Những người “gác gôn” chặn dịch nơi cửa ngõ Thủ đô

19/03/2020 11:40

Kinhte&Xahoi Loa thông báo chuyến bay từ vùng dịch sắp hạ cánh, tất cả cán bộ, nhân viên kiểm dịch vội vàng sắp xếp lại bàn ghế, sẵn sàng bắt tay vào việc. Ai nấy đều tất bật, bận tối mắt, bữa trưa quên ăn, bữa tối ăn vội lúc… 2 giờ sáng.

Đã nhiều đêm rồi, cán bộ y tế kiểm dịch tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài căng mình, gác gôn chặn dịch ở cửa ngõ Thủ đô.

Rủ nhau về quê trốn dịch

Gia đình chị T.L.H. (Hà Nội) định cư ở Singapore, nơi có số ca mắc Covid-19 đang gia tăng từng ngày, đến sáng 18/3 đã ghi nhận 266 ca mắc. Chị H. mới sinh con (sinh đôi) được 6 tháng, vì lo dịch bệnh ở Singapore diễn biến phức tạp, sáng 17/3, chị đã đáp máy bay đưa cả gia đình về Việt Nam. Về đến sân bay, chị thở phào nhẹ nhõm.
Còn chị N.T.T, (Hà Đông, Hà Nội), là du học sinh tại Anh, hiện tình hình dịch bệnh tại Anh khá căng thẳng với gần 2.000 ca mắc, 71 ca tử vong. Chị T. đã rủ nhóm bạn cũng là du học sinh tại Anh trở về Việt Nam, chờ qua mùa dịch sang học tiếp. Hiện chị T. đang được cách ly chặt chẽ theo quy định.

 Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hành khách đi về từ vùng dịch. Ảnh: Ngọc Tú

Tại Malaysia đến sáng 18/3 đã có 790 ca nhiễm Covid-19, trở thành ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á. Đất nước này đã áp đặt quy định, từ 18/3 người dân hạn chế đi lại trên toàn quốc đến cuối tháng 3 để phòng, chống dịch. Trong nhóm Cộng đồng người Việt ở Malaysia, nhiều người rủ nhau về quê tránh dịch.

“Được biết 18/3, Việt Nam bắt đầu thực hiện cách ly hành khách về từ ASEAN, nên chúng tôi tranh thủ về trước khi bị cách ly. Tuy không bị cách ly tập trung, tôi cũng sẽ tự cách ly tại nhà” – một hành khách trở về từ Malaysia cho biết.

Được biết, mỗi ngày, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nói riêng và các cửa khẩu quốc tế khác có hàng chục chuyến bay trở về từ vùng có dịch. Hiện khâu kiểm dịch y tế đang được thắt chặt, chặn nguồn lây nhiễm ra cộng đồng.

Những ca trực xuyên đêm

Anh Đặng Đình Huân - cán bộ khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vừa chốt lại danh sách số người xét nghiệm, số người phải cách ly của chuyến bay thì loa thông báo Chuyến bay BR 379 từ Đài Loan về sắp hạ cánh. Tất cả lại sẵn sàng vào việc, từ kiểm soát bước 1 ngay khi xuống sân bay là kiểm tra tờ khai y tế.

Từ ngày 15/3, Hà Nội triển khai lấy mẫu xét nghiệm và cách ly đối với những hành khách đi về từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Anh và các nước châu Âu. Bắt đầu lúc 0 giờ ngày 18/3, ngoài những nước trên thì những trường hợp đến từ Mỹ và ASEAN đều phải xét nghiệm sàng lọc Covid-19 và cách ly y tế.

Theo ghi chép của anh Huân, từ 7 giờ sáng ngày 16/3 đến 7 giờ ngày 17/3, ca trực đã lấy 587 mẫu xét nghiệm Covid-19. Mọi qui trình đều thực hiện rất nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh nhưng được bố trí khoa học, hợp lý, tạo thuận tiện kho hành khách.

Theo đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các lực lượng công an, hải quan và y tế được huy động gấp 3 lần so với ngày thường để kiểm soát, hướng dẫn, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả những hành khách đi/đến/ở các quốc gia hoặc vùng có dịch về. Ngay ngày đầu tiên triển khai hôm 15/3, đã có trên 680 người được lấy mẫu, tính đến 20 giờ đêm có thêm 700 mẫu nữa.

