Những câu chuyện nhuốm màu huyền bí về cây thông Noel

21/12/2020 06:47

Kinhte&Xahoi Theo quan niệm của nhiều người phương Tây, màu xanh là màu tượng trưng cho sự vĩnh cửu, phồn vinh và ấm no. Cây thông được chọn cho dịp Giáng sinh cũng là vì nó vẫn có thể xanh tốt vào mùa đông lạnh giá. Nhiều quốc gia còn tin rằng màu xanh chính là thứ bùa giúp xua đuổi tà ma và bệnh tật. Những vật trang trí trên cây thông Noel cũng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Màu xanh quanh năm của cây thông được cho là sẽ mang lại may mắn và có khả năng xua đuổi tà ma.

Theo Bách khoa toàn thư Britannica, “Việc sử dụng cây xanh mãi, vòng hoa, và những dây trang trí tượng trưng cho sự sống đời đời là một phong tục của người Ai Cập cổ đại, Trung Quốc, và Do Thái cổ.

“Cây thờ cúng” đã trở thành phổ biến trong số những người châu Âu ngoại đạo và tồn tại khi họ chuyển đổi sang Thiên Chúa giáo theo phong tục Scandinavia để trang trí nhà và chuồng, kho với cây thường xanh vào dịp năm mới để xua đuổi ma quỷ và thiết lập một cây trú ẩn cho chim muông trong mùa Giáng Sinh”. 

Nguồn gốc của cây thông Noel

Tại châu Âu, lễ Giáng sinh (hay Noel) là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, tương tự Tết Nguyên đán của người châu Á. Dịp này dù có dịch bệnh hay không, thì cũng không thể thiếu những cây thông Noel.

Theo truyền thuyết vào thế kỷ thứ VIII, thánh Boniface, một thầy tu người Anh, trên đường sang Đức truyền bá Cơ đốc giáo, ông tình cờ bắt gặp một nhóm những kẻ không thờ Thiên chúa sùng bái đang tập trung quanh một cây sồi lớn, dùng một đứa trẻ để tế thần.

Để dừng buổi tế thần và cứu đứa trẻ, Boniface đã hạ gục cây sồi chỉ bằng một quả đấm. Tại nơi đó đã mọc lên một cây thông nhỏ. Vị thánh nói với những kẻ không thờ thiên chúa rằng cây thông nhỏ là cây của sự sống và nó tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa cứu thế. 

Theo một nguồn khác, thì giáo sĩ Boniface từ Anh sang Đức truyền bá đức tin Cơ đốc. Ông đã tặng cho thành phố Geismer một cây thông tượng trưng cho tình thương và một tín ngưỡng mới mà ông đã mang đến cho dân tộc Đức. Khi người Đức chấp nhận Cơ đốc giáo, họ chọn cây thông làm cây giáng sinh để nhắc nhở họ nhớ đến công ơn của thánh Boniface, người đã giúp họ dẹp bỏ tà thần trở lại thờ phượng Thiên Chúa.

 Cây thông là biểu tượng của ngày lễ Giáng sinh.

Một truyền thuyết khác lại kể rằng, vào một đêm Noel đã rất lâu rồi có một người tiều phu nghèo khổ đang trên đường trở về nhà thì gặp một đứa trẻ bị lạc và lả đi vì đói. Mặc dù nghèo khó nhưng người tiều phu đã dành lại cho đứa trẻ chút thức ăn ít ỏi của mình và che chở cho nó yên giấc qua đêm. Vào buổi sáng khi thức dậy, ông nhìn thấy một cái cây đẹp lộng lẫy ngoài cửa. Hoá ra đứa trẻ đói khát tối hôm trước chính là Chúa cải trang. Chúa đã tạo ra cây để thưởng cho lòng nhân đức của người tiều phu tốt bụng.

