Nỗi niềm của làng nghề nón Chuông

04/10/2020 17:33

Kinhte&Xahoi Nón Làng Chuông hiện là một trong những địa chỉ du lịch làng nghề nổi bật tại Hà Nội với sản phẩm du lịch đặc trưng là nón lá.

Nghệ nhân Lê Văn Tuy với sản phẩm nón Làng Chuông.

Tuy nhiên, cũng như thực trạng tại nhiều làng nghề khác, du lịch nón Làng Chuông đa phần phát triển theo hình thức tự phát, nhỏ lẻ, thiếu liên kết dẫn đến hiệu quả du lịch thấp. 

 Du lịch mới chỉ “manh mún”

Hiện nay, tại Làng Chuông (xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội) có 2 người được công nhận là nghệ nhân làm nón Chuông là nghệ nhân Lê Văn Tuy và nghệ nhân Tạ Thu Hương. Căn nhà của nghệ nhân Lê Văn Tuy cũng là nơi thường xuyên đón tiếp các đoàn khách du lịch về tham quan, trải nghiệm làm nón. Tuy nhiên, các hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch còn đơn điệu, thiếu sáng tạo. 

Theo nghệ nhân Tuy, các hoạt động du lịch trải nghiệm tại Làng Chuông hiện nay bao gồm tham quan các đình, chùa tại làng, nhất là trải nghiệm sinh hoạt trong không gian nhà cổ. Cùng với tham quan, khách du lịch được các nghệ nhân giới thiệu về lịch sử Làng Chuông cũng như được trải nghiệm trực tiếp cách làm nón.

Khách du lịch có thời gian trải nghiệm tùy theo nhu cầu đặt hàng, chẳng hạn, với trải nghiệm làm hoàn chỉnh một chiếc nón sẽ mất khoảng 90 phút. Tuy nhiên, cũng sẽ có những đoàn khách đăng ký trải nghiệm nhiều ngày, cùng ăn uống và sinh hoạt như người bản địa. Các hoạt động này sẽ chỉ thu hút đối với một bộ phận học sinh và du khách nước ngoài lần đầu tiên được trải nghiệm. Nhưng với khách du lịch trong nước hoặc khách thường xuyên đi du lịch thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm hấp dẫn. 

Mặt khác, các sản phẩm du lịch tại làng hiện nay còn rất hạn chế. Chẳng hạn, sản phẩm nón lá Làng Chuông là một trong những sản phẩm làng nghề nổi bật, nhất là tại các hội chợ giao lưu sản phẩm làng nghề trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi đưa vào du lịch tại làng, đây cũng là sản phẩm độc nhất và hầu như không có các sản phẩm phụ trợ liên quan, bởi vậy sức mua của khách không cao, hiệu quả từ du lịch thấp.

Các yếu tố như ẩm thực, trang phục, phong tục tại vùng hầu như chưa có điểm nhấn. Riêng về ẩm thực, các món ăn được đưa ra giới thiệu hiện nay vẫn chỉ là những món ăn phổ biến ở nhiều địa phương như chè vối, kẹo lạc,… chưa có món nào gắn với thương hiệu làng Nón để hút khách. 

Căn nhà nơi nghệ nhân Tuy đón tiếp khách du lịch.

 Nhưng do không có tính liên kết với nhau, phần lớn các gia đình đều đón khách tự phát, quy mô nhỏ, vì vậy, nhìn chung trải nghiệm du lịch còn rời rạc. Khi muốn liên hệ tham quan trải nghiệm tại làng nghề, khách du lịch sẽ phải liên hệ với tất cả những địa chỉ mà họ muốn trải nghiệm và đưa ra từng yêu cầu chứ chưa có bất cứ chương trình du lịch cụ thể nào dành cho khách. 

“Khách du lịch đến đây trải nghiệm làm nón, sau đó nghe họ nói sẽ tiếp tục trải nghiệm làm lồng chim thì mình cũng chỉ biết thế chứ không rõ bên đó hoạt động như thế nào”, nghệ nhân Tuy cho biết.

Điều mà những nghệ nhân trong vùng trăn trở đối với phát triển du lịch làng nghề hiện nay là thiếu tổ chức đứng ra để liên kết hoạt động giữa các làng nghề trong vùng tạo thành 1 chuỗi du lịch trải nghiệm có hệ thống. Hiện nay, xã Phương Trung đang tập trung rất nhiều làng nghề với các sản phẩm đặc trưng như nghề làm nón, làm quạt, làm lồng chim,…

Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý cụ thể để hướng du lịch gắn với phát triển làng nghề cũng là điều mà các nghệ nhân lưu tâm khi phát triển du lịch. 

