Làm gì để hết cảnh “giải cứu” nông sản trong tương lai?

10/02/2020 15:57

Kinhte&Xahoi Hiện nay, trước tác động của dịch bệnh do virus Corona, nông dân nhiều tỉnh, thành gặp khó khăn về đầu ra nông sản như dưa hấu, thanh long...

Điểm bán dưa tại Tuy Hòa, một trái lớn có giá chỉ 10.000 đồng.

Nông dân điêu đứng

Đã đến mùa thu hoạch nhưng 1ha dưa hấu của bà Trần Thị Tiết (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) chưa có thương lái đến mua. Bà cho biết, năm vừa rồi, gia đình đầu tư 170 triệu đồng trồng 1ha dưa hấu. Nếu thuận lợi thì sẽ thu hoạch khoảng 45 tấn dưa, mang về 300 triệu.

Thế nhưng dịch bệnh do nCoV bùng phát khiến Trung Quốc hạn chế nhập khẩu các loại nông sản ngay thời điểm chính vụ thu hoạch nên dưa hấu không thể tiêu thụ hết.

Hiện giá dưa hấu tại ruộng chỉ còn 2.000 đồng/kg, trong khi chi phí thu hoạch, bốc vác, vận chuyển từ 25-30 triệu đồng/ha. Dưa bán với giá trên chỉ đủ tiền phân thuốc. Gia đình bà tạm gác mọi việc, trực tiếp mang dưa đi bán, mong “gỡ gạc” phần nào tiền công thu hoạch.

Không chỉ dưa hấu mà thanh long cũng lâm cảnh tương tự. Bà Phan Thị Phương Cẩm (tỉnh Bình Thuận) chuyển hơn 2 tấn thanh long ruột đỏ ra Phú Yên tiêu thụ, cho hay thanh long hiện ùn ứ vì không thể xuất khẩu, nhiều thương lái ép giá thanh long ruột đỏ xuống chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg tại vườn, nên bà phải chở đi các tỉnh để bán với giá 10.000 đồng/kg. 

“Những năm trước, giá thanh long trái vụ từ 30.000-40.000 đồng/kg tại vườn. Gia đình tôi đành chia nhau mỗi người đi một tỉnh bán lẻ với hy vọng thu lại được phần nào chi phí đã đầu tư”, bà nói.

Không chỉ thanh long, dưa hấu, nhiều mặt hàng nông sản khác như chôm chôm, sầu riêng trái vụ, bí, khoai lang, mít thái… cũng bị rớt giá vì không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, một số doanh nghiệp, cá nhân đã kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay “giải cứu” nông sản, giảm bớt thiệt hại cho người dân. Những ngày qua, trên các tuyến phố ở Tuy Hòa (Phú Yên) và một số tỉnh, thành khác xuất hiện nhiều điểm bán dưa hấu, thanh long, với thông điệp “Chung tay hỗ trợ người dân “giải cứu” nông sản”.

Nhiều chủ vườn dưa cho biết, đã đến mùa thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua.

Tại một điểm bán nông sản trên đường Trần Phú, TP Tuy Hòa, rất nhiều người dân dừng xe lại mua dưa hấu, thanh long. Thậm chí có người không hỏi giá, sẵn sàng bỏ thêm tiền để hỗ trợ nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn. Mỗi trái được bán với giá 10 ngàn đồng, dao động 4 kí/trái.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ điểm bán hàng này cho biết, hiện mặc dù một số xe hàng đã được chở sang Trung Quốc tiêu thụ, nhưng các thương lái vẫn ép giá xuống rất thấp và thu mua rất hạn chế. Do vậy, bà mở điểm bán dưa này từ ngày 6/2 và đã có nhiều người ghé lại mua, hỏi thăm và đăng facebook kêu gọi mọi người chung tay tiêu thụ. Đến nay, bà đã bán được gần một nửa số dưa mang theo.

Bà Nguyễn Bị Bé (phường 4, TP Tuy Hòa), một người mua dưa cho biết, mỗi ngày bà đều ghé lại mua dưa để làm nước ép. “Bình thường tôi mua ngoài chợ 8.000 đồng/kg, bây giờ mua ở đây vừa ngon vừa giúp nông dân nên tôi còn giới thiệu bạn bè đến ủng hộ”.

