Phố đi bộ Nha Trang làm phong phú sản phẩm phục vụ du lịch của tỉnh Khánh Hoà

13/05/2020 09:39

Kinhte&Xahoi Từ khi hình thành Phố đi bộ, thành phố Nha Trang đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến thăm quan và mua sắm, tạo điểm nhấn cho du lịch phố biển trong thời gian qua.

Du khách đang mua sắm tại Phố đi bộ Nha Trang. Ảnh tư liệu: baokhanhhoa.vn

Thực hiện đúng chủ trương

Phố đi bộ Nha Trang được hình thành từ năm 2010, theo chủ trương và kế hoạch của UBND tỉnh Khánh Hoà, do Trung tâm Dịch vụ Phố đi bộ Nha Trang (Phố đi bộ), trực thuộc của Công ty TNHH NN MTV Yến sào Khánh Hòa (Công ty Yến sào Khánh Hòa) thực hiện với mục đích giới thiệu các sản phẩm du lịch địa phương nhằm góp phần phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh nhà.

Cụ thể, theo Thông báo số 510-TB/TU, ngày 06/11/2009 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về việc triển khai Đề án Phố đi bộ trên địa bàn thành phố Nha Trang và các văn bản của UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND thành phố Nha Trang, Phố đi bộ Yến sào Khánh Hòa chính thức đưa vào hoạt động trước tết Nguyên Đán năm 2010.

Theo lãnh đạo Công ty Yến sào Khánh Hoà, khi mới triển khai thực hiện, Công ty vẫn chưa hình dung được Phố đi bộ sẽ hoạt động như thế nào, có hiệu quả hay không. Vì vậy, trong thời gian đầu, Công ty đã phải đi vận động từng chủ hộ kinh doanh tham gia vào bán hàng tại các ki-ốt trong khu vực Phố đi bộ để vận hành Phố đi bộ trước tết Âm lịch 2010. Phố đi bộ được xây dựng đúng chủ trương “về việc phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 Phố đi bộ, thành phố Nha Trang” của UBND TP. Nha Trang. Theo bản vẽ phối cảnh có 29 gian hàng, tuy nhiên Ban Giám đốc Phố đi bộ chỉ huy động được 25 hộ kinh doanh tham gia.

Để Phố đi bộ Nha Trang sầm uất và nhộn nhịp hơn, UBND thành phố Nha Trang cũng đã có Thông báo số 16/TB-UBND ngày 14/01/2010, Thông báo số 18/TB-UBND ngày 15/01/2010 và Thông báo số 54/TB-UBND ngày 03/02/2010 về việc mở rộng và sắp xếp, bố trí các quầy bán hàng rong kinh doanh dọc các đường Trần Phú, Hùng Vương, Biệt Thự, Nguyễn Thị Minh Khai thuộc phường Lộc Thọ... và các hộ tiểu thương thuộc diện giải tỏa khu vực Chợ Đầm vào Phố đi bộ để tạo khu Phố sầm uất và nhộn nhịp hơn. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ Phố đi bộ Nha Trang đã bổ sung thêm hơn 60 hộ vào kinh doanh tại Phố đi bộ dựa vào 3 Thông báo trên của UBND thành phố Nha Trang.

Năm 2012, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có thêm Thông báo số 266/TB-UBND ngày 30/07/2012 về việc giải quyết bố trí ki-ốt bán hàng cho 21 hộ dân diện giải tỏa tại khu vực Hòn Chồng, thành phố Nha Trang. Theo Kết luận của UBND Tỉnh Khánh Hoà, Trung tâm Dịch Vụ Phố đi bộ Nha Trang cũng đã sắp xếp thêm 21 hộ kinh doanh tại Hòn Chồng, thành phố Nha Trang đang thuộc diện giải tỏa vào hoạt động tại Phố đi bộ.

Đến nay, đã có hơn 100 gian hàng giới thiệu các dòng sản phẩm yến sào đảo thiên nhiên của Công ty Yến sào Khánh Hòa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí, trang sức, lưu niệm và đặc sản của vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa. Đây là nỗ lực lớn của công ty. Như vậy, việc hình thành và xây dựng, vận hành Phố đi bộ là thực hiện theo chủ trương của cơ quan có thẩm quyền và việc bố trí hơn 100 hộ kinh doanh tại đây là thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an toàn

Từ khi Phố đi bộ đi vào hoạt động, địa phương đã khai thác thêm một mô hình kinh doanh du lịch mới góp phần làm phong phú hoạt động du lịch tại Khánh Hòa. Phố đi bộ là nét đẹp văn hóa đặc trưng, tạo không gian đi bộ, thư giãn của người dân địa phương và du khách. Phố đi bộ Nha Trang cũng đã góp phần làm phong phú sản phẩm phục vụ du lịch tại địa phương và giải quyết công ăn việc làm của các hộ kinh doanh bị giải tỏa trong tỉnh Khánh Hoà. Công ty đã ký hợp đồng cho thuê các ki-ốt trên Khu phố với giá thuê mặt bằng dao động từ 1.950.000đ - 4.500.000đ/tháng, tùy theo kích cỡ của các lô, sạp.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, công trình Dự án Panorama của Công ty Vịnh Nha Trang được hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng ngay sát Phố đi bộ. Lãnh đạo Công ty cho biết, Công ty Yến sào Khánh Hòa và Công ty Vịnh Nha Trang đã bàn bạc việc tháo gỡ một số ki-ốt thuộc Phố đi bộ nhằm tạo hành lang thông thoáng. Theo đó, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã thống nhất thu hẹp diện tích tất cả các gian hàng hiện tại để bố trí lại cho 16 gian hàng bị giải tỏa và tạo lối đi thông thoáng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy cho dự án Panorama; đồng thời Công ty Vịnh Nha Trang đồng ý chi trả một phần chi phí thực hiện kế hoạch này. Cuối tháng 3/2020, hai bên đã giải quyết xong, giúp công tác vận hành Tòa nhà Panorama đảm bảo an toàn

Theo công văn số 85 và 86 của Công ty Vịnh Nha Trang gửi UBND tỉnh Khánh Hoà và báo chí ngày 8/4/2020 mới đây, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vịnh Nha Trang Đoàn Thị Bích Hảo cho biết, với sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình, thấu đáo từ phía UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND Thành phố Nha Trang cùng các Sở, Ban, Ngành có liên quan, mọi vướng mắc về công tác giải toả ki-ốt và đã được hai bên giải quyết ổn thỏa, đảm bảo an toàn cho công tác vận hành Tòa nhà Panorama đúng kế hoạch.

*Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Theo TTXVN/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/pho-di-bo-nha-trang-lam-phong-phu-san-pham-phuc-vu-du-lich-cua-tinh-khanh-hoa-d124302.html