Lao động 'chui' đối mặt bị mua bán, cưỡng bức

14/11/2019 11:09

Kinhte&Xahoi Sau vụ 39 lao động (LÐ) Việt Nam tử vong khi nhập cư vào Anh mới đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam kêu gọi tăng cường nỗ lực đảm bảo di cư lao động an toàn, có trật tự, hợp thức và dễ dàng.

Lao động Việt Nam chuẩn bị xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc (Ảnh minh họa)

Chi phí cao nhất khu vực

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong 10 tháng đầu năm 2019, có 118.030 LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bộ ước tính, có khoảng 500.000 LĐ Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 nước và vùng lãnh thổ. Mỗi năm, những người lao động này gửi về nước từ 2 - 2,5 tỷ USD. Tuy vậy, theo ILO, những số liệu này chỉ cho thấy tổng số LĐ đi làm việc ở nước ngoài mà không nắm bắt được các trường hợp di cư không chính thức (LĐ bất hợp pháp). LĐ di cư không qua các kênh hợp thức khiến họ có nguy cơ bị bóc lột, bị hạn chế khả năng tiếp cận hỗ trợ và công lý khi ở nước ngoài.

“Khi quyền của LĐ di cư được tôn trọng, hành trình của họ được an toàn, bản thân họ, gia đình và cả xã hội có thể được hưởng lợi từ nguồn kiều hối gửi về, cũng như nâng cao được kỹ năng tay nghề”, Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee cho biết. Do đó, ILO nhấn mạnh việc tăng cường các kênh di cư hợp thức, thông qua giảm chi phí và đơn giản hóa quy trình. Nợ nần khi di cư sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro bị mua bán và cưỡng bức LĐ. LĐ di cư cần được đảm bảo không phải trả bất kỳ phí tuyển dụng nào.

Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố năm 2017 của ILO và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho thấy, người LĐ rất khó kiểm soát sự thành công hay thất bại trong quá trình di cư, dù theo kênh nào. So với các nước trong khu vực, LĐ Việt Nam phải trả chi phí cao nhất, phải vay số tiền nhiều nhất để được đi nước ngoài làm việc. Họ phải làm việc trong thời gian lâu nhất (gần 1 năm) mới có thể chi trả khoản vay đó. Hơn 75% LĐ Việt Nam được phỏng vấn trả lời rằng, họ bị vi phạm quyền LĐ khi làm việc ở nước ngoài. Khi người LĐ phải chịu chi phí cao để được đi làm việc ở nước ngoài, họ sẽ tìm kiếm các công việc có thu nhập cao trong thời gian đi làm, để họ có cơ hội trả nợ. Tuy nhiên, việc thay đổi công việc tại quốc gia tiếp nhận là không khả thi, nên người LĐ liều lĩnh bỏ hợp đồng, chấp nhận trở thành LĐ không có giấy tờ hợp pháp. “Những khoản nợ này khiến LĐ Việt Nam dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người và LĐ cưỡng bức”, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Tiền bỏ cao nên phải trốn

Báo cáo Chính phủ về phản ánh LĐ Việt Nam đi làm việc ở Đài Loan phải trả phí môi giới cao, Bộ LĐ-TB&XH đã thừa nhận thực tế này. Theo đó, quy định cho phép doanh nghiệp thu của người LĐ các chi phí từ 2.500 - 5.000 USD/người/hợp đồng 3 năm (chưa bao gồm tiền ký quỹ), tùy từng ngành nghề, gồm: Tiền dịch vụ, tiền môi giới, tiền đào tạo, phí visa, vé máy bay...

Quy định là vậy, nhưng theo Bộ LĐ-TB&XH, những năm qua tình trạng người LĐ bị thu phí mức cao hơn quy định diễn ra tương đối phổ biến. Điều này do các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh để giành thị phần từ các nước đưa LĐ vào Đài Loan, và cạnh tranh lẫn nhau để giành hợp đồng, đẩy chi phí cho người LĐ. Nhu cầu đi Đài Loan nhiều, nên các doanh nghiệp không được cấp phép vẫn tham gia dưới dạng cò mồi, lừa đảo và thu tiền của người LĐ. Còn các công ty dịch vụ việc làm phía Đài Loan lập luận rằng, thu phí của người LĐ Việt Nam cao hơn nước khác vì kỷ luật kém hơn, tỷ lệ bỏ trốn nhiều, kéo theo chi phí quản lý cao. Có thời điểm, nhiều người LĐ bị thu trên 6.000 USD.

Đến năm 2017, có khoảng 25.900 LĐ Việt Nam bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan. Con số này chiếm tới 48,5% tổng số LĐ nước ngoài bỏ hợp đồng tại đây, và chiếm 14% số LĐ Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan.

Trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm 5/11 vừa qua, Bộ trưởng LÐ-TB&XH Ðào Ngọc Dung cho biết: Có tình trạng doanh nghiệp không có chức năng, cò mồi, mượn phép, liên doanh, liên kết trá hình đưa LÐ đi làm việc tại nước ngoài... Bộ đã thanh tra và thực hiện thu hồi giấy phép, đình chỉ hoặc cấm vĩnh viễn một số doanh nghiệp vi phạm.
 

ILO khuyến nghị sử dụng thuật ngữ “di cư lao động”

Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee kêu gọi Chính phủ nỗ lực để hỗ trợ LÐ di cư thông qua các biện pháp: Mở rộng hợp tác song phương để tạo điều kiện cho người LÐ đi theo con đường chính thức; Phát triển các kênh di cư hợp thức ít tốn kém tiền của, thời gian và thủ tục; Chuyển chi phí tuyển dụng từ người LÐ sang người sử dụng LÐ; Mở rộng tiếp cận pháp lý cho người LÐ di cư; Mở rộng dịch vụ cho người LÐ di cư và gia đình khi về nước. ILO khuyến nghị sử dụng thuật ngữ “di cư LД, “dịch chuyển LД thay vì “xuất khẩu LД, bởi LÐ không phải là hàng hóa. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/lao-dong-chui-doi-mat-bi-mua-ban-cuong-buc-d111106.html