Nhà ở xã hội: Thiếu đất, thiếu vốn, chủ đầu tư thiếu mặn mà

10/06/2020 10:22

Kinhte&Xahoi Bộ Xây dựng cho hay, hầu hết các địa phương chưa bố trí vốn cho nhà ở xã hội, chưa quan tâm hỗ trợ trong việc tạo quỹ đất và kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong, ngoài dự án, trong khi chủ đầu tư thì trông chờ những gói tín dụng ưu đãi… khiến một chính sách xã hội hết sức nhân văn không thể “tròn trịa” như mong muốn.

Các dự án nhà thương mại mọc lên như “nấm” ở các thành phố, nhưng quỹ đất dành cho nhà ở xã hội ít được quan tâm

Gói ưu đãi vẫn trên… giấy

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), từ tổng hợp của các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức và chính những người được thụ hưởng chính sách, việc triển khai nhà ở xã hội (NƠXH) còn nhiều tồn tại, nguyên nhân do một số quy định của Luật Nhà ở, Nghị định hướng dẫn của Chính phủ và cơ bản do nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi vẫn còn hạn hẹp.

Theo đó, cơ quan này cho biết, quá trình triển khai, theo quy định của Luật Nhà ở, quy định nhóm đối tượng chính sách xã hội được thuê, thuê mua là quá rộng, trong khi ngân sách nhà nước khó khăn, không thể cân đối được. Bên cạnh đó, một số điểm của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP còn chưa phù hợp với thực tế như quy định trong giai đoạn 2016 – 2020, chỉ cho người mua, thuê, thuê mua NƠXH vay, chứ chưa cho chủ đầu tư dự án NƠXH vay. 

Ngoài ra, việc quy định về một số thủ tục hành chính còn phức tạp như phải thẩm định về giá bán, giá cho thuê, khống chế lợi nhuận... đã gây khó khăn cho chủ đầu tư, không hấp dẫn doanh nghiệp xây lắp tham gia phát triển các dự án NƠXH.

Theo quy định Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngân sách nhà nước vừa cấp bù lãi suất cho vay, vừa phải cấp 50% nguồn vốn vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, Ngân hàng này mới chỉ được phân bổ được khoảng 1.163 tỷ đồng, trong khi nhu cầu của ngân hàng là hơn 9.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho hay, đã có một Nghị quyết về gói 2.000 tỷ đồng cho NƠXH, nhưng gói này hiện nay vẫn đang ở… trên giấy, chưa có vốn. Theo ông Ninh, vốn vay ưu đãi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong phát triển NƠXH. “Hiện, mới có Nghị quyết chứ chưa có vốn. Giờ phải chờ quyết định của Thủ tướng phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực kinh tế, trong đó NƠXH là một phần nhỏ”, lời ông Ninh.

Về đối tượng mua NƠXH hiện nay còn nhiều tiêu cực, sai phạm, ông Ninh cho biết tiêu chuẩn đối tượng được vay mua NƠXH tới đây sẽ có tiêu chí cụ thể. Bộ Xây dựng sẽ sửa Nghị định 100 về NƠXH vì nó có nhiều bất cập so với thực tế. Theo đó, Bộ sẽ kiến nghị sửa những vấn đề về trình tự thủ tục và đất chưa thực sự hợp lý.

Xã hội hóa đầu tư là lối thoát? 

Cũng theo đại diện Bộ Xây dựng, hầu hết các địa phương chưa bố trí vốn cho NƠXH, chưa quan tâm hỗ trợ chủ đầu tư trong việc bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án. Bộ Xây dựng cũng cho rằng, nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc dành quỹ đất cho các dự án mang nhiều ý nghĩa xã hội này.

Theo quy định, các dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại 3 trở lên mới bắt buộc phải dành diện tích đất trong dự án cho phần phát triển NƠXH. Tuy nhiên, thời gian qua hầu hết các chủ đầu tư dự án có quy mô dưới 10ha đều lựa chọn hình thức nộp bằng tiền thay vì yêu cầu phải dành quỹ đất cho yêu cầu này. 

Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính sách phát triển NƠXH là một chính sách tốt đẹp, nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhưng qua một thời gian thực hiện cần được đánh giá, nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, từ đó có những chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chính sách đến đúng đối tượng.

Ông Võ cho rằng, chính sách hiện nay về NƠXH còn mang tính bao cấp, trông chờ quá nhiều vào ngân sách nhà nước, trong khi ngân sách thì đang hạn hẹp; quá trình thực hiện chưa có sự giám sát chặt chẽ và điều đáng nói là không ít trường hợp sai đối tượng thụ hưởng… đã khiến cho một chính sách hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. 

Từ thực tế đang diễn ra, GS Võ nhấn mạnh, cần xã hội hóa mạnh hơn nữa trong quá trình triển khai NƠXH trong bối cảnh hiện nay; không thể chỉ trông chờ các gói tín dụng của Nhà nước. “Nhiều dự án không thể triển khai do thiếu hụt tín dụng ưu đãi”, ông Võ nói và cho rằng các bộ, ngành liên quan cần thật sự quan tâm cho vấn đề NƠXH và nếu NƠXH phát triển tốt thì khi đó chính sách mới đến được “tận tay” những người có thu nhập thấp thật sự.

Nhiều dự án nhà ở xã hội “lụt” tiến độ

Tại Hà Nội, tính đến nay chỉ đạt 14% kế hoạch phát triển NƠXH đặt ra. Hầu hết các dự án NƠXH giai đoạn 2015 - 2020 được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 đều bị chậm tiến độ. Thậm chí, một số dự án còn chưa có thông tin tiến độ hoặc không thực hiện.

Theo kế hoạch, dự kiến đến đầu năm 2015 có 6 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành nhưng 6/6 dự án không hoàn thành như kế hoạch đặt ra. Trong giai đoạn 2016 – 2020, theo kế hoạch dự kiến có 15 dự án NƠXH được xây dựng, hoàn thành nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành (2/15 dự án chưa triển khai xây dựng; 7/15 dự án chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận dự án đầu tư; 1/15 dự án không có thông tin tình hình triển khai; 2/15 dự án dừng triển khai không thực hiện được NƠXH hoặc thu hồi; 3/15 dự án đã được chấp thuận chuyển mục tiêu đầu tư sang nhà ở thương mại). 

 Minh Hữu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/nha-o-xa-hoi-thieu-dat-thieu-von-chu-dau-tu-thieu-man-ma-d126657.html