Ma túy đá có hại như thế nào?

07/09/2019 10:22

Kinhte&Xahoi Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin rất nhiều về tác hại của ma túy đá. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bỏ ngoài tai những lời cảnh báo và nhận lại hậu quả vô cùng nặng nề.

Xuất huyết não sau khi “đập đá”

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, ngày 27/8 vừa qua, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận bệnh nhân trẻ, 27 tuổi nhập viện trong tình trạng xuất huyết não, phù não nặng, có dùng ma túy đá. Đây là ca đầu tiên ở Việt Nam ghi nhận ma túy đá gây ra xuất huyết não ở người trẻ tuổi. Theo lời kể của người nhà, ngay sau khi hít ma túy đá, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, buồn nôn và đã được đưa đến bệnh viện tỉnh.

Do sử dụng ma túy bị ảo giác nên đã nhét tỏi đầy miệng bạn gái khiến người này tử vong, ca sĩ Châu Việt Cường bị tuyên phạt 13 năm tù về tội “Giết người”.

Kết quả chụp CT cắt lớp cho thấy bệnh nhân có xuất huyết não, phù não rất nặng và đã được chuyển đến và điều trị tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho đến nay. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có dương tính với các loại ma túy tổng hợp, trong đó đặc biệt là melaphatamine, tức là ma túy đá.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2019, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam, 41 tuổi, sau khi hút thuốc lào tại quán nước vỉa hè, bỗng co giật, bất tỉnh, tăng tuyến nước bọt, tím tái được người dân xung quanh phát hiện đưa đến Trung tâm Chống độc với các biểu hiện điển hình của ngộ độc ma tuý cấp. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc cỏ Mỹ.

Tương tự, một bệnh nhân khác cũng được đưa đến viện này với biểu hiện kích thích, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, hạ nhịp tim, tăng thân nhiệt. Có những người thêm biến chứng nặng phức tạp như suy đa phủ tạng, có rối loạn đông máu, suy thận, suy tim. Theo bác sĩ điều trị, bệnh nhân này bị ngộ độc cocain - loại ma tuý phổ biến ở vùng Nam Mỹ, Châu Mỹ.

Tác hại của ma tuý đá

Ma túy đá là hóa chất tổng hợp từ thuốc kích thích amphetamine, có tên khoa học là methamphetamine. Ma túy đá được xếp vào loại ma túy gây kích thích hệ thần kinh trung ương. Khi hút ma túy đá chỉ sau khoảng 3-5 phút sẽ có công dụng đem lại cảm giác kéo dài lên đến 6-8 tiếng. Với những người nghiện ma túy đá nặng thường có những suy nghĩ kỳ quặc và rất dễ cáu bẳn.

Mỗi ngày thức dậy, tâm trạng lo âu khiến họ phải dùng ma túy đá đầu tiên. Họ thường cảm thấy không thể sống tiếp nếu như thiếu loại thuốc này. Chất Methamphetamine có trong ma túy đá sẽ phá hủy hoàn toàn cơ chế tiết dopamin ở não bộ. Nó khiến cho người nghiện ma túy đá có thể không buồn ngủ trong nhiều ngày, dẫn đến bọng mắt xuất hiện và thâm quầng.

Ngoài khiến cho những con nghiện không có nhu cầu ngủ thì Methamphetamine còn khiến não bộ hưng phấn, phê đến mức không cần ăn uống mà vẫn cảm thấy no trong nhiều ngày liền. Với người nghiện ma túy trong thời gian dài thì nó sẽ khiến não bộ bị tổn thương và chết dần do methamphetamine khiến não bộ tiết ra enzyme phá hủy cấu trúc dopamine trong não.

Chảy máu mũi cũng là một biểu hiện của những người nghiện ma túy đá thường hít thuốc qua đường mũi. Do methamphetamine khi tiếp xúc ở bên ngoài có thể ăn mòn các vách ngăn trong niêm mạc mũi, dẫn đến tình trạng bị chảy máu cam, rát bỏng ngoài da. Bên cạnh đó, người nghiện ma túy đá thường có biểu hiện răng bị đen, sâu, thiếu răng và viêm lợi, nướu.

Bởi trong ma túy đá có chứa những chất như Lithium, amoniac khan và Phosphorus đỏ - đây được xem là những chất gây xói mòn răng khiến cho họ luôn trong tình trạng ít tiết nước bọt, miệng khô. Tình trạng này kéo dài khiến con nghiện dễ bị viêm nướu, sâu răng và hơi thở có mùi. Những người bị nghiện ma túy đá thường rất sợ ăn.

Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể bị thiếu chất, thiếu năng lượng để bài tiết chất thải. Do vậy mà amoniac có trong nước tiểu sẽ đào thải qua da khiến cho mồ hôi ở người nghiện ma túy rất nhiều mà có mùi hôi. Ngoài ra, sau khi dùng ma túy đá sau 3,5 phút thì con nghiện có cảm giác hưng phấn trong khoảng 6 - 8 giờ liền.

Nhưng khi hết thuốc thì họ rơi vào tình trạng bồn chồn, căng thẳng tột độ. Chính điều này khiến cho những con nghiện có những hành động rất kỳ lạ như tiểu tiện và khát nước liên tục. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai), dưới góc độ y tế, ma tuý đá gây ra những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe.

Về thần kinh và tâm thần, ma túy đá gây kích động, kích thích, vật vã, co giật, hoang tưởng, ảo giác mà chúng ta thường gọi là “ngáo đá”, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Về tim mạch có thể gây tăng huyết áp, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp, có thể tử vong trước khi tới viện. Nhồi máu cơ tim với người sử dụng ma túy đá là loại nhồi máu cơ tim nặng nhất và phức tạp nhất hiện nay, nhồi máu ở nhiều vị trí cùng lúc, diễn biến rất nặng nề và rất khó điều trị, dễ gây tử vong.

Ma túy đá còn gây co thắt mạch máu mạnh, dữ dội, gây ra các tổn thương khác như xuất huyết não, nhồi máu não, gây nhồi máu màng treo ở ruột, gây rối loạn đông máu, suy thận, tăng thân nhiệt… BS. Nguyên cũng khuyến cáo càng có quá nhiều loại ma túy mới xuất hiện, núp bóng dưới nhiều loại thuốc, trò chơi, đồ tiêu khiển mà người dùng không dễ nhận biết.

Đặc biệt các cháu học sinh phổ thông hiện nay thuộc nhóm có nguy cơ rất cao, rất dễ bị lôi kéo sử dụng các loại ma túy. Vì thế, các bậc phụ huynh luôn cần để mắt tới con trẻ, kịp thời phát hiện những bất thường, phòng nguy cơ con bị lừa, bị dụ dỗ dùng các chất gây nghiện nguy hiểm.

Các bạn trẻ tuyệt đối không nên thử, dù chỉ 1 lần. Cả hệ thống của chúng ta cần coi việc sử dụng ma túy là cực kỳ xấu và việc quản lý, xử lý vấn đề này do đó cũng cần thực sự nghiêm khắc, quyết liệt và đảm bảo đủ tính chất răn đe.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus