Người dân có trách nhiệm gì khi tham gia đảm bảo an toàn giao thông?

13/01/2020 09:10

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Hình minh hoạ. (Ảnh: CAND)

Theo Thông tư 67/2019/TT-BCA, nhân dân khi tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, cụ thể sau đây: Tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; Tham gia cấp cứu và bảo vệ tài sản của người bị nạn, bảo vệ hiện trường trong các vụ tai nạn giao thông.

Bảo vệ các công trình giao thông, thiết bị an toàn giao thông. Trường hợp phát hiện công trình, thiết bị có dấu hiệu không đảm bảo an toàn giao thông hoặc bị hư hỏng, bị xâm hại thì nhanh chóng thực hiện các biện pháp báo hiệu cho người tham gia giao thông biết và khẩn trương thông báo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý công trình, thiết bị, cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; Thông báo các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông, các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, phạm pháp hình sự làm ảnh hưởng an toàn giao thông, đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông, ném đất, đá hoặc các vật khác vào phương tiện hoặc người tham gia giao thông, vận chuyển trái phép chất cháy, chất nổ, chất ma túy hoặc vận chuyển trái phép các hàng hóa khác, các hành vi giả danh Công an nhân dân, chống người thi hành công vụ và các hành vi khác vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

Tham gia và hưởng ứng các phong trào giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông. Hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ. Tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở các thành viên khác trong gia đình chấp hành tốt các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Cục CSGT)

Đặc biệt, kể từ ngày 15/1/2020, khi Thông tư 67/2019/TT-BCA có hiệu lực thi hành thì người dân còn có thể  giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ, việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ.

Cụ thể, Tại Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định nhân dân được giám sát qua các hình thức sau đây: Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ; Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau; Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đáng chú ý, Thông tư này quy định về hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Theo đó, người dân có quyền giám sát bằng thiết bị ghi âm ghi hình nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: không làm ảnh hưởng đến các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực hiện nhiệm vụ. Theo Điều 10 thông tư 67/2019 thì việc người dân giám sát CAND phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nguoi-dan-co-trach-nhiem-gi-khi-tham-gia-dam-bao-an-toan-giao-thong-d115045.html