Petrolimex muốn giảm 90% chỉ tiêu lợi nhuận
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã chứng khoán: PLX), ghi nhận doanh thu thuần quý III/2022 đạt gần 73.700 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế trong quý III/2022 đạt 313 tỷ đồng, tăng 179% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Petrolimex lại báo lỗ ở mảng hoạt động kinh doanh xăng dầu, với mức lợi nhuận giảm hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ. Theo đó, nguyên nhân được cho là vì giá xăng dầu giảm bất thường, trong khi khâu tạo nguồn, lưu thông tạo chi phí cao hơn định mức theo quy định trong giá cơ sở.
Tuy nhiên, lợi nhuận từ lĩnh vực khác tăng so cùng kỳ (tăng 400 tỷ đồng) nhờ các công ty con thuộc lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay... hoạt động ổn định giai đoạn hậu Coivid-19, kéo kết quả quý 3 tăng lên tương ứng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Tiền Phong)
Lũy kế 9 tháng năm 2022, Petrolimex có doanh thu hơn 225 ngàn tỷ đồng, tăng 88% và vượt mục tiêu doanh thu hợp nhất cả năm 21%.
Tuy nhiên, do phải khoản lỗ từ quý 2 và khoản lãi giảm mạnh trong quý 1 cộng lại, lãi sau thuế lũy kế chỉ đạt hơn 312 tỷ đồng, giảm tương ứng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tài liệu họp đại hội cổ đông bất thường 2022 sẽ diễn ra vào đầu tháng 12 tới, Petrolimex đã có tờ trình xin ý kiến cổ đông giảm mạnh chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay do biến động của thị trường khiến kết quả kinh doanh xuống dốc.
Cụ thể, doanh nghiệp này xin điều chỉnh hai chỉ tiêu quan trọng là doanh thu và lợi nhuận: Nâng doanh thu hợp nhất lên 240.000 tỷ đồng, tăng 29% so với kế hoạch trước đó nhưng lại giảm lợi nhuận trước thuế còn 300 tỷ đồng, thấp hơn tới 90% so với kế hoạch ban đầu. Các chỉ tiêu khác không bị điều chỉnh.
Trong tờ trình, doanh nghiệp lý giải, 9 tháng đầu năm 2022 và đặc biệt vào các thời điểm biên độ giá tăng lớn đã xảy ra hiện tượng một số thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối/cửa hàng xăng dầu ngoài xã hội hạn chế bán hàng hoặc dừng bán hàng.
Từ đó đẩy nhu cầu dồn về Petrolimex, khiến cho sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn tăng mạnh trên tất cả các kênh bán hàng, đặc biệt là kênh bán lẻ trực tiếp cũng như nhu cầu mua hàng từ các thương nhân nhận quyền bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex không ngừng tăng cao.
Petrolimex cũng tiết lộ, sản lượng bán nội địa trong 10 tháng đầu năm nay đã vượt 14% so với tiến độ kế hoạch và tăng 22% so với cùng kỳ.
PV Oil ghi nhuận doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận quý III âm
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL – Mã chứng khoán OIL) ghi nhận mức doanh thu thuần quý III/2022 đạt 25.962 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2021.
Thế nhưng, Tổng công ty Dầu Việt Nam lỗ đậm hơn 373 tỷ đồng trong quý III này, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 57 tỷ đồng.
Giải trình của PV OIL về kết quả kinh doanh trong quý III/2022.
Thời gian qua giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo đà giảm giá dầu trên thế giới và theo việc cắt giảm một số loại thuế, phí cũng như việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (sau khi lên đỉnh 32.870 đồng/lít hồi cuối tháng 6/2022, giá xăng RON 95-III giảm về 21.440 đồng/lít vào đầu tháng 10).
Theo PV OIL, Nhà nước điều chỉnh giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong quý III/2022 đã làm lãi gộp của doanh nghiệp giảm 37% dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.
Mặc dù lỗ lớn trong quý III nhưng nếu tính luỹ kế 9 tháng của năm 2022, PV OIL đạt doanh thu thuần 79.617 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 431 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 9 tháng, PV OIL đã vượt 77% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 8% mục tiêu lợi nhuận năm 2022.
PV OIL là doanh nghiệp chiếm hơn 20% thị phần xăng dầu bán lẻ, trong khi Petrolimex là doanh nghiệp dẫn đầu tại Việt Nam về kinh doanh mặt hàng xăng dầu, thị phần khoảng 50% thị trường nội địa.
TLP lỗ nặng trong quý III
Với Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP ( Thalexim - Mã chứng khoán: TLP), trong quý III/2022 công ty đạt doanh thu 7.631 tỷ đồng, tưng ứng gấp 4,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này lỗ gộp gần 25 tỷ đồng, trong khi quý III/2021 từng lãi gần 49 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: DNSE)
Giải thích về kết quả lỗ trong quý 3, TLP cho biết do giá thế giới đảo chiều liên tục, Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong quý 3, dẫn đến kết quả kinh doanh lỗ, trong khi nguồn hàng khan hiếm, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, từ nhà máy lọc dầu về cảng tăng cao, đồng thời các chi phí lãi vay, tỷ giá ngoại tệ cũng ngày càng tăng cao.
Bức tranh ảm đạm quý 3 khiến kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của TLP cũng trở nên bết bát. Trong 9 tháng của năm 2022, dù doanh thu thuần vẫn tăng tới 123% (đạt 18.572 tỷ đồng) nhưng vì kinh doanh dưới giá vốn nên Thalexim lỗ ròng hơn 76 tỷ đồng.
Dầu khí Nam Sông Hậu lỗ hơn 241 tỷ đồng sau 9 tháng
CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (Mã chứng khoán: PSH) ghi nhận doanh thu thuần trong quý III/2022 đạt hơn 1.071 tỷ đồng, tương đương với kết quả của quý III năm ngoái.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của PSH quý III/2022 chỉ đạt vỏn vẹn 9,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với kết quả hơn 150 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Dầu khí Nam Sông Hậu ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 5.165 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Doanh nghiệp Tiếp thị)
Việc lỗ tới 264 tỷ đồng trong quý II/2022 đã khiến cho tình hình lợi nhuận của CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông vẫn âm cho tới thời điểm hiện tại. Sau 9 tháng của năm nay, công ty lỗ sau thuế hơn 241 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 247 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mới đây CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu đã công bố thực hiện mua lại trước hạn lô trái phiếu có mã: PSHH2224001, tổng trị đang lưu hành trên thị trường là 200 tỷ đồng. Ngày phát hành là 1/3/2022, ngày đáo hạn là 1/3/2024, lãi
Công ty dự kiến sẽ mua lại với khối lượng là 90 tỷ đồng, thời mua lại từ 27/11/2022 đến 30/11/2022.
Lê Hải - Pháp luật Plus