Lao động Trung Quốc băn khoăn có nên về quê ăn Tết
Kinhte&Xahoi
Trung Quốc hiện đã bước vào thời kỳ Xuân vận, mùa di dân lớn nhất hành tinh khi hàng tỷ lượt người đi lại dịp Tết Âm lịch từ ngày 17/1 đến 25/2. Theo ước tính của Bộ Giao thông vận tải nước này, năm nay sẽ có khoảng hơn 1 tỷ lượt di chuyển, vượt xa mức 870 triệu của năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách giữ chân người lao động không về quê ăn Tết (Ảnh: Reuters)
Ngay trước thềm Tết Âm lịch và Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022, tại một số thành phố ở Trung Quốc nhiều ổ dịch COVID-19 đã bùng phát.
Nhiều bộ ngành của Trung Quốc đã ban hành quy định siết chặt đi lại để đảm bảo an toàn cho người dân. Thậm chí, một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải đã vận động người dân ăn Tết tại chỗ, không về quê; Trong đó, có cả giải pháp tặng tiền người ở lại.
Nhiều doanh nghiệp còn đảm bảo chỗ ở, cung cấp thức ăn ngày Tết cho công nhân ở lại sản xuất. Tại thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, tỉnh Hà Nam, Chiết Giang, Quảng Tây, Nội Mông, người dân được chính quyền kêu gọi hủy bỏ các chuyến đi và không được rời khỏi thành phố nếu không cần thiết trong dịp Tết Nguyên đán. Một số nơi có kế hoạch trợ cấp từ 500 đến 1.000 nhân dân tệ mỗi người. Nhiều doanh nghiệp còn đảm bảo chỗ ở, cung cấp thức ăn ngày Tết cho công nhân ở lại sản xuất.
Do đó hàng triệu lao động xa quê ở Trung Quốc đang đau đầu với câu hỏi có nên về quê ăn Tết không. Anh Jason Zhao, đang làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước ở thủ đô Bắc Kinh biết ngoài các quy định của Chính phủ, anh phải tuân thủ nghiêm chỉnh hướng dẫn của công ty về kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo đó, nếu muốn về quê ăn Tết, cần được sự chấp thuận của cấp trên và có thể bị giảm tiền thưởng cuối năm.
Cuối cùng, Zhao quyết định mình sẽ ăn Tết ở Bắc Kinh. Đây là năm thứ 2 liên tiếp anh không về thăm cha mẹ mình ở Tân Cương. Thay vào đó, họ sẽ gặp nhau qua cuộc gọi video.
Một nhà ga vắng vẻ ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh vào kỳ Xuân vận tháng 1/2021. Năm ngoái, Trung Quốc khuyến khích người dân không về quê vào dịp Tết Nguyên đán nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan (Ảnh: Tân Hoa xã)
Ở một số nơi khác, nhiều người đang nghe ngóng tình hình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về phương án nghỉ Tết. Một quản lý cấp trung tại một doanh nghiệp nhà nước ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, cho biết, công ty đã yêu cầu báo cáo tình hình sức khỏe mỗi ngày.
“Việc rời Quảng Đông là không khả thi nhưng chúng tôi không biết liệu có thể thực hiện các chuyến đi ngắn ngày ra khỏi Quảng Châu hay không. Hằng ngày, chúng tôi phải báo cáo thân nhiệt và vị trí của mình cho công ty như một biện pháp phòng ngừa”, ông nói.
Zhao Wei, Giáo sư y tế công cộng tại Đại học Y khoa Nam phương ở Quảng Châu nhận định Xuân vận chắn sẽ có tác động đến việc phòng chống và kiểm soát đại dịch do lưu lượng người di chuyển nhiều và giao thông lớn.
Hành khách chờ làm thủ tục tại ga tàu hỏa ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, phía Đông Bắc Trung Quốc trong ngày đầu tiên của kỳ Xuân vận (Ảnh: Tân Hoa xã)
Ông Zhao chia sẻ: “Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Một số đại học ở Bắc Kinh đã sắp xếp kỳ nghỉ và hoãn khai giảng học kỳ tới để giảm bớt sự di chuyển của người dân trên toàn quốc. Những biện pháp này sẽ giúp phòng chống dịch nhưng việc vận động người dân vẫn đang là phép thử”.
Ông cũng nhận định năm nay sẽ có nhiều áp lực hơn so với hai năm trước. Sau một thời gian dài phải phong tỏa do dịch COVID-19, mọi người hào hứng đi du lịch và thư giãn. Các ổ dịch có thể bùng phát trở lại. Đại dịch ở nước ngoài nghiêm trọng đến mức Trung Quốc khó có thể miễn nhiễm.
Tuệ Uyên - TTTĐ