Làm rõ nhiều quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

03/03/2023 15:43

Kinhte&Xahoi Sáng 3/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quang cảnh hội nghị

Góp ý tại hội nghị, luật sư Hoàng Thị Nhàn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu, tại điểm b khoản 2 Điều 224 dự thảo Luật quy định: “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; Trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban MTTQ cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác”. Về nội dung này, dự thảo luật cần làm rõ cách thức UBND xã phải phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp.

Luật sư Hoàng Thị Nhàn cũng nhấn mạnh: "Trong dự thảo luật cũng quy định về các tổ chức thành viên của Mặt trận. Vậy các tổ chức thành viên của Mặt trận là những tổ chức nào, cần quy định cụ thể, rõ ràng, tránh việc hiểu nhầm, hiểu sai, áp dụng không thống nhất". Đối với quy định “các tổ chức xã hội khác” của UBND xã, luật sư cũng đề nghị làm rõ đó là những tổ chức nào để tránh việc hiểu sai, vận dụng mỗi nơi một kiểu.

Còn luật gia Lê Gia Ánh (Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội) góp ý, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chưa thể hiện đầy đủ nội hàm của luật; Có những nội dung quan trọng nhưng chưa được đề cập như “thu hồi đất, trưng dụng đất”, “bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”… Do đó, luật gia Lê Gia Ánh đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung cho hoàn chỉnh.

Ngoài ra, về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất được quy định tại khoản 2, Điều 89 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn và có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Đại biểu góp ý tại hội nghị

Góp ý về vấn đề tranh chấp đất đai, ông Bùi Sinh Quyền (Hội đồng tư vấn về Kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội) nêu, trong Khoản 1, Điều 225 dự thảo Luật quy định UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất làm căn cứ cho tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi có yêu cầu.

Điều khoản này cần phải quy định rõ về thời hạn cung cấp và chế tài đối với việc chậm trễ hoặc không cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng của người có trách nhiệm, tránh việc cung cấp bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự, hạn chế tiêu cực trong việc thụ lý vụ án...

Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị góp ý, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, những ý kiến tâm huyết của các đại biểu sẽ được tổng hợp, báo cáo lên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan soạn thảo.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/lam-ro-nhieu-quy-dinh-trong-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-218676.html