Nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp

25/06/2020 17:06

Kinhte&Xahoi Trong những tháng đầu năm 2020, các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, thành phố đã giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho gần 334.000 lượt người với số tiền chi trả là hơn 2.561 tỷ đồng. Số người được khám, chữa bệnh BHYT là gần 4 triệu lượt người với kinh phí chi trả gần 7.300 tỷ đồng…

Đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) thành phố 6 tháng cuối năm 2020 vừa được tổ chức tại Hà Nội, do đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì.

Bám sát các mục tiêu quan trọng

 Báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, nhiều giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố đã được triển khai thực hiện.Theo đó, tính đến 31/5, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 86,29% dân số. Số người tham gia BHYT là 6.949.847 người; tăng 164.062 người so với cùng kỳ năm 2019; giảm 50.324 người so với tháng 12/2019, đạt 96% kế hoạch.

Về tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc, tính đến 31/5, số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.722.520 người, tăng 48.174 người so với cùng kỳ năm 2019; giảm 37.897 người so với tháng 12/2019; đạt 87,8% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Còn số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 1.614.308 người, tăng 49.148 người so với cùng kỳ năm 2019; giảm 28.342 người so với tháng 12/2019; đạt 94,2% số người thuộc diện tham gia BHTN.

Số người tham gia BHXH tự nguyện là 37.200 người, tăng 10.980 người so với cùng kỳ năm 2019, tăng 1.837 người so với tháng 12/2019, tương ứng tốc độ gia tăng BHXH tự nguyện so với năm 2019 đạt 5,19%.

Đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phát biểu tại Hội nghị

Việc giải quyết các chế độ BHXH luôn được quan tâm, công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng an toàn, chính xác, đảm bảo đến tận tay đối tượng trước ngày mồng 10 của tháng với 2 hình thức chi trả: Thông qua hệ thống Bưu điện và qua tài khoản thẻ ATM.

Mặc dù BHXH Hà Nội đã thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao trong 6 tháng đầu năm 2020, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công tác thanh tra, kiểm tra chỉ thực hiện trong 2 tháng đầu năm 2020 với 105 đơn vị nợ BHXH.

Tính đến 31/5, có 53.083 đơn vị nợ với tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.851 tỷ đồng (tăng 937 tỷ đồng so với tháng 12/2019). Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2020, ngành BHXH đã thực hiện giải quyết các chế độ BHXH, BHTN cho 333.828 lượt đối tượng với số tiền 2.561,6 tỷ đồng. 

Trong công tác khám chữa bệnh BHYT, BHXH thành phố đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 191 cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến Trung ương đến tuyến y tế cơ sở có đủ điều kiện để tổ chức khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT… 5 tháng đầu năm 2020, đã có 3.894.578 lượt người khám chữa bệnh BHYT với chi phí khám chữa bệnh BHYT đề nghị thanh toán là 7.296 tỷ đồng.

Tập trung triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

 Bên cạnh việc tổng kết các chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các thành viên Ban chỉ đạo của thành phố và Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nay đến hết năm 2020.

Cụ thể, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2020 đạt 90,1%. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHTN đạt 95% số người thuộc diện tham gia. Tốc độ gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt 30% so với năm 2019. Phấn đấu tỷ lệ nợ đóng BHXH trên địa bàn TP bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ nợ bình quân của cả nước. Tăng cường kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT; Phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Đảm bảo việc chi trả các chế độ BHXH, BHTN...

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội đã báo cáo cụ thể với Ban Chỉ đạo kết quả thực hiện các chỉ tiêu do HĐND, UBND thành phố giao đồng thời nhấn mạnh đến một số tồn tại, hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đều giảm so với năm 2019, việc thực hiện các chỉ tiêu HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố giao gặp nhiều khó khăn, tình hình nợ BHXH tăng 938 tỷ đồng so với năm 2019 trong đó khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng trên 500 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM còn thấp…

Toàn cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế Thành phố 6 tháng cuối năm 2020

Cũng tại hội nghị, đại diện các Sở, ngành, quận, huyện là thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã thảo luận, nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong khởi kiện với doanh nghiệp nợ BHXH; Công tác thanh tra, kiểm tra; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT…

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý ghi nhận kết quả và biểu dương những cố gắng của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm.

Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về BHXH, BHYT năm 2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện 8 giải pháp trọng tâm. Trong đó, BHXH Thành phố cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các giải pháp tại các kế hoạch, chương trình hành động của Thành phố. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt tuyên truyền, vận động các đối tượng là học sinh, sinh viên, các hộ gia đình tham gia BHYT; Rà soát các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cơ quan BHXH cần tăng cường đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với ngành BHXH quản lý sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đạt 100%, nhất là 241 đơn vị hành chính sự nghiệp chưa thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử. Đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã; chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thành phố chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn hướng dẫn người hưởng mở tài khoản cá nhân ATM để nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng.

“Thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, các cơ quan, đơn vị chức năng cần nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao trong năm 2020”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhieu-giai-phap-thiet-thuc-nham-bao-dam-quyen-loi-cho-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-d2085832.html