Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar?

06/03/2021 20:22

Kinhte&Xahoi ASEAN và Trung Quốc có thể đóng vai trò tích cực, song cuối cùng giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Myanmar phụ thuộc vào chính câc nhà lãnh đạo của quốc gia Đông Nam Á này.

Biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar. (Ảnh: Getty)

Ngày 1/2, quân đội Myanmar dưới sự lãnh đạo của Thống tướng Min Aung Hlaing đã tiến hành một cuộc đảo chính, lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, giành quyền kiểm soát Myanmar. Cũng kể từ đó, các cuộc biểu tình phản đối đảo chính đã nổ ra ở các thành phố lớn của Myanmar yêu cầu quân đội trả tự do cho các lãnh đạo dân sự, khôi phục nền dân chủ.

Dư luận cả trong nước và quốc tế lên án và chỉ trích cuộc đảo chính và tình trạng bạo lực ở Myanmar khiến hơn 50 người thiệt mạng trong vòng 1 tháng qua. Cuộc khủng hoảng chưa rõ sẽ đi về đâu, nhưng các chuyên gia đã chỉ ra những yếu tố quan trọng có thể giúp mang lại một giải pháp hòa bình cho tình hình hiện nay ở Myanmar.

Đối thoại

Trước tiên, việc thúc đẩy đối thoại hiệu quả hơn nhiều so với áp lệnh trừng phạt. Sau cuộc đảo chính, Mỹ và EU đã nhanh chóng áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên quân đội Myanmar.

Phương Tây liệu có áp các lệnh trừng phạt quy mô lớn với Myanmar đặc biệt đáng quan ngại bởi vẫn còn nhiều hoài nghi về hiệu quả của các lệnh trừng phạt như vậy. Do vậy, Đại diện của Singapore tại Liên Hợp Quốc Tommy Koh kêu gọi Mỹ và EU không áp lệnh trừng phạt kinh tế với Myanmar bởi lịch sử cho thấy các lệnh trừng phạt như vậy chỉ ảnh hưởng đến người dân.

Giáo sư Koh cũng gợi ý rằng, ASEAN có thể đóng vai trò trung gian hòa giải, đưa quân đội Myanmar và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi trở lại bàn đàm phán và đạt một thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

Vai trò của ASEAN

Theo Asia Times, ASEAN nên đóng một vai trò tích cực trong tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Myanmar. ASEAN có các quy tắc về đồng thuận và không can thiệp, nhưng đến nay chưa có được sự đồng thuận giữa các thành viên về cách giải quyết cuộc đảo chính ở Myanmar. Cựu ngoại trưởng Singapore năm 2011 từng cho rằng, mặc dù ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, nhưng có cũng có thể áp dụng nguyên tắc gây sức ép, việc gây sức ép này có thể rất hiệu quả.

Trong một cuộc họp trực tuyến của các ngoại trưởng hôm 2/3, ASEAN đã kêu gọi các bên ở Myanmar kiềm chế tối đa và bày tỏ ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar tìm kiếm một giải pháp hòa bình, tích cực cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Vai trò của Trung Quốc

Cảnh sát Myanmar dựng rào chắn bên ngoài Đại sứ quán Trung quốc ở Yangon khi các cuộc biểu tình nổ ra hôm 12/2. (Ảnh: NYTimes)

Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc cần đóng vai trò đặc biệt tích cực. Bắc Kinh có mối quan hệ hữu nghị với cả quân đội và chính quyền dân sự Myanmar. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Chen Hai khẳng định, Bắc Kinh không được thông báo trước về chính biến ở Myanmar. Ông Chen cũng bác bỏ những đồn đoán rằng máy bay Trung Quốc vận chuyển binh sĩ và kỹ sư đến Myanmar để giúp quân đội nước này dựng "tường lửa" internet.

Báo Asia Times nhận định, hiện tại, khi quân đội Myanmar phải đối mặt với những chỉ trích, lên án và thậm chí bị cộng đồng quốc tế cô lập, những động thái của Trung Quốc sẽ có tác động đặc biệt đến họ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: "Trung Quốc ủng hộ ASEAN tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và xây dựng sự đồng thuận, đóng vai trò tích cực trong đường lối ASEAN, tiếp cận và liên hệ với Myanmar sớm nhất có thể".

ASEAN là tổ chức khu vực quan trọng nhất mà Myanmar tham gia, trong khi Trung Quốc là láng giềng quan trọng nhất của Myanmar. Nếu ASEAN và Trung Quốc có thể phối hợp với Myanmar để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay một cách khôn khéo và kiên quyết, tình hình có thể sớm được thu xếp ổn thỏa. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng giải pháp bền vững và lâu dài cho cuộc khủng hoảng hiện nay phụ thuộc vào chính các nhà lãnh đạo của Myanmar.

Minh Phương - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/quoc-te/loi-thoat-nao-cho-cuoc-khung-hoang-o-myanmar-d150283.html