Nhiều tiêu cực trong kinh doanh buôn bán hàng hóa trên mạng xã hội

07/11/2020 10:39

Kinhte&Xahoi Lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện và thu giữ gần 200 sản phẩm hàng hóa gắn giả nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong quá trình thực hiện tăng cường công tác kiểm tra đối với các hộ kinh doanh cố định trên địa bàn, đặc biệt là các cửa hàng, quầy hàng bày bán hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, Đội QLTT số 2 đã phát hiện lượng lớn hàng hóa vi phạm.

 Lượng lớn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được lực lượng QLTT Lạng Sơn phát hiện

Cụ thể, Đội QLTT số 2 phối hợp với Công an thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh quần áo may sẵn, do ông Nguyễn Văn Tuỳnh là chủ hộ, tại địa chỉ: Số 35, khu Nam Quan, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Tại hiện trường kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng đang bày bán 70 cái áo thô dài tay nam người lớn, nhãn hiệu DOLCE&GABANA; 100 cái quần đùi nam người lớn, nhãn hiệu ADIDAS; toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Trong quá trình kiểm tra, ông Nguyễn Văn Tuỳnh cũng thừa nhận việc sử dụng tài khoản zalo “Nhat Lam” để đăng bán hàng hóa trên mạng xã hội, trong đó có các sản phẩm hàng hóa trên. Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ các tình tiết liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới tình hình kinh doanh trên mạng xã hội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, có thể nói hiện nay thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội đang tạo ra sức hút, cơ hội kinh doanh rất lớn cho doanh nghiệp, người buôn bán nhỏ lẻ. Với 65 triệu người sử dụng Internet, tốc độ tăng trưởng của TMĐT của Việt Nam giai đoạn 2015-2025 được dự báo ở mức 43%. Chỉ tính riêng năm 2020, doanh thu TMĐT cũng được dự báo vượt ngưỡng 13 tỉ USD. Năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, kênh bán hàng online, giao dịch, mua bán qua sàn thương mại điện tử càng nở rộ đã tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp làm ăn uy tín.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, thương mại điện tử cũng tồn tại một số yếu tố tiêu cực như: Tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp. Nguy hiểm hơn, hiện nay tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web thương mại điện tử, đặc biệt các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Điều đáng báo động, những đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách việc này. Họ tận dụng mọi thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ Internet để kinh doanh các mặt hàng vi phạm: sử dụng công nghệ bán hàng đa kênh, ngồi một nơi nhưng có thể quản lý bán hàng ở nhiều điểm khác nhau; sử dụng thành thạo các công cụ marketing trực tuyến; đầu tư mạnh vào các tiện ích của mạng xã hội để thu hút người mua hàng… Đồng thời cũng tận dụng công nghệ để lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng Internet, gây khó khăn cho việc xác minh thông tin.

Do đó, theo Tổng Cục QLTT, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay; website thương mại điện tử, các trang đích dùng để bán hàng (landing page) có thể bị đóng trong tích tắc. Hầu hết các giao dịch hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý, lưu trữ và xử lý càng trở nên khó khăn.

Cũng theo nhận định của Tổng cục QLTT, hàng giả, hàng lậu sẽ còn tràn lan hơn nữa, mà một trong những nơi chủ yếu gây ra hệ lụy này chính là môi trường thương mại điện tử. Chính vì vậy, phải có sự thay đổi và chuẩn bị tốt của cơ quan quản lý nhà nước nhằm đối phó với vấn nạn trên mới đạt được hiệu quả rõ rệt. 

 An Dương - Theo Vietq.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn