Trong những ngày qua, mưa lũ đã nhấn chìm cả trăm ngàn căn nhà tại Quảng Bình, đặc biệt tại huyện Lệ Thủy, lũ đã vượt mốc lịch sử năm 1979.
Khắp các vùng quê, nước ngập đến mái nhà, người dân đã phải dỡ mái ngói chui ra ngoài gọi cứu trợ. Lực lượng chức năng và nhiều người dân có thuyền, bè tại Quảng Bình đã nỗ lực di dời hàng chục ngàn hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm.
Vùng rốn lũ Tân Hóa chìm sâu trong nước, không còn thấy nóc nhà. Chỉ còn thấy những ngôi nhà phao bé nhỏ nổi trên mặt nước.
Thế nhưng điều đó hiện không xảy ra tại vùng rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Mặc dù trận lũ những ngày qua đã vượt mốc lũ lịch sử năm 2010 tại địa phương này, hàng trăm căn nhà ngập sâu, thậm chí chìm hẳn trong nước, thế nhưng bà con nơi đây không phải di dời nhờ vào những căn nhà phao chống lũ.
Các hộ dân không phải di dời mà lên các nhà phao để tránh lũ một cách an toàn.
Trao đổi với Dân trí, ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết, trận lũ đã gây ngập 706 căn nhà tại địa phương, đặc biệt tại thôn 3 và 4, nhiều điểm đã ngập sâu khoảng 8m, nhấn chìm hoàn toàn nhiều căn nhà dưới nước. Nhờ có gần 540 nhà phao tránh lũ, người dân địa phương vẫn an toàn trước cơn "đại hồng thủy".
Những căn nhà phao giúp người dân Tân Hóa an toàn trong lũ.
Theo người dân địa phương, cách đây hơn 10 năm, cứ đến mùa lũ, người dân xã Tân Hóa phải lên núi dựng lều, căng bạt chạy lũ, tài sản xe máy, tivi, tủ lạnh, heo gà, trâu bò vận chuyển không kịp đều bị cuốn theo dòng nước bạc.
“Cái khó ló cái khôn”, sau trận lũ lịch sử 2010, người dân xã Tân Hóa đã có sáng kiến làm nhà phao để “sống chung với lũ.” Nhà phao được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại. Khi nước dâng cao, nhờ các thùng phuy rỗng này mà nhà nổi theo nước.
Nước lên đến đâu, nhà phao nổi đến đó.
Để làm một căn nhà nổi rộng chừng 15-20m2, bà con đầu tư khoảng 30 đến 35 triệu đồng. Khi nước lũ về, đây là nơi cư trú cho cả gia đình từ 8 đến 10 người và còn chứa thêm được các vật dụng thiết yếu và các tài sản quý như tivi, xe máy, lương thực...
Để giữ thăng bằng và cố định vị trí nổi cho cả ngôi nhà, người dân sáng tạo thêm hai cột định vị gắn vào hai góc nhà...
Nhờ có nhà nổi, cuộc sống người dân bớt khốn khó và cơ cực hơn trong những ngày mưa lũ.
Trong mưa lũ trắng trời nhưng nhờ có nhà nổi mà cuộc sống của người dân nơi đây vẫn khá an toàn, vững chãi. Trên những ngôi nhà phao, bếp lửa vẫn đỏ cho 3 bữa cơm hàng ngày của các gia đình. Từ nhà phao này đến nhà phao khác, bà con có thể đi lại bằng thuyền nhỏ để trao đổi công việc khi cần thiết.
Hiện lũ tại Tân Hóa bắt đầu rút dần.
Nhiều hộ kinh doanh ở Tân Hóa cũng đã làm nhà phao để phục vụ cho những người có nhu cầu trong những ngày mưa lũ.
Nhiều hộ dân tại Tân Hóa còn sắm thuyền để di chuyển trong mưa lũ.
Về tình hình mưa lũ tại Quảng Bình, địa phương này có hơn 109 ngàn nhà bị ngập trong nước, nặng nhất vẫn là 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Lũ lụt cũng đã khiến 9 người chết, 29 người bị thương.
Một số hình ảnh nhà phao chống lũ của người dân Tân Hóa:
Tiến Thành - Theo Dân Trí