Phong tục cây Giáng sinh trở nên phổ biến ở Đức vào thế kỷ 16. Người theo đạo Cơ đốc mang cây xanh vào trong nhà và trang hoàng cho chúng trong dịp lễ Giáng sinh. Ở những vùng vắng bóng cây xanh, mọi người tạo ra các đồ vật hình chóp từ gỗ và trang trí cho nó các cành cây xanh và nến. Chẳng bao lâu sau, phong tục cây Giáng sinh đã trở nên phổ biến ở các nước châu Âu.

Vào giữa thế kỷ 19, Hoàng tử Albert thuộc Nhà Sachsen-Coburg và Gotha gốc Đức, chồng tương lai của nữ hoàng Victoria của Anh ra đời. Chính ông đã phổ biến rộng rãi phong tục cây Giáng sinh vào nước Anh.

Năm 1841, đôi vợ chồng Hoàng gia này đã trang hoàng cây Giáng sinh đầu tiên của nước Anh tại lâu đài Windson bằng nến cùng với rất nhiều loại kẹo, hoa quả và bánh mỳ gừng. Khi cây Giáng sinh trở thành thời thượng ở Anh thì những gia đình giàu có đã dùng tất cả những đồ vật quý giá để trang trí cho nó. 

Cây Giáng sinh lần đầu tiên được dân chúng ở Mỹ biết đến là vào những năm 1830. Khi hầu hết người dân Mỹ đều coi cây Giáng sinh là một điều kỳ cục thì những người Đức nhập cư ở Pennsylvania thường mang cây Giáng sinh vào các buổi biểu diễn nhằm tăng tiền quyên góp cho nhà thờ.

Năm 1851 một mục sư người Đức đặt một cây Giáng sinh trước nhà thờ của ông làm cho những người dân xứ đạo ở đó đã cảm thấy bị xúc phạm và buộc ông phải hạ nó xuống. Họ cảm thấy đó là một phong tục ngoại đạo.

Tuy nhiên, giờ đây mỗi năm có từ 33 đến 36 triệu cây Giáng sinh được sản xuất ở Hoa Kỳ, tại châu Âu là từ 50 đến 60 triệu cây. Trong năm 1998, đã có khoảng 15.000 người trồng cây ở Mỹ.

Trong cùng năm đó, người ta ước tính rằng người Mỹ đã chi 1,5 tỷ USD để mua cây Giáng sinh. Vào năm 2016 đã tăng lên 2,04 tỷ đô la cho cây tự nhiên và hơn 1,86 tỷ USD cho cây nhân tạo. Ở châu Âu, 75 triệu cây trị giá 3,2 tỷ USD được thu hoạch hàng năm.

Chuyện về những vật trang trí trên cây thông Noel

Vào những năm 1850, theo sự mô tả của đại văn hào Charles Dickens thì cây Giáng sinh ở Anh được trang hoàng bằng búp bê, những vật dụng nhỏ bé, các thiết bị âm nhạc, đồ trang sức, súng và gươm đồ chơi, hoa quả và bánh kẹo.

 Việc lựa chọn các vật trang trí trên cây thông Noel cũng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. 

Ngày nay, có rất nhiều loại vật trang trí truyền thống, chẳng hạn như vòng hoa, kim tuyến, trái châu, và kẹo. Một thiên thần hay sao có thể được đặt ở trên cùng của cây để đại diện cho Tổng lãnh thiên thần Gabriel hoặc Ngôi sao Bethlehem, ngôi sao báo hiệu Giêsu giáng sinh theo Phúc Âm Mátthêu. 

Trong đó, truyền thuyết về sợi dây kim tuyết khiến nhiều người suy ngẫm. Tương truyền rằng, khi vua Herod I (là hoàng đế Do Thái của Thành Judea vào khoảng những năm 37 tới năm thứ 4 TCN) biết được việc các nhà đạo sĩ sau khi viếng Chúa Hài Đồng, họ đã không quay lại gặp mình, vua đã nổi giận, lo sợ rằng Chúa Jesus sau này sẽ lớn lên làm vua và chiếm lấy ngai vàng của ông.

Do đó, ông đã cho binh lính truy lùng các gia đình có trẻ sơ sinh ở Bethlehem để giết hết. Vì thế sau khi được báo mộng, Thánh Joseph đã dắt Mẹ Mary và Hài Nhi Jesus trốn khỏi sự truy đuổi của binh lính.

