Lại thay đổi thi THPT quốc gia, học sinh được gì từ cách thi mới?!

22/04/2020 10:05

Kinhte&Xahoi Kỳ thi THPT 2020 dự kiến sẽ tổ chức từ ngày 8-11/8, tập trung vào mục tiêu xét tốt nghiệp, việc tuyển sinh đại học được trả về cho các trường tự chủ.

Các trường THPT lo ngại rằng phương thức thi mới sẽ gây hoang mang, lo lắng cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. (Ảnh minh họa, Tuổi trẻ)

Sáng 21/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc họp với Bộ GD-ĐT về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Đây là lần thứ 2, Bộ GD-ĐT báo cáo về phương án thi sắp tới. Cuộc họp đã chọn phương án vẫn tổ chức thi nhưng sẽ là kỳ thi phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT thay vì hai mục đích như những năm trước đây.

Như vậy, kỳ thi THPT 2020 tập trung vào mục tiêu xét tốt nghiệp nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước. Địa phương chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận. Bộ GD-ĐT tiếp tục ra đề thi cho toàn quốc, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính.

Việc tuyển sinh đại học, các trường đại học thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục đại học trên tinh thần các trường có sự chuẩn bị.

Nói về phương án thi mới này, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, phương án này quá gấp gáp, đột ngột với cả học sinh và các trường THPT.

“Trong thời điểm dịch bệnh, chúng ta đang tính đến một kỳ thi giúp giảm áp lực cho học sinh, nhưng thực chất lại không hề giảm, mà dường như đang tạo thêm áp lực cho các em. Nếu kỳ thi này phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp, việc tuyển sinh do các trường đại học tự chủ, học sinh sẽ phải trải qua 2 kỳ thi thay vì 1 kỳ thi như trước kia.

Dù dễ hay khó, đây cũng là một kỳ thi, yêu cầu có khác nhau, các môn thi khác nhau, nhưng áp lực của học sinh không hề giảm mà còn tăng”.

Thầy Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng, nếu kỳ thi không còn phục vụ mục đích xét tuyển đại học, mỗi trường hay nhóm trường sẽ tổ chức thi và có cách ra đề riêng. Dù dựa trên những kiến thức chung, nhưng vẫn sẽ gây ra những xáo trộn lớn với học sinh. Cả nước có hàng trăm trường CĐ, ĐH khác nhau, nếu mỗi trường tổ chức môt kỳ thi riêng, thời gian gần nhau ngay sau khi thi tốt nghiệp, thí sinh sẽ phải đổ về các thành phố lớn để thi đại học sẽ rất khó khăn.

“Các trường đại học có quyền tự chủ có thể tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào học bạ hoặc thi tuyển. Nhưng hiện nay hầu hết các trường đại học lớn đều đã rục rịch có phương án tổ chức kỳ thi riêng. Đây lại là các trường được nhiều thí sinh quan tâm và đăng ký dự thi hơn là những trường top dưới xét tuyển dựa học vào học bạ, như vậy các em sẽ phải thi nhiều lần”, thầy Bình nói.

Do đó, thầy Nguyễn Quốc Bình ủng hộ việc giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia với  2 mục đích vừa để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học như những năm trước.

‘Nếu thay đổi quá nhiều sẽ tạo ra tâm lý hoang mang, thấp thỏm cho học sinh. Nếu thay đổi, cần có thông báo trước và lộ trình rõ ràng cho cả các trường và học sinh chuẩn bị. Nếu thay đổi, Bộ cũng cần đưa ra được lý do tại sao lại thay đổi, học sinh được gì từ phương thức thi mới?

Những năm gần đây, kỳ thi THPT quốc gia đã thay đổi quá nhiều, quy chế mỗi năm mỗi khác, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc dạy và học của cả giáo viên và học sinh. Đầu năm học, không chỉ học sinh mà cả giáo viên và phụ huynh đều thấp thỏm chờ xem năm nay thi kiểu gì, các em sẽ không còn quan tâm đến mục đích chính là quá trình dạy và học, mà chỉ tập trung vào việc thi cử. Điều này cũng sẽ khiến các nhà trường không đạt được mục tiêu về chất lượng giáo dục như mong muốn”, thầy Nguyễn Quốc Bình nói.

Thầy Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh rằng đề thi minh họa mà Bộ đã công bố trước đó hoàn toàn đáp ứng được cả mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Nội dung kiến thức đã được giảm tải, học sinh hoàn toàn có thể đáp ứng trong điều kiện học online như hiện nay. Song nếu thay đổi mục tiêu của kỳ thi sang xét tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ phải công bố một bộ đề thi minh họa mới để học sinh dễ dàng ôn tập.

“Hiện nay các trường và học sinh đều phải chạy theo thay đổi liên tục của Bộ thực sự rất mệt mỏi”, thầy Bình nói.

Thầy Bùi Văn Đường, Hiệu trưởng trường THPT Công nghiệp, tỉnh Hòa Bình cũng đồng tình với phương án nếu đã tổ chức thi, Bộ GD-ĐT nên giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia như trước đây để phục vụ cả 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển CĐ, ĐH.

“Lo ngại việc học không đảm bảo, Bộ cũng đã thông báo giảm tải chương trình, kiến thức học kỳ 2 lớp 12 không có trong đề thi, như vậy học sinh hoàn toàn có thể đáp ứng được. Trong khuôn khổ kiến thức đã giảm tải vẫn có thể vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học”, thầy Đường cho hay.

Hiệu trưởng trường THPT Công nghiệp cho rằng, nếu tách riêng kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học, sẽ tạo ra “cú sốc” lớn cho học sinh. Với những tỉnh có cả các huyện vùng sâu vùng xa, miền núi như Hòa Bình, thầy Bùi Văn Đường lo ngại rằng việc học, thi của học sinh  trong bối cảnh dịch bệnh đã khó khăn nay sẽ càng khó hơn với cách thi mới.

“Nếu giữ nguyên như các năm, gần như em nào học ở đâu sẽ thi nguyên ở đó, không phải mất công di chuyển. Nếu kỳ thi chuyển sang mục đích phục vụ xét tốt nghiệp, các trường đại học sẽ phải buộc tổ chức các kỳ thi riêng, các em cùng một lúc phải chạy theo phương án tuyển sinh của nhiều trường khác nhau. Mỗi trường mỗi khác, cả thí sinh và phụ huynh lại phải quay về thời gồng gánh lên thành phố thuê nhà trọ thi như trước kia, sẽ rất tốn kém và vất vả. Chưa kể đến việc các trường có lịch thi chồng chéo, hoặc quá sát nhau, dẫn đến tình trạng thí sinh phải chọn trường này, bỏ trường kia hay chạy “xô” gây hỗn loạn", thầy Đường lo ngại./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Theo VOV/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/lai-thay-doi-thi-thpt-quoc-gia-hoc-sinh-duoc-gi-tu-cach-thi-moi-d122635.html