Quảng bá du lịch Hà Nội qua ''đặc sản'' quà tặng

23/04/2022 08:09

Kinhte&Xahoi Nhằm dần phục hồi hoạt động du lịch Thủ đô sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và hướng tới Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Lễ hội quà tặng Hà Nội năm 2022 từ ngày 29-4 đến 1-5. Đây là dịp để Hà Nội quảng bá du lịch và giới thiệu “đặc sản” quà tặng do các nghệ nhân, làng nghề của Thủ đô thực hiện.

Du khách lựa chọn các sản phẩm của Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều sản phẩm mới

Theo Sở Du lịch Hà Nội - đơn vị được thành phố Hà Nội giao chủ trì thực hiện Lễ hội quà tặng Hà Nội năm 2022. Lễ hội sẽ có khoảng 100 gian hàng ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, tượng đài Lý Thái Tổ, nhà Bát Giác, tuyến đường Lê Thạch - Lê Lai, Cung thiếu nhi Hà Nội (quận Hoàn Kiếm).

Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đã nhận được xác nhận tham gia của nhiều nghệ nhân, cơ sở sản xuất tại các làng nghề nổi tiếng, như: Nón làng Chuông (huyện Thanh Oai); chuồn chuồn tre Thạch Xá, quạt giấy Chàng Sơn (huyện Thạch Thất); tò he (huyện Phú Xuyên); lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín)…

Là một trong những nghệ nhân tham gia lễ hội quà tặng lần này, chị Tạ Thị Hương, nghệ nhân làm nón làng Chuông cho biết, cơ sở sản xuất của chị đã chuẩn bị những bộ nón quai thao, nón truyền thống với nhiều mẫu mã, kích thước, kiểu dáng để trang trí, trưng bày tại gian hàng. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất của chị chuẩn bị hơn 200 chiếc nón nhỏ để du khách có thể mua làm quà tặng. “Những chiếc nón sẽ mang dấu ấn của Hà Nội, như: Nón vẽ các biểu tượng của Thủ đô, nón được làm trên chất liệu lụa Hà Đông. Ngoài ra, tôi chuẩn bị bộ sản phẩm mới vẽ biểu tượng non sông đất nước trên chiếc nón lá truyền thống để tham gia cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm trong khuôn khổ lễ hội”, chị Tạ Thị Hương chia sẻ.

Còn nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, thuộc cơ sở sản xuất lụa Hà Đông cho hay, cơ sở của chị sẽ giới thiệu tới người dân và du khách 3 mẫu thiết kế trên chất liệu lụa tơ tằm truyền thống của Vạn Phúc. Các sản phẩm quà tặng chủ yếu là khăn quàng, nhưng được sáng tạo trên nền vải lụa trơn, lụa in hình chữ "vạn" với nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau. “Chúng tôi mong muốn, việc trưng bày các sản phẩm quà tặng từ lụa Vạn Phúc sẽ giúp du khách phân biệt được lụa Hà Đông với lụa của các địa phương khác”, chị Nguyễn Thị Tâm thông tin.

Trong khi đó, dù đang tất bật với nhiều đơn hàng xuất đi nước ngoài vừa mới được khơi thông trở lại sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, nghệ nhân Dương Văn Đoàn ở làng nghề làm quạt giấy Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) hào hứng cho biết, đã chuẩn bị những chiếc quạt cỡ lớn 2-3m để trưng bày tại lễ hội. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất của anh cũng chuẩn bị những chiếc quạt nhỏ, vừa phong phú về kiểu dáng, vừa tiện ích khi sử dụng.

Các sản phẩm truyền thống của làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) sẽ tham gia Lễ hội quà tặng Hà Nội năm 2022. Ảnh: Nguyễn Quang

Quảng bá điểm đến Hà Nội

Không chỉ là dịp để Hà Nội quảng bá du lịch, Lễ hội quà tặng Hà Nội năm 2022 tổ chức vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 còn nhằm tạo điểm vui chơi hấp dẫn, thu hút du khách đến Hà Nội cũng như chào đón SEA Games 31. Vì thế, Ban Tổ chức sẽ tạo thêm nhiều không gian sáng tạo, vui chơi, giải trí cho du khách, gồm: Những điểm chụp ảnh “check-in” với mô hình di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; không gian sắp đặt hoa loa kèn - loài hoa tháng 4 đặc trưng của Hà Nội.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, lễ hội có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, như: Biểu diễn đường phố; không gian văn hóa làng nghề; không gian du lịch ảo; không gian của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; không gian của sản phẩm doanh nghiệp trẻ sáng tạo; không gian “Chợ xưa phố cũ”; khu trưng bày triển lãm ảnh đẹp du lịch Hà Nội; các trò chơi tìm hiểu về Hà Nội...

Tại lễ hội này, nhiều sản phẩm du lịch mới của Hà Nội sẽ được giới thiệu tới du khách, góp phần quảng bá, nâng cao chất lượng điểm đến của Thủ đô. Theo Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) Nguyễn Thị Yến, đơn vị sẽ mở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, công ty sẽ phối hợp với UBND xã Bát Tràng khai trương tour xe đạp khám phá Bát Tràng với nhiều trải nghiệm mới mẻ, khởi hành từ Nhà hát Lớn Hà Nội và dự định giới thiệu tới du khách quốc tế dịp SEA Games 31. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh du lịch sẽ tặng phiếu giảm giá (voucher), combo dịch vụ giảm giá ưu đãi tới khách tham quan...

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Lễ hội quà tặng Hà Nội năm 2022 là dịp để các làng nghề làm mới thiết kế mẫu mã sản phẩm. Vì thế, tại lễ hội này, Sở Du lịch sẽ tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu quà tặng, mẫu bao bì để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm. Các sản phẩm quà tặng sẽ thiên về nhỏ gọn, tinh tế, mẫu mã đẹp và sẽ gắn với biểu tượng các điểm đến của Hà Nội, như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm… để quảng bá du lịch Thủ đô.

 Hoàng Lân - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mớihttps://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/1030085/quang-ba-du-lich-ha-noi-qua-dac-san-qua-tang