Trong thời gian Chúa Giáng Sinh năm ấy, Thiên Thần cũng loan báo tin vui Chúa giáng trần cho tất cả muôn loài. Và hôm đó có một con nhện trong hang nhận được tin rằng đêm nay Hài Nhi Jesus, Thánh Joseph và Mẹ Mary sẽ ghé thăm nó. Nó vui mừng lắm, tâm hồn nó thấy rộn ràng chờ đợi Chúa đến để đón tiếp, nó cũng lo sợ vì nhận biết rằng thân hình nó nhỏ bé, không có gì để làm quà cho Chúa. Đang lúc nó suy nghĩ thì Thánh Joseph, Mẹ Mary bồng Hài Nhi Jesus chạy vào trong hang động nơi con nhện đang sống.

Con nhện nhận biết được đó là Hài Nhi Jesus, nhưng nó lại rất ngạc nhiên khi nhìn thấy nét mặt sợ hãi của Mẹ Mary và Thánh Joseph, trong khi đó Hài Nhi Jesus thì lại mỉm cười bên trong chiếc tã.

Con nhện không biết phải làm gì để cho mọi người vui, nó liền bò ra cửa hang giăng những dải tơ trắng từ trong bụng nó xung quanh miệng hang động… Khi nó vừa xong việc thì quân lính vua Herod I ập đến.

Một trong những tên lính tuốt gươm ra định bước vào hang, nhưng viên sĩ quan trên lưng ngựa la to: “Vào trong đó làm gì? Ngươi không biết suy nghĩ sao? Nếu có người đã vào trong hang thì làm sao có những dải tơ nhện còn giăng kín miệng hang thế này? Mau đi tìm chỗ khác đi!” Thế là quân lính bỏ đi tìm gia đình Thánh Gia ở nơi khác, và cũng nhờ những dải tơ nhện đó mà gia đình Thánh Gia thoát sự truy đuổi của binh lính thời bấy giờ.

Những sợi dây kim tuyến được sử dụng để trang trí cây thông Noel mang trong mình câu chuyện về một chú nhện nhỏ bé đã cứu sống Đức chúa Giêsu. 

Từ đó trở đi, mỗi dịp Giáng Sinh đến, người ta thường giăng những dây kim tuyến trên hang đá và trên cây thông Giáng Sinh, để tưởng nhớ công của con nhện cứu sống Hài Nhi Jesus. Và qua đó, người ta cũng nhắc cho nhau biết rằng, trước mặt Chúa không có gì là vô giá trị, ngay cả những thứ tầm thường như tơ nhện, và để cho thấy Chúa khiêm nhường biết chừng nào khi nhờ chú nhện năm xưa cứu mình thoát nạn.

Bên cạnh đó, những ngọn nến trên cây thông Noel cũng mang trong mình một câu chuyện ly kỳ, thú vị. Tương truyền, một lần Martin Luther (là nhà thần học người Đức) dạo bước qua những cánh rừng vào một đêm Noel khoảng năm 1500.

Hàng triệu vì sao sáng lấp lánh qua kẽ lá. Ông thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một loài cây nhỏ, trên cành cây tuyết trắng phủ đầy, lung linh dưới ánh trăng. Vì thế, khi trở về ông đã đặt một cây thông nhỏ trong nhà và kể lại câu chuyện này với lũ trẻ. 

Để tái tạo ánh sáng lấp lánh của muôn ngàn ánh sao ông đã treo nến lên cành cây thông và thắp sáng những ngọn nến ấy với lòng tôn kính ngày Chúa giáng sinh. Ông giải thích là các cây nến cháy sáng trên các nhánh của cây thông tượng trưng cho ánh sáng của Đức Giêsu mang đến cho nhân loại, màu xanh tươi quanh năm của cây thông tượng trưng cho Đức Chúa Trời hằng hữu. 

 Tiểu Vũ - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-cau-chuyen-nhuom-mau-huyen-bi-ve-cay-thong-noel-d143927.html