Làm từ thiện phải xuất phát từ tâm

27/05/2021 09:40

Kinhte&Xahoi Các hoạt động từ thiện ngày càng được lan tỏa, vì vậy, những cá nhân, đơn vị đứng ra quyên góp, tổ chức phải thực hiện bằng tất cả sự từ tâm thì mới thể hiện hết ý nghĩa cao đẹp của hoạt động từ thiện.

Trong đời sống, còn nhiều mảng mầu u trầm thì nhiều người đã tích cực làm từ thiện, đặc biệt là bộ phận lớp thanh niên trẻ. Bằng sức trẻ, sự nhiệt huyết của trái tim, hoạt động này trở thành trào lưu, lan tỏa lối sống đẹp, ý nghĩa.

Từ thiện là không chậm trễ

Từ lâu, hoạt động từ thiện luôn trở thành phong trào, được các cá nhân, đơn vị hưởng ứng nhằm hỗ trợ, động viên những hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này được lan tỏa sâu rộng hơn trong xã hội  khi có sự góp mặt của người nổi tiếng, là các ca sỹ, diễn viên, danh hài…

Ca sĩ Thủy Tiên trao gửi món quà từ các mạnh thường quân tới người dân miền Trung. Ảnh FBNV

Thực tế cho thấy, từ thời gian đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã chung sức chống dịch, kêu gọi hỗ trợ, quyên góp hàng chục tỷ đồng cùng vật tư y tế để ủng hộ các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. 

Ví dụ như ca sỹ Hà Anh Tuấn và những người bạn đã quyên góp gần hai tỷ đồng lắp đặt ba phòng cách ly áp lực âm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quảng Ninh. Ca sĩ, diễn viên Chi Pu cũng góp một tỷ đồng với một phòng cách ly áp lực âm tại Hà Nội và năm nghìn bộ trang phục bảo hộ. Ca sĩ Tùng Dương và Phạm Thùy Dung cũng đóng góp 2.000 bộ quần áo bảo hộ...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, có người lấy mác làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi, trục lợi, thực hiện hoạt động không đúng cách hoặc có không ít hành vi phản cảm khiến dư luận bức xúc.

Đặc biệt, phải kể đến việc một số người nổi tiếng làm từ thiện theo hình thức tự phát, không có kế hoạch dẫn đến tranh cãi, khiếu nại không đáng có. Như việc ca sĩ P.T có phát ngôn chưa đúng mực, đã xúc phạm người nhận cứu trợ tại Quảng Ngãi khi cho rằng họ đã nổi lòng tham, chỉ "canh me" để nhận tiền (10 triệu đồng) mà vứt bỏ các nhu yếu phẩm. Phát ngôn của P.T bị phản đối gay gắt và cô đã phải làm việc với Sở Thông tin &Truyền thông TP Hồ Chí Minh.

Ðáng nói, còn có trường hợp bên ngoài cọc tiền từ thiện là những đồng tiền có mệnh giá 500.000 đồng nhưng bên trong lại là những đồng tiền 50.000 đồng, Hay mang quần áo quá cũ, rách… tặng cho người nghèo đã vô tình làm tổn thương họ.

Vấn đề tiền từ thiện được sử dụng như thế nào cho phù hợp lại tiếp tục được đặt ra trong nhiều ngày qua. Theo đó, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi xung quang câu chuyện sau 6 tháng, nghệ sĩ Hoài Linh vẫn giữ hơn 14 tỷ đồng tiền vận động quyên góp từ người dân để hỗ trợ bà con miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt.

Câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh và số tiền 14 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào miền Trung làm nóng các trang mạng xã hội

Cậu chuyện trên khiến người hâm mộ danh hài Hoài Linh tỏ ra rất thất vọng. Nhiều người so sánh hình ảnh Thủy Tiên cùng những nghệ sĩ khác không quản ngại gian khổ, vượt lũ mang áo phao, thực phẩm đến tận tạy người dân miền Trung. Trong khi đó, Hoài Linh để “quên” số tiền rất lớn mang danh cứu trợ lũ lụt miền Trung đợt tháng 10/2020 trong ngân hàng.

Covid-19 lại là lý do chính đáng để một nghệ sĩ gạo cội chậm trễ giúp bà con trong cơn hoạn nạn lũ lụt hay sao? Trả lời báo chí, Hoài Linh cho biết, dự định trao cho bà con trước Tết 2021 nhưng dịch bùng lên nên hoãn lại. Lần tiếp theo, từ ngày 10 - 17/5 cũng tiếp tục hoãn vì dịch bùng.

Cách giải thích mà theo nhiều người hâm mộ là không đúng, không thuyết phục vì 6 tháng qua, nhiều thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát. Việc từ thiện không thể chậm trễ, tại sao không đi lúc đó?

Từ thiện từ tâm

Từ thiện trở thành nét đẹp của truyền thống dân tộc, mỗi khi đất nước gặp khó khăn từ dịch bệnh, thiên tai thì truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam tiếp tục được phát huy thông qua những phong trào, hoạt động, thu hút sự tham gia của các mạnh thường quân.

Bạn Mạnh Cường (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Từ thiện từ tâm, thật tâm, cho tình nhân ái, yêu thương lan tỏa. Khi mỗi người thực hiện bằng tất cả sự từ tâm thì mới thể hiện hết ý nghĩa cao đẹp của hoạt động từ thiện, được đông đảo mọi người đồng lòng hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực. Nếu có thể, mọi người nên tổ chức quyên góp rồi cùng những người quyên góp thực hiện trao tặng. “Liên quan tới tiền thì phải ghi chép danh sách đầy đủ, thậm chí khi trao nên có ảnh chụp để tránh hiểu nhầm” - bạn Cường nói.

Nhận thấy việc làm từ thiện chưa phát huy được hết hiệu quả như mong muốn, bạn Lê Thị Hồng (trường Học viện Kỹ thuật mật mã) cho rằng, các hoạt động từ thiện cần có sự chấn chỉnh sao cho đúng luật pháp, phù hợp với các quy tắc và có cơ chế giám sát chặt chẽ.

Những người làm từ thiện phải phối hợp với chính quyền địa phương để rà soát, lập danh sách chính xác về trường hợp đủ tiêu chuẩn. 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: Thế Dũng

Trả lời Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Nhà nước và nhân dân chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiên tai là việc làm nên khuyến khích.

Những cá nhân nhận tiền quyên góp từ người khác để làm từ thiện sẽ biết lựa chọn đối tượng như thế nào cho đúng và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những nhà tài trợ đã quyên góp tiền cho họ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cho rằng trong thiên tai thảm họa, tất cả những ai có tấm lòng thiện nguyện đều rất mong muốn làm gì đó giúp đỡ đồng bào - những người gặp hoạn nạn, không phân biệt ca sĩ hay mạnh thường quân khác, tổ chức cá nhân có chức năng làm về công tác vận động và thực hiện nhiệm vụ nhân đạo.

Vấn đề là làm thế nào để số tiền người khác ủy quyền cho họ đến đúng người, đúng nơi, không bị lợi dụng...

 Hùng Tâm - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doi-song/lam-tu-thien-phai-xuat-phat-tu-tam-d156611.html