Lùm xùm vụ IPO Cao su Sao Vàng, nhà đầu tư rút lui, cổ phiếu rớt giá mạnh

30/05/2019 15:20

Kinhte&Xahoi Giá cổ phiếu giảm mạnh liên tiếp sau nhiều phiên, nhà đầu tư hủy tham gia đấu giá, đòi lại tiền cọc là “cơn ác mộng” đang xảy đến với Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) sau khi có thông tin lùm xùm về đợt thoái vốn cũng như cuộc họp bầu thành viên Hội đồng quản trị với nhiều dấu hiệu bất thường.

Ngày 4/6 tới, Vinachem sẽ bán 4,2 triệu cổ phiếu (tương đương với 15% vốn) của SRC qua đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

SRC hiện có vốn điều lệ 280 tỷ đồng, đang niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Vốn nhà nước tại SRC, do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) quản lý, chiếm 51%.

Ngày 14/5 vừa qua, Vinachem ra thông báo về việc thoái vốn nhà nước tại SRC. Cụ thể, vào ngày 4/6 tới, Vinachem sẽ bán 4,2 triệu cổ phiếu (tương đương với 15% vốn) của SRC qua đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Giá khởi điểm là 46.452 đồng/cổ phiếu.

Ngay sau khi thông tin SRC sắp IPO được công bố, cổ phiếu công ty này đã tăng từ 21.300 đồng lên đến 30.100 đồng.

Tuy nhiên, thông tin về cuộc bầu thành viên Hội đồng quản trị SRC ngay trước thềm IPO có nhiều điểm bất thường khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang, rút vốn đã làm cho giá cổ phiếu của công ty này giảm mạnh trong 3 ngày liên tiếp và tiếp tục giảm cho đến nay.

Đáng nói, vào ngày 16/5 vừa qua, ông Trần Hồng Việt, cổ đông sở hữu 4,6% của SRC đã có đơn thư gửi các cơ quan chức năng phản ánh về một số điểm bất bình thường trong việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của SRC, việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính hấp dẫn của đợt thoái vốn nhà nước đang diễn ra ở công ty.

Theo đơn kiến nghị của ông Việt, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của SRC tổ chức ngày 27/4/2019, Vinachem đã đồng ý miễn nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị với ông Nguyễn Công Tuấn (trong khi ông Tuấn đang đại diện cho cổ đông tổ chức Cao su Việt Hàn) và đồng ý cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của SRC từ nhiệm theo kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu 19% cổ phần.

Trong khi đó, tất cả các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát đang hoạt động bình thường, không mắc lỗi gì. Đồng thời, Hội đồng quản trị cũng không có bản xác định nhóm cổ đông trên nắm giữ cổ phần đủ 6 tháng như quy định hay không.

Đáng chú ý, Vinachem sở hữu 51% cổ phần, nhưng không thực hiện đề cử bổ sung thành viên Hội đồng quản trị trong nhiệm kỳ mới, tự tước bỏ quyền của cổ đông nhà nước và để cho nhóm cổ đông nắm giữ chưa đến 20% cổ phần có 2/5 vị trí trong Hội đồng quản trị.

Theo đó, cổ đông này đặt câu hỏi rằng, tại sao trước khi bán vốn nhà nước, Vinachem lại tự tước quyền của mình và cho nhóm cổ đông nắm giữ chưa đến 20% vốn SRC vào 2/5 ghế trong Hội đồng quản trị và 1/3 ghế trong Ban kiểm soát? Việc này có làm giảm sức hút của đợt bán vốn nhà nước tại SRC vì cổ đông mới vào mua với tỷ lệ 15% rất khó để có 1 ghế trong Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Đáng nói, có hay không việc tiếp tay cho một nhóm cổ đông lớn bỏ ra một lượng tài chính nhỏ để thâu tóm SRC nắm quyền kiểm soát khi Nhà nước thoái vốn?

Bởi những lùm xùm này, ngay trước thềm phiên đấu giá, nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Cường, người đã đặt cọc 19,6 tỷ đồng đăng ký tham gia mua 15% cổ phần Vinachem chào bán đợt 1 đã hủy đăng ký tham gia đấu giá và rút lại số tiền cọc.

“Khi biết tin Vinachem có kế hoạch thoái vốn tại SRC, tôi đã tìm hiểu thông tin và thấy đây là cơ hội tốt để đầu tư, do đó tôi đã đặt cọc 19,6 tỷ đồng để đăng ký ôm trọn 15% cổ phần mà SRC rao bán đợt đầu”, anh Cường nói.

Tuy nhiên, sau khi biết những sự việc bất thường diễn ra ngay tại đại hội cổ đông của SRC trước đợt IPO, anh Cường đã làm đơn hủy đăng ký tham gia đấu giá và rút lại tiền cọc vì lo ngại rằng mình sẽ không có “một ghế” Hội đồng quản trị của SRC ngay cả khi anh bỏ một số tiền lớn để mua 15% cổ phần.

“Nếu thoái vốn rộng rãi và minh bạch, thương vụ này hấp dẫn hơn nhiều thương vụ khách sạn Kim Liên đã từng đấu giá được gấp 9 lần giá khởi điểm trước đó. Thế nhưng, diễn biến này đang khiến tôi và những nhà đầu tư nói chung mất đi quyền lợi đầu tư của mình, theo đó, Nhà nước cũng mất đi phần nào lợi nhuận”, anh Cường nói thêm.

Theo Dân Trí/ Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…