Mẹ là giáo viên, cũng vã mồ hôi kèm con học tiếng Việt lớp 1

03/10/2020 16:22

Kinhte&Xahoi Đi học chưa được 4 tuần, bé phải phân biệt rất nhiều từ khó mà theo nhiều người, nếu không có phụ huynh kèm, bé sẽ rất khó học được bài.

Cả tháng qua, từ ngày con vào lớp 1, chị Phạm Tuyết, ở Thuận An, Bình Dương có thêm nhiệm vụ học bài cùng con. Chị cho biết, con mới vào lớp 1 được ít tuần nhưng yêu cầu bài học đã rất cao.

Như bé chưa rành mặt chữ, bài đã yêu cầu phân biệt đúng sai, phân biệt ng với ngh, ua với ưu... Chị phải đọc bài, giảng để giúp con hiểu rồi mới chọn, làm được chứ theo chị, con không thể tự làm. Nhiều nội dung chị xác định, chỉ học theo kiểu đọc nhớ, chứ càng giải thích sẽ càng rối. 

Từng là giáo viên dạy Văn, chị Tuyết đánh giá môn tiếng Việt khó, yêu cầu cao và nhanh đối với trẻ. Con chị học ở trường một buổi, một buổi ở nhà có mẹ kèm thêm nên cũng nói là tạm ổn. 

Nhưng chị băn khoăn, không phải bố mẹ nào cũng kiến thức, chuyên môn để kèm con học. Bố mẹ dễ nổi nóng, la mắng làm con khóc thì học không có cách nào vô, sẽ kéo theo việc bé sợ học. 

Bé chưa phân biệt được mặt chữ, nhưng bài đã yêu cầu rất cao 

Còn với bé học cả ngày ở trường, nếu giáo viên vẫn giao bài về viết, làm bài tập Tiếng Việt, rồi cả Toán thì đúng là học đến đêm mới xong. 

"Các bé không dành thời gian vui chơi, vận động, không đi ngủ sớm thì không tốt cho sức khỏe, sự phát triển của con thế nào", chị bộc bạch. 

Người mẹ cũng bày tỏ quan điểm, chị tưởng đổi mới chương trình là trẻ sẽ được tăng tiết thể dục, âm nhạc, hội họa.... nhưng hóa ra là sách học nhiều hơn, dày hơn, công phu hơn, đắt đỏ hơn. Chị cũng e ngại có thể có tình trạng, các cô tăng tiết để học tiếng Việt, sẽ phải "cắt" đi các hoạt động khác. 

Mẹ gào, con khóc

Con vào lớp 1, nhiều phụ huynh cũng kể về tình cảnh, tối tối cha mẹ cùng con vật lộn học chữ, làm bài. Một kịch bản diễn ra tại rất nhiều gia đình là bố mẹ la, con khóc... tất cả mệt mỏi, căng thẳng. 

Chị H.Q, có con học tiểu học ở Huế kể, như cuối tuần này, con chị bài tập ngập mặt. Ba môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, 3 loại bài tập. 

Theo chị Quyên, Toán và Tiếng Anh không quá khó, kiểu vừa học vừa chơi được nhưng tiếng Việt lại rất phức tạp, nhất là phân biệt chữ, nghĩa của các từ. Chưa kể, cô yêu cầu rất máy móc như viết phải đúng mấy dòng ô ly, bé viết bị lệch ô ly là bị cô mắng vốn ngay. 

Nhiều gia đình vật vã kèm con học Tiếng Việt lớp 1 (Ảnh minh họa)

Chị Trần Thị Dung, có con học tiểu học ở Q.7, TPHCM chia sẻ, bé trước nhà chị vào lớp 1 cách đây 3 năm, bố mẹ không vất vả, kèm con học như thế này. 

Con chị thiếu tập trung, mẹ cũng không có chuyên môn dạy chữ, chỉ một vài con chữ mà hai mẹ con đánh vật hàng giờ đồng hồ. Chị đuối quá, giao con cho chồng thì... chỉ vài tiếng là nghe tiếng bố la con ầm ĩ, chị lại phải vào "giải cứu".

"Rất mệt mỏi", chị thở dài và cũng băn khoăn tự hỏi, phải chăng chương trình học "thiết kế" đòi hỏi bố mẹ phải kèm con học? Thực tế nhiều nội dung, yêu cầu trong môn tiếng Việt gần như phải có bố mẹ kèm, hỗ trợ nếu không trẻ không làm được. 

Xét về chương trình, hiệu trưởng một trường tiểu học chia sẻ, chương trình mới thoáng hơn chương trình cũ rất nhiều.

Mỗi tuần, có 10 tiết tiếng Việt chính thức, thêm 2 tiết dự phòng, chưa kể buổi 2. Chương trình linh hoạt, không nặng, cũng không đóng khung 1 bài phải dạy mấy tiết. 

Theo cô, ở trường mình, học hai buổi nên mọi nội dung học của trẻ được giải quyết ở trường, nhà trường yêu cầu thực hiện đúng quy định không giao bài tập về nhà cho trẻ. Với trẻ lớp 1, cùng lắm chỉ đề nghị phụ huynh đọc lại bài cho con nhớ, con hiểu. 

Với tình trạng phụ huynh than về Tiếng Việt lớp 1 khó, theo bà có thể có nhiều lý do như quản lý, chỉ đạo ở từng trường chưa sâu sát; hay do mỗi giáo viên, chương trình mới nhưng các cô không bắt nhịp kịp và cũng có thể do áp lực của từng phụ huynh đối với con 

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM thông tin, qua nắm tình hình thực tế đầu năm về thực hiện chương trình lớp 1 mới, họ ghi nhận việc triển khai thực hiện chương trình lớp 1 ở môn Tiếng Việt có những khó khăn nhất định. 

Sắp tới, Sở sẽ có hướng dẫn điều chỉnh cụ thể, định hướng rõ ràng hơn để giáo viên chủ động hơn trong việc thực hiện chương trình. 

Hoài Nam - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/me-la-giao-vien-cung-va-mo-hoi-kem-con-hoc-tieng-viet-lop-1-20201003093315840.htm