ngang nhiên cơi nới vận chuyển xuống tàu cảng Tây Nam.

Ngày 23/9/2019 tại thôn Hồng Phong 3, xã Yên Bồng, huyện Lạc Thuỷ.  Phòng TNMT huyện do ông Lê Anh Thương – Phó Trưởng phòng TNMT làm trưởng đoàn; ông Xa Minh Hải - chuyên viên; đại diện Công an huyện Lạc Thủy có ông Bùi Công Trường cán bộ Đội hình sự kinh tế môi trường; đại diện xã Yên Bồng có ông Trần Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã; ông Nguyễn Công Tuân - cán bộ địa chính xã đã xuống hiện trường lập biên bản về việc khai thác vận chuyển đất nông nghiệp trái phép của cá nhân có liên quan là ông Bùi Văn Toán.Tại hiện trường phát hiện 1 máy múc hiệu K0MATSU PC 200; 2 xe tải trọng tải 24 tấn  BKS 90C: 09033 và 29C: 04031 đang thực hiện hành vi khai thác vận chuyển đất nông nghiệp.

Đoàn công tác đã lập biên bản yêu cầu ông Toán di chuyển toàn bộ phương tiện, máy móc ra khỏi khu vực khai thác và chỉ được thực hiện khi có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đề nghị UBND xã Yên Bồng tăng cường kiểm tra, giám sát không để tình trạng khai thác đất san lấp trái phép tiếp diễn,  nếu để xảy ra sai phạm thì chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch huyện. 

Việc lập biên bản và yêu cầu di rời tất cả máy móc phương tiện khai thác ra ngoài ngày 23/9. Tuy nhiên ngày 27/9, thời điểm PV tác nghiệp tại khu vực nói trên chứng kiến nhiều xe tải đủ loại kích cỡ vẫn đang tấp nập vào ra "đợi hàng". Vậy việc để tái diễn tình trạng khai thác đất khi chưa được cấp phép thì trách nhiệm trong quản lý đất đai thuộc về ai?

Cũng tại buổi làm việc này: “ông Thương thừa nhận việc tạo điều kiện cho các hộ vận chuyển đất dôi dư ra bên ngoài, tuy nhiên phòng không nắm bắt được là vận chuyển đi đâu và theo hình thức nào”.

Mặc dù trong tất cả giấy phép được cấp đều ghi rõ là công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp, phương thức thực hiện là cải tạo mặt bằng san, lấp tại chỗ; phần dôi dư có nhu cầu khai thác cung cấp để san, lấp các công trình, dự án trên địa bàn huyện. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu một máy xúc cỡ lớn hoạt động hết công suất, mỗi ngày lượng đất được khai thác lên đến hàng nghìn mét khối đất. Mỗi khối đất bán đến hộ dân san lấp từ 14000 - 17000 đồng/1 khối, sau đó số đất này được vận chuyển ra ngoài và bán với số tiền lên tới gần 90 nghìn đồng/ khối, số tiền thu về không nhỏ. Đa phần các đầu nậu này đều không nộp thuế vì toàn bộ nguyên liệu đất mua bán ở đây không có hóa đơn chứng từ.

Mặt đường tỉnh lộ 438 bị bong tróc, ổ voi ổ gà do xe quá tải lộng hành.

Liên quan đến vấn đề tiền thuế khai thác đất, ngày 11/10 PV đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục trưởng chi Cục thuế liên khu vực Lạc Thủy – Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Việc thu thuế nguồn nguyên liệu khoáng sản đặc biệt là đất ra khỏi địa phương là hết sức khó khăn. Đa số các doanh nghiệp này lợi dụng các dự án như: nuôi trồng thủy sản, cấp đất cho các hộ làm nhà mà UBND tỉnh cho phép để vận chuyển đất mang bán”.

Cũng theo ông Ngọc, nguồn thuế  thu được từ nguyên liệu khoáng sản chủ yếu là đất trên địa bàn trong nhiều năm qua là rất thấp, thậm chí không có. Trong khi hệ lụy để lại vô cùng lớn do xe quá tải vận chuyển đất đá gây ô nhiễm môi trường và tàn phá hệ thống giao thông của địa phương.

Tài nguyên khoáng sản bị bào mòn, các con đường nứt gãy, vỡ vụn, khói bụi, tiếng ồn ngày càng nhiều, ảnh hường trực tiếp đến đời sống của người dân. Từng đoàn xe chở đất ngang nhiên “rong duổi” qua cổng UBND xã đổ xuống cảng đem đi bán mà chẳng hề e ngại.

Vậy tại sao tình trạng khai thác đất lậu ở đây lại diễn ra một cách công khai bất chấp các quy định của pháp luật. Ai là người “bảo kê” hoạt động của nhóm “đất tặc” để các đối tượng này thỏa sức lộng hành?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: KD&PL