Lẽ nào sân trường vắng bóng cây xanh?

13/06/2020 07:45

Kinhte&Xahoi Chúng ta không nên vì một vài cây mà vội vã phá đi cả khu rừng!

Nhiều cây phượng ở các sân trường đã bị đốn hạ, cắt thành từng khúc.

Từ vụ cây phượng trong trường học bật gốc đè chết một học sinh và làm bị thương một số em khác ở TP.HCM thì các địa phương ồ ạt chặt hạ cây xanh trong trường học. Có nơi không chặt thì làm hàng rào ‘cách ly’ quanh gốc cây không cho học sinh, giáo viên đến gần trông khá ‘buồn cười’, vô lý…Cây xanh trong sân trường tỏa bóng mát, điều hòa không khí, tạo cân bằng sinh thái làm cho các trường học bớt đi sự gay gắt, oi bức trong những ngày nắng nóng. Cây xanh sân trường là không gian vui chơi, học tập, sinh hoạt của các em học sinh. Bên bóng mát gốc cây sân trường học sinh có thể cùng nhau trao đổi, học tập, chia sẽ vui buồn trong cuộc sống, sinh hoạt học đường...Đặc biệt hơn đối với cây phượng vĩ không những tạo bóng mát mà còn mang đến bao kỷ niệm đẹp, hồn nhiên không thể quên của tuổi học trò. Vì vậy mà có người còn cho rằng sân trường không hoa phượng thì coi như các em học sinh mất đi một phần quan trọng về kỷ niệm tuổi học trò - tuổi hồng ngây thơ, với bao ước mơ!

Nguyên nhân của việc chặt hạ cây xanh hàng loạt trong các sân trường là do hiệu trưởng các trường sợ trách nhiệm, sợ liên lụy nếu không may cây gãy đổ gây hại cho học sinh, giáo viên. Và để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người việc đầu tiên họ nghĩ đến là chặt hạ tất cả cây xanh trong sân trường, nhất là cây cổ thụ và phượng vĩ là ‘ưu tiên’ số 1!

Chính cách nghĩ như vậy và việc làm vội vã, quá ‘cấp tiến’, cầu toàn này mà nhiều trường học nhanh chóng trơ trọi, không còn bóng mát cây xanh. Giáo viên, học sinh và rất nhiều phụ huynh ái ngại, tiếc nuối nhưng bất lực. Bởi xung quanh họ vỡn vơ câu hỏi gần như thách đố: Nếu xảy ra ngã đổ chết người thì ai chịu trách nhiệm? Ai dám đứng ra chịu trách nhiệm?

Theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP quy định "các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý". Vì vậy, khi cây trong khuôn viên trường học bị gãy đổ gây thiệt hại thì người đầu tiên được xác định phải chịu trách nhiệm là hiệu trưởng. Mặt khác, tại Điều 604 Bộ luật dân sự 2015 quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Do đó, nếu có thiệt hại về người, tài sản... khi cây xanh gãy đổ thì cá nhân, đơn vị chủ sở hữu hoặc được giao chăm sóc cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, đó là trên nguyên tắc, thực tế không phải mọi trường hợp bồi thường. Bởi đây là bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng, vì thế bồi thường chỉ khi có thiệt hại thực tế, có yếu tố lỗi, có quan hệ nhân quả giữa lỗi và thiệt hại. Chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý cây xanh sẽ không phải bồi thường thiệt hại nếu đó là sự kiện bất khả kháng (bất ngờ) hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Do vậy, nếu trước khi cây xanh bị gãy đổ mà nhà trường đã làm mọi biện pháp như thường xuyên kiểm tra để phát hiện mối mọt hay cây bị rỗng, cắt tỉa các cành cây, bảo vệ, chăm sóc cây hoặc đã báo với đơn vị liên quan đến quản lý cây xanh đô thị để xử lý nhằm phòng ngừa, hạn chế tai nạn...

Mặc dù, đã làm hết khả năng, trách nhiệm để phòng ngừa nhưng do mưa to, gió lớn mà cây xanh bị gãy đổ, gây thiệt hại thì sẽ không phải bồi thường. Do đó, lãnh đạo các trường học không nên quá lo lắng, cầu toàn khi cho chặt trụi cây xanh trong sân trường, vì như vậy là vô lý, không cần thiết.

Theo chúng tôi, việc cần làm hiện nay là các trường học cần thường xuyên kiểm tra mối mọt, sâu bệnh định kỳ cây xanh trong trường học để phát hiện kịp thời chặt tỉa cành, đánh giá khả năng gãy đổ để chặt hạ phòng ngừa tai nạn xảy ra. Ngoài ra, không nên bê tông hóa toàn bộ sân trường mà cần dành không gian đất đủ rộng để cho cây phát triển tự nhiên hạn chế ‘chậu hóa’ cây cổ thụ vì làm tăng khả năng gãy đổ do rễ không bám, phát triển được...

Sân trường phải có cây xanh để tạo bóng mát, học sinh lại càng cần cây xanh để làm nơi học tập, vui chơi, sinh hoạt. Sân trường gắn cây xanh, cây xanh nhất là phượng vĩ gắn với tuổi học trò, nuôi dưỡng ước mơ, tâm hồn cho các em. Sẽ ra sao khi sân trường vắng bóng cây xanh?

Chúng ta không nên vì một vài cây mà vội vã phá đi cả khu rừng!

 Vĩnh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/le-nao-san-truong-vang-bong-cay-xanh-d126934.html