“Bây giờ du lịch mới chỉ ở mức manh mún, thu nhập không cao, tuy nhiên cũng có cái gọi là nguồn động viên các bác ở làng nghề. Cũng là vạn sự khởi đầu nan nên hiện tại du lịch theo yêu cầu của khách ra sao thì đáp ứng như thế. Bây giờ muốn thu hút khách thì phải thật hòa nhã thì họ mới về được. Chỉ khi đi vào quỹ đạo và có sự kết hợp với cơ quan pháp luật thì hoạt động du lịch mới trở nên chặt chẽ hơn, sẽ ra bối cảnh dễ hơn cho du lịch làng nghề”, nghệ nhân Tuy giãi bày.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất mà du lịch các làng nghề này đang gặp phải là thiếu nguồn khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và lo ngại về vấn đề quản lý, đảm bảo an toàn cho các bên tham gia du lịch. Trước thời điểm dịch Covid-19, mỗi tuần gia đình nghệ nhân Tuy đều đặn đón tiếp từ 1 – 2 đoàn khách du lịch, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế từ các nước. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, dù đã có đoàn du lịch liên hệ nhưng gia đình nghệ nhân vẫn chưa thể đón khách để đảm bảo an toàn trong mùa dịch.

Những khó khăn mà Làng Chuông đang gặp phải cũng là hiện trạng chung của nhiều làng nghề truyền thống hiện nay. Dù làng nghề là tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch, thế nhưng hoạt động du lịch tại các vùng này vẫn còn rất “chập chững”.

Thậm chí, chính cả những người nghệ nhân cũng chưa hiểu rõ được các yếu tố, loại hình du lịch, chưa nắm bắt được chủ trương, định hướng phát triển du lịch của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Ngay cả với những làng nghề được coi là làm tương đối tốt công tác du lịch như làng Lụa Vạn Phúc thì hoạt động trải nghiệm du lịch cũng đang thiếu đi tính hấp dẫn, lôi cuốn khách. 

 Lối kiến trúc không gian nhà cổ được đưa vào hoạt động du lịch trải nghiệm ở làng nghề.

Lý giải vì sao du lịch tại Làng Chuông thiếu sự liên kết và thiếu chương trình cụ thể như trước nay, ông Phạm Việt Hùng – Chủ tịch UBND xã Phương Trung cho biết, hiện nay địa phương đang thiếu không gian để giới thiệu, quảng bá, phát triển sản phẩm. Mặt khác, để liên kết các cơ sở, hộ gia đình làng nghề hiện nay thì vẫn phải đợi cơ chế, chính sách từ nhà nước, phải có mặt bằng và nhà đầu tư vào thì du lịch làng nghề mới có thể “khởi sắc”.

Chờ đợi cơ chế, chính sách

“Để đầu tư đầu vào liên quan đến đất đai hiện nay cần rất nhiều kinh phí, hơn nữa chưa có nhiều người dân lưu tâm vào lĩnh vực du lịch làng nghề này. Ở đây chỉ có độ khoảng chục người đầu tư buôn bán thôi, còn để quảng bá thì chưa phát triển”, ông Hùng cho hay.

Dù hiện tại, du lịch làng nghề chưa thật sự ấn tượng, tuy nhiên, chính thương hiệu sản phẩm vùng đã và đang gây dựng thương hiệu vững chắc trên thị trường, từ đó kéo thêm lượng khách du lịch đổ về mỗi năm. Thương hiệu nón Làng Chuông đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Nhiều khách “sành” sẽ biết tìm về làng Chuông để mua nón bởi nó mang nhiều nét đặc trưng không hòa lẫn. 

Về định hướng phát triển du lịch gắn với làng nghề, ông Hùng cho biết: “Chúng tôi đang có chủ trương xây dựng trong 1, 2 năm tới sẽ có cụm tiêu thụ công nghiệp sát với quốc lộ để thu hút nhiều lượt khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm làng nghề. Hiện nay, thành phố Hà Nội cũng đã có quyết định thành lập cụm công nghiệp tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Sau này chúng tôi sẽ dành một khu vực riêng để quảng cáo và giới thiệu sản phẩm tạo bước đệm cho sự phát triển gắn du lịch với làng nghề để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi đang lấy mô hình lụa Vạn Phúc để xây dựng thương hiệu nón Chuông phát triển hơn”.

“Về quảng bá sản phẩm, chúng tôi đã xây dựng một trang web của xã vào đầu năm nay, trong thời gian tới sẽ đưa vào để quảng bá sản phẩm trên trang web”, ông Hùng cho biết.

Mỗi một năm, Làng Chuông vẫn có nguồn khách ổn định, khoảng độ hàng trăm lượt khách với nhiều đoàn học sinh, khách nước ngoài, đặc biệt là khách Hàn Quốc và Nhật Bản, một số nước Đông Âu về trải nghiệm tham quan làng nghề. Nhìn chung, với khởi điểm và những kế hoạch định hướng như hiện nay, du lịch được kỳ vọng sẽ mang lại cuộc sống ổn định hơn cho người dân làng nghề và góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trong thời hiện đại. 

“Tôi cũng mong muốn làm sao mà sau này ở đây du lịch phát triển, mình có thể tăng thêm thu nhập từ du lịch nữa thì không những mình mà kể cả bà con ở Làng Chuông cũng sẽ có nhiều thu nhập hơn”, nghệ nhân Tuy tâm sự.

Hà Trang - Pháp luật Plus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/noi-niem-cua-lang-nghe-non-chuong-d136869.html