Cần giải pháp “dài hơi”

Thế nhưng những hành động trên của nông dân và người tiêu dùng mới chỉ là trong ngắn hạn. Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có thể giảm 400-600 triệu USD nếu dịch kéo dài 1-3 tháng. Con số này sẽ tăng lên 600-800 triệu USD nếu dịch kéo dài trên 3 tháng.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 41 tỷ USD, trong đó nông - lâm - thủy sản là 7 tỷ USD, hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ khoảng 3 tỷ USD, trao đổi cư dân biên giới là 1,2 tỷ USD. Hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu qua đường bộ. Hàng công nghiệp, nguyên phụ liệu chủ yếu qua đường biển và các đường vận chuyển khác.

Nhấn mạnh "đây là cuộc chiến khó khăn", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các Cục, Vụ ngoài đánh giá kỹ tác động, cần đưa ra kịch bản ứng phó cụ thể để bù đắp thâm hụt thương mại nhưng phải mang tính dài hạn chứ không chỉ "giải cứu trước mắt".

Báo cáo đánh giá tác động của dịch nCoV đưa ra trước đó của Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, xuất khẩu quý I đầu năm sẽ giảm hơn 20% nếu dịch nCoV kết thúc cuối quý I, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 25%. Trường hợp dịch viêm phổi cuối quý II mới kết thúc, kim ngạch xuất khẩu dự báo giảm 20% so với cùng kỳ, riêng Trung Quốc giảm 56%.

Tác động đã hiện hữu khi nông sản "nghẽn" tại các cửa khẩu biên giới. Ngoài 60 container chở thanh long được thông quan khi cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) mở trở lại từ ngày 3/2, lượng xe tồn tại các cửa khẩu ước tính gần 400 xe. Vì thế, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói, không thể chờ vào mỗi Trung Quốc mà cần mở rộng thêm nhiều thị trường mới xuất khẩu chính ngạch trong tình hình dịch nCoV căng thẳng.

Không riêng thanh long, dưa hấu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại lo lắng, dịch nCoV còn có thể tác động tới mặt hàng vải, xoài khi các công tác xúc tiến thương mại cho hai loại trái cây này bắt đầu từ tháng 4. "Phải có biện pháp tìm thị trường thay thế sớm nếu không sẽ phải “giải cứu” vải, xoài như thanh long, dưa hấu bây giờ", ông Phú cảnh báo.

Ông Phú cũng nói thêm, đàm phán mở cửa mặt hàng này không phải "có gì đàm phán đó", mà nên thông qua các tham tán thương mại tại các nước, rà soát nhu cầu thị trường sở tại. Ông đơn cử, lâu nay Việt Nam vẫn tiếp thị thanh long sang thị trường Hàn Quốc, song thực tế khảo sát thị hiếu người dân nước này lại thích trái bưởi của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh lưu ý, trong lúc thị trường Trung Quốc gặp khó khăn vì dịch bệnh thì EU, hoặc thị trường các nước đã ký Hiệp định CPTPP sẽ là giải pháp cho nông sản Việt. 

"Dịch nCoV chưa biết diễn biến tới ngày nào, nên cần Bộ Nông nghiệp hướng dẫn các tỉnh, nông dân điều tiết lại sản lượng, không cố gắng tăng sản lượng khi thị trường có vấn đề", ông Khánh nói.

Bộ trưởng Công Thương sẽ lập Ban Chỉ đạo ứng phó với dịch. Riêng với giải pháp gỡ đầu ra cho xuất khẩu nông sản, Bộ này sẽ lập tổ công tác đánh giá lại quy mô khối lượng ách tắc, xác định địa bàn thị trường có tiềm năng, dư địa để tìm kiếm đầu mối thúc đẩy tiêu thụ. Vụ Thị trường trong nước được giao tiếp tục làm việc với các hệ thống phân phối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước và nước ngoài. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/lam-gi-de-het-canh-giai-cuu-nong-san-trong-tuong-lai-d116965.html