Những ấm áp theo mùa xuân về

14/01/2022 14:46

Kinhte&Xahoi Hà Nội những ngày này thời tiết giá lạnh nhưng lòng người lại được thắp lên những đốm lửa ấm áp bởi tình yêu thương, lòng nhân ái và những việc làm tốt đẹp vì cộng đồng.

Thêm một anh hùng giữa đời thường

 Tết nhất đến gần, bên cạnh bao lo toan cho công việc phải hoàn thành, lo về dịch bệnh, lo về kinh tế, lo chuyện về quê quán lại thêm thời tiết thay đổi chóng mặt, lúc mưa phùn gió bấc, lúc hanh khô khiến tâm trạng, sức khỏe mọi người ít nhiều bị ảnh hưởng. Hai hôm nay, ngoài việc báo chí truyền thông đưa tin, các diễn đàn, các nhóm còn râm ran không dứt về câu chuyện anh hùng giữa đời thường Trung Văn Nam cứu cháu bé trong trận hỏa hoạn tại Hoàng Mai (Hà Nội).

Nụ cười của anh hùng Trung Văn Nam

Cũng như anh hùng Nguyễn Ngọc Mạnh trước đây, trong tình huống khẩn cấp, anh Trung Văn Nam không có thời gian suy nghĩ nhiều. Hành động quyết đoán, dứt khoát cùng nỗ lực cao nhất của anh đã kịp thời cứu cháu bé dù bản thân anh lúc đó cũng rất mệt do trèo cao để lao vào đám khói mù mịt. Chính bản thân anh cũng như anh Mạnh cũng nói rằng nếu trong hoàn cảnh bình thường không biết có trèo được lên vị trí ấy để cứu người hay không.

Kết quả tốt đẹp thì ai cũng biết rồi, ai cũng khâm phục anh Nam. Rất may anh và anh Dương Ngọc Vũ kịp thời giải cứu cháu bé, tránh để cuối năm lại xảy ra tai nạn thương tâm. Điều mọi người thực sự thán phục ấy là sự nhanh trí, quyết tâm cứu người bằng được. Điều đó xuất phát từ trái tim nhiệt huyết, từ lòng tốt thực sự thôi thúc, tạo nên sức mạnh phải hành động để cứu bằng được cháu bé.

Không phải người thường nào cũng được chuẩn bị, tập huấn sẵn cho những tình huống khẩn cấp như vậy. Tuy vậy, phẩm chất anh hùng luôn có sẵn trong mỗi người để nó phát tác vào đúng lúc, đúng thời điểm khi những người xung quanh cần đến chúng ta và chúng ta có lòng nhân ái sẵn sàng “kích hoạt” phẩm chất ấy.

Rồi anh Nam cũng như anh Mạnh đều sẽ trở về đời thường, tiếp tục làm công việc hàng ngày mà họ đang làm. Câu chuyện của anh Trung Văn Nam chính là một đốm lửa ấm áp, sưởi ấm trái tim chúng vào dịp cuối năm này. Đó cũng chính là hơi ấm, là tín hiệu vui mà mùa xuân mang về cho mỗi người Hà Nội cũng như cả nước.

Anh Trung Văn Nam kể lại giây phút cứu cháu bé

Mỗi một hành động đẹp, trái tim đẹp đều có sức lan tỏa, khơi gợi những điều tốt đẹp trong cộng đồng, khiến chúng ta xúc động và muốn làm những điều tốt đẹp hơn nữa cho cộng đồng. Suốt những ngày tháng dịch bệnh vừa qua, mỗi người Hà Nội dù bằng hành động cụ thể giúp đỡ người khác bằng những việc lớn lao hay chỉ là việc nhỏ hoặc đơn giản chỉ là chấp hành nghiêm chỉnh quy định phòng, chống dịch thì đều là những anh hùng để góp phần xây dựng cuộc sống an toàn hơn, yên ổn hơn, tốt đẹp hơn.

Nhân lên những điều tốt đẹp

 Những ngày cuối năm cũng là lúc chúng ta nhìn lại những chuyện đã qua, nhất là câu chuyện xúc động, lắng đọng để cùng nhau mở ra một năm mới với nhiều yêu thương, san sẻ và nhiều điều tốt đẹp hơn.