Cũng trong ngày, Cảng đã phát 500 suất ăn cho các hành khách phải chờ đợi tại sân bay. Cảng cũng đã dự phòng 10.000 khẩu trang để sẵn sàng phát cho hành khách chưa có. Đối với những hành khách cố tình không đeo sẽ không được vào nhà ga.

Đối với cán bộ khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, những ngày qua phải căng mình trực dịch, nhiều bữa không kịp ăn trưa, ăn tối, trực xuyên đêm vì hành khách nhập cảnh quá nhiều. “Ca trực ngày 15/3, chúng tôi trực từ 14 giờ chiều hôm nay đến 2 giờ sáng hôm sau, tất cả quay cuồng với công việc, không ai dám ăn tối, vì mỗi lần mở trang phục ra ăn lại mất một bộ quần áo, nhiều khi phải nhịn cả đi vệ sinh" – một nhân viên y tế cho biết.

Phải chiến thắng dịch bệnh

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn, số lượng người từ châu Âu hoặc những vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam tăng đột biến trong những ngày qua. Đặc biệt từ 0 giờ ngày 18/3, ngoài các nước đã được qui định trước đó, 100% hành khách về từ Mỹ và ASEAN đều phải xét nghiệm và cách ly. Khối lượng công việc lớn, áp lực cao, ngành Y tế Hà Nội đã huy động tối đa lực lượng ứng trực tại sân bay.

 Phó Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế  Nguyễn Tiến Hòa đang trao đổi thông tin về quy chế phối hợp chống dịch tại sân bay quốc tế Nội Bài với phóng viên Kinh tế & Đô thị

“Lúc đầu, do số lượng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam được yêu cầu lấy mẫu còn ít nên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã cử 5 đội phản ứng nhanh chia làm 2 kíp thường trực lấy mẫu (1 kíp trực ban ngày từ 7 giờ đến 19 giờ và 1 kíp trực ban đêm từ 19 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau). Tuy nhiên, do số lượng hành khách nhập cảnh tăng cao, Trung tâm đã huy động tất cả các đội phản ứng nhanh của 30 TTYT quận, huyện tham gia hỗ trợ” – ông Tuấn nói.

Anh Nguyễn Văn Hảo – đội cơ động của TTYT huyện Đông Anh cùng đồng nghiệp của mình nhận được lệnh điều động lên sân bay Nội Bài hỗ trợ kiểm dịch. Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, anh Hảo cho biết, đợt dịch này, không chỉ ngành y tế vất vả, mà cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Với cán bộ, nhân viên ngành y, khi đã khoác tấm áo blouse trắng, là xác định tất cả vì sức khỏe người dân, vì nhiệm vụ chung. Đợt dịch này, có thể phải hi sinh nhiều thứ, nhưng phải chiến thắng dịch bệnh thì mới có được những ngày bình yên.

Có một số hành khách lo ngại về nguy cơ lây nhiễm chéo trong thời gian chờ lấy mẫu xét nghiệm, theo ông Khổng Minh Tuấn, toàn bộ khu vực ở sân bay đã được phun khử khuẩn, vệ sinh và lau chùi tất cả các bề mặt tiếp xúc để phòng dịch. Các hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang, xịt tay bằng dung dịch sát khuẩn và phải tuân thủ đúng theo quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế.

Số ca mắc Covid-19 trên thế giới cũng như Việt Nam ngày càng tăng, cuộc chiến chống dịch chưa biết đến bao giờ mới dừng lại. Sự vất vả, hi sinh chống dịch của những chiến sĩ áo trắng nơi cửa ngõ Thủ đô vẫn còn tiếp diễn. Sẽ là những đêm dài không ngủ, sẽ là những áp lực vô cùng lớn cùng nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng họ không lùi bước, “phải chiến thắng được dịch bệnh, chúng tôi mới thở phào” – đó là tâm sự của Phó Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế Nguyễn Tiến Hòa, người đã 19 năm “gác gôn” chống dịch ở cửa khẩu Nội Bài. Đây cũng là mệnh lệnh, là hành động của những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm lặng thầm, chặn nguồn lây dịch bệnh cho Thủ đô.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/nhung-nguoi-gac-gon-chan-dich-noi-cua-ngo-thu-do-378200.html