“Ngăn chặn mối nguy tham nhũng chính sách”

29/03/2021 07:40

Kinhte&Xahoi ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV không có tham nhũng chính sách, nhưng phải ngăn chặn các mối nguy này trong tương lai.

Ngày 26/3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Hoạt động giám sát vẫn chưa toàn diện, còn bị bỏ ngỏ

Tại hội trường, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ tán thành cao nội dung các báo cáo của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là khẳng định vị trí, vai trò và thành công của Quốc hội Khóa XIV.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

Ngày kỳ họp đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu yêu cầu Quốc hội phải tăng cường giám sát, đặc biệt chú trọng hoạt động hậu giám sát. Cả nhiệm kỳ Quốc hội đã thường xuyên quan tâm đến chức năng giám sát, thực hiện giám sát trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của hội đồng dân tộc và các Ủy ban đã đi về các vấn đề trọng yếu của đất nước, cử tri quan tâm.

“Hiệu lực giám sát ngày càng nâng cao, tuy nhiên hoạt động giám sát vẫn chưa toàn diện, còn bị bỏ ngỏ, ví dụ như vấn đề dân tộc thiểu số chưa được Quốc hội giám sát làm cơ sở hoạch định chính sách pháp luật, tương xứng với vị trí vai trò tiềm năng cũng như sự tổn thương của khu vực miền núi khi cơquan giám sát ở dưới không thể bao quát”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhận xét.

“Tôi xin kiến nghị ở Quốc hội kỳ sau, Quốc hội cần tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết tăng cường năng lực, tiềm lực, hiệu quả giám sát Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Quốc hội cần xây dựng là Quốc hội nhân văn không chỉ là  trung tâm quyền lực mà còn trung tâm của đoàn kết quốc gia, của dân tộc.

Quốc hội cần phân bổ nguồn lực, kiểm soát nguồn lực, không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân. Đặc biệt, không được biến Quốc hội thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực. Cần cảnh giác tình trạng thâu tóm quyền lực”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng mong muốn.

Liêm chính trong xây dựng pháp luật

Là người thứ hai phát biểu, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) bày tỏ đồng tình rất cao và thể hiện niềm tự hào là Đại biểu Quốc hội khóa XIV. “Chúng ta đã làm tròn vai ĐBQH trước nhân dân với những quyết sách và kết quả được thể hiện trong hai báo cáo tổng kết của Quốc hội và của UB Thường vụ Quốc hội”.

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang). Ảnh quochoi.vn

Đặt vấn đề câu chuyện liêm chính trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ khẳng định, liêm chính trong ứng xử xã hội là việc tự tạo áp lực cho chính mình trong thực hiện các hành vi xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên tắc để con người trở thành một công dân tốt cho đất nước, xã hội. 

“Pháp luật không phải công cụ để thể hiện lợi ích một bộ phận nhỏ trong xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan tổ chức được giao soạn thảo luật. Pháp luật là công cụ điều chỉnh xã hội nên rất cần sự liêm chính trong xây dựng pháp luật” - ĐBQH Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

Vị ĐBQH này cho rằng, nếu thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những dự án luật “nhiều khuyết tật”. 

“Ngăn chặn mối nguy tham nhũng chính sách”

“Tôi khẳng định rằng trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV không có việc tham nhũng chính sách. Nếu lặp đi lặp lại tất cả các quy định và đặt chúng trong mối quan hệ việc tổ chức thực hiện thì có thể thấy có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách”, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) chia sẻ.


ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội). Ảnh Congluan.vn

Nói về khái niệm tham nhũng chính sách thì có thể hiểu đây là việc cố tình đưa vào các đạo luật những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống.

Một dư địa khác có thể dẫn đến tham nhũng chính sách, đó là các quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, bao gồm đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra các quy định liên quan đến ưu đãi thực hiện nghĩa vụ tài chính, về quy trình thủ tục, về phân cấp phân quyền trong quyết định các dự án cũng là “mảnh đất” có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách.

Để ngăn chặn tham nhũng chính sách trong tương lai, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đưa ra một số kiến nghị:

“Cần đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật. Nâng caoviệc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách.

Tăng cường hoạt động thẩm tra, hoạt động thẩm tra cần trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện. Đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào quy định của pháp luật, những quy định để trục lợi cá nhân. Sớm hoàn tất quá trình trao đổi số làm minh bạch hoá tất cả các quy trình để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không phải trả những chi phí phi chính thức”.

 “Tuổi thọ của Luật còn hạn chế”

“Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã thông qua 72 luật và rất nhiều nghị quyết. Tuy nhiên, trong 72 luật đó, hơn 1/3 luật là sửa đổi và bổ sung. Con số đó cho thấy tuổi thọ của luật còn hạn chế. Đã là luật thì phải mang tính ổn định, lâu dài. Có luật mới ban hành, chưa đi vào cuộc sống đã phải bổ sung, sửa đổi; một số luật khác lại chậm sửa đổi, chậm ban hành mà kỳ nào tiếp xúc cử tri cũng phản ánh như Luật Đất đai”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM) chia sẻ.

“Cần tăng cường giám sát lĩnh vực tư pháp” 

Trong 5 năm vừa qua, Quốc hội đã có rất nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong đó có sự phát triển của hệ thống tư pháp. Để tiếp tục phát huy những thành tựu, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) kiến nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát lĩnh vực tư pháp để cùng với các cơ quan công tác thực hiện tốt mục tiêu không để xảy ra oan, sai và không để xảy ra bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật. 

Quang Vũ - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ngan-chan-moi-nguy-tham-nhung-chinh-sach-d151996.html