Trong không khí này, cuối tuần, khán giả xem truyền hình sẽ được gặp lại chị Lê Thị Trâm, nhân vật chính của câu chuyện khiến chúng ta xúc động vào thời điểm dịch bệnh diễn biến căng thẳng của năm 2021. Chị Trâm không thể nhờ người lao công nghèo như mình lại có ngày bị cướp và cũng không ngờ trong cuộc sống có nhiều người tốt như vậy.

Chị Lê Thị Trâm

Ngay phần đầu tiên “Yêu thương ơi chào nhé” - chương trình "Trạm yêu thương" lúc 10h sáng thứ bảy ngày 15/1 trên kênh VTV1 mở ra với những lát cắt về năm 2021 - một năm đầy biến động khi dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng từ đó nảy ra những hạt mầm của sự yêu thương, tinh thần sẻ chia với những giúp đỡ kịp thời và đúng lúc.

Chị Lê Thị Trâm, nhân viên Công ty Môi trường đô thị Hà Nội bị cướp đi tải sản lớn nhất của gia đình là chiếc xe máy, rồi chính chị sau khi được các nhà hảo tâm giúp đỡ đã tặng lại tài sản giá trị ấy cho những đồng nghiệp khó khăn, là một câu chuyện điển hình như vậy.

Khoảnh khắc nữ công nhân nghèo bị cướp xe máy trong đêm sẽ được người trong cuộc kể lại trong "Trạm yêu thương" qua hồi tưởng của chị Lê Thị Trâm, qua những thước phim quý giá từ camera của một nhà dân ghi lại và qua chia sẻ của Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm - người đầu tiên gặp chị Trâm sau vụ cướp hôm ấy.

“Khi mà chúng tôi tiếp nhận trình báo của chị Trâm, chị rất hoảng loạn. Là công nhân thường xuyên làm đêm, lại là nữ, gần như thời điểm chị Trâm làm việc không có ai. Ngoài việc quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tìm cho bằng được các đối tượng trong vụ cướp, chúng tôi đã mời chị Trâm đến và tặng một chiếc xe làm phương tiện đi lại…”, Trung tá Đặng Mạnh Cường - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm chia sẻ trong chương trình.

Chị Trâm vừa đối mặt với điều không may nhất lại ngay lập tức nhận được những điều may mắn với tấm lòng của các nhà hảo tâm trên khắp cả nước. Điều khiến rất nhiều người chú ý là việc chị đã tặng luôn ba chiếc xe cho ba người đồng nghiệp khó khăn khác, đồng thời đề nghị cộng đồng ngừng hỗ trợ giúp mình.

Cho đi một khối tài sản không hề nhỏ trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, lý do nào khiến một nữ lao công như chị Trâm có một quyết định bất ngờ đến như vậy? Điều này sẽ được lý giải trong phần 2 - Hiểu để yêu thương cùng khoảnh khắc ấn tượng khi BTV Bảo An đưa khán giả đến gặp gỡ chủ nhân của ba chiếc xe mà chị Lê Thị Trâm trao tặng. Những chia sẻ về nữ lao công - người tặng xe cho họ dù không hề quen biết, thậm chí chưa gặp lần nào chắc chắn sẽ khiến khán giả thêm những bất ngờ thú vị về nhân vật của "Trạm yêu thương", về suy nghĩ và cách trao đi yêu thương của những tấm lòng nhân ái.

Chắc hẳn, cả chị Trâm, anh Nam, anh Mạnh đều không muốn có những chuyện không may xảy ra với mình, với những người xung quanh. Dù vậy, cuộc sống vẫn luôn có những tình huống bất trắc xảy ra. Chỉ có lòng yêu thương, chia sẻ, thông cảm giữa người với người mới viết nên những câu chuyện phi thường giữa đời thường.

Chính những điều phi thường giữa đời thường ấy đã viết nên những bài ca đẹp trong cuộc sống, cho chúng ta một bầu không khí chan hòa tình người và để chúng ta thấy cần phải cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội ngập tràn những niềm vui, xua tan đi những ưu phiền và cho chúng ta thêm niềm tin, nghị lực vượt qua mọi thử thách.

 Hương Thu - TTTĐ

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhung-am-ap-theo-mua-xuan-ve-188002.html