Quốc hội bước vào tuần làm việc cuối Kỳ họp thứ 7: Quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

10/06/2019 09:06

Kinhte&Xahoi Hôm nay (10/6), Kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XIV bước vào tuần làm việc thứ 4, cũng là tuần làm việc cuối cùng tại kỳ họp.

Trong tuần làm việc từ ngày 10 đến 14/6, QH sẽ biểu quyết thông qua 7 Luật cùng một số nghị quyết quan trọng.

Trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp, QH sẽ biểu quyết thông qua 7 Luật, bao gồm Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. 

Trong số đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thu hút sự chú ý của dư luận và còn có ý kiến trái chiều. Trước đó, tại phiên họp chiều 3/6, QH đã lấy ý kiến về 3 nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Tuần làm việc cuối của Kỳ họp thứ 7 diễn ra từ ngày 10-14/6.

Trong số 3 nội dung được đưa ra lấy ý kiến tại phiên họp, chỉ có quy định về khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình nhận được sự ủng hộ của hơn 50% các ĐB để đưa vào dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến của các ĐB, dự thảo Luật quy định khung thời gian không được quảng cáo từ 18h00 đến 21h00 hàng ngày, ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.

Còn lại, 2 nội dung khác cũng được đưa ra lấy ý kiến các ĐB nhưng không nhận được sự thống nhất cao là quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông và quy định về hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ.
 
Với quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông, có 2 phương án được đưa ra lấy ý kiến ĐB. Phương án 1 đề xuất quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn còn phương án 2 đề nghị cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt quá quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Tuy nhiên, kết