"Nóng" đề xuất điện một giá: Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?

13/07/2020 11:25

Kinhte&Xahoi Theo chuyên gia, nếu áp dụng điện một giá sẽ có nhóm khách hàng được lợi và có nhóm chịu thiệt. Cụ thể, hộ dùng ít có thể phải chịu tiền điện cao hơn trước, còn dùng nhiều lại được giảm.

Đoàn kiểm tra của EVN có mặt tại một hộ dân có lượng điện tiêu thụ tăng mạnh. Ảnh: N.Mạnh

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đang đẩy nhanh việc hoàn thiện sửa biểu giá điện bậc thang. Bên cạnh phương án 5 bậc thang được trình, Bộ cũng tính thêm phương án một giá để người dân lựa chọn.

Theo đó, nếu được áp dụng sẽ có song song 2 biểu giá bán lẻ, người dân có thể chọn dùng điện đồng giá hoặc biểu luỹ tiến bậc thang. Tuy nhiên, nếu chọn một giá thì đương nhiên không thể thấp hơn giá điện bình quân hiện đang áp dụng là 1.864,44 đồng/kWh.

Trao đổi với toà soạn về phương án nêu trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá nói:

-Chủ trương áp dụng giá điện một giá bên cạnh giá điện bậc thang hiện hành có thể đáp ứng được đòi hỏi vừa qua của một số người.

Vì các ý kiến đó đều cho rằng một giá đơn giản, dễ áp dụng và dễ theo dõi, thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát, bình đẳng đối với tất cả các khách hàng cùng mua một loại hàng của cùng một nhà cung ứng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá. 

Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, một giá trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, cung không đủ cầu... sẽ khó tạo ra áp lực mạnh để thực hiện tốt chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm, hiệu quả và cũng sẽ không thực hiện được chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách theo quy định của Luật điện lực.

Đặc biệt là khi thực hiện một giá sẽ phải kéo các mức giá hiện ở các bậc thang có giá thấp hơn giá bình quân tăng lên bằng mức giá bình quân, đồng thời cũng phải kéo các mức giá có giá cao hơn giá bình quân xuống bằng mức giá bình quân.

Như vậy sẽ dẫn đến có nhóm khách hàng được lợi và có nhóm khách hàng không được lợi so với thực hiện giá bậc thang hiện hành, thưa ông?

-Cụ thể: khoảng 18,6 triệu hộ (chiếm 73,5% tổng số hộ dùng điện sinh hoạt), tiêu thụ 200kWh/tháng trở xuống (với sản lượng điện tiêu thụ chiếm 42,3% tổng lượng điện tiêu thụ) sẽ phải trả tiền điện tăng thêm từ 1,98-13% (từ 7.400 đồng - 19.000 đồng /hộ/tháng - giá chưa tính VAT) so với trả tiền điện theo giá bậc thang.

Ngược lại, có 6,75 triệu hộ còn lại (chiếm 26,6% tổng số hộ dùng điện, tiêu thụ 57,6% tổng sản lượng điện) sử dụng từ 201 kWh/ tháng trở lên sẽ được giảm tiền điện từ 0,8 - 28,79% (từ 56.500 đồng - 767.200 đồng trong dãy từ 201-1.000kWh/hộ/tháng).

Nếu không chọn phương án điện một giá thì theo ông giải pháp nào để xử lý câu chuyện “đến hẹn… hoá đơn tiền điện tăng vọt" khiến người dân vừa phát “nóng" vì thời tiết vừa phát “sốt” khi nhìn hoá đơn?

-Căn nguyên của nó là dùng ít thì hưởng giá ở bậc thấp đi liền với nó là trả tiền ít, dùng nhiều thì phải chịu giá cao hơn ở bậc cao để thực hiện chính sách khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm điện.

Nguyên tắc này thể hiện rõ nhất khi thời tiết bước vào mùa nắng nóng khi lượng điện tiêu thụ nhiều hơn tháng bình thường, loại trừ các vấn đề sai sót, ghi nhầm chỉ số công tơ. Lượng điện tiêu dùng tăng, trong lượng điện tiêu dùng đó chia ra: lượng điện tiêu dùng ở mỗi bậc chỉ được hưởng một định mức khống chế tính giá nhất định gắn với mức giá của mỗi bậc, bậc có giá thấp thì định mức tiêu dùng ít, bậc có định mức tiêu thụ cao hơn thì giá cao hơn và các bước nhảy về giá ở bậc cao chênh lệch khá lớn so với bậc thấp.

Do đó, càng dùng nhiều thì lượng điện càng bị chuyển tiếp lên bậc có giá cao hơn gắn liền với nó là tiền điện phải trả nhiều hơn là không tránh khỏi.

Ví dụ: Một hộ tiêu dùng 500kWh/tháng được tính toán như sau: 50kWh đầu tiên (bậc 1) được tính giá bằng 92% giá bình quân; 50kWh tiếp theo (bậc 2) bằng 95%; 100kWh tiếp theo (bậc 3) bằng 110%; 100kWh tiếp theo (bậc 4) bằng 138%; 100 kWh tiếp theo (bậc 5) bằng 154%; 100 kWh tiếp theo (bậc 6) bằng 159%.

Giải pháp cho vấn đề này, tôi nghĩ, ngoài những vấn đề về công nghệ, về quản lý, các giải pháp hạ giá thành điện, phát triển năng lượng sạch… thì cần cải tiến lại biểu giá điện và có cơ chế hiệu quả hơn nữa chính sách tiêu dùng điện tiết kiệm hợp lý và hiệu quả.

Vậy theo ông, biểu giá điện nên sửa theo phương án nào thì hợp lý?

-Tôi tán thành cải tiến đưa 6 bậc xuống 5 bậc, ưu điểm của nó là không làm tăng giá bình quân, đảm bảo cho khoảng 98,2% số hộ tiêu dùng điện có mức tiêu dùng dưới 700 kWh/tháng có mức giá điện không tăng, thậm chí có những bậc giá còn giảm.

Ví dụ bậc 1, bậc 2 hiện hành là 1.678 đồng và 1.734 đồng/kWh (giá chưa có VAT), nay gộp lại thành một bậc giá 1.549 đồng/kWh, bậc 3 hiện hành giá 2.014 đồng/kWh thành 1.858 đồng/kWh…

Mặt khác việc cải tiến đã phản ánh sát hơn thực tế sử dụng điện của các nhóm khách hàng sử dụng điện, ví dụ như hiện nay gần như không còn hộ dùng dưới 50 kWh ở bậc đầu tiên…

Tuy nhiên, tôi cho rằng biểu giá dự kiến vẫn cần xem xét thêm về hệ số lũy tiến, đặc biệt là bậc 2 so với bậc 1 tăng 1,2 lần, bậc 3 so với bậc 2 tăng 1,26 lần theo hướng giảm bớt thêm chênh lệch này để hạn chế tác động nhảy tiền lớn quá mức khi dùng điện nhiều.

Xin cám ơn ông về những chia sẻ này!

 Nguyễn Mạnh (ghi) - Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Link bài gốc https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nong-de-xuat-dien-mot-gia-ai-huong-loi-ai-chiu-thiet-20200713061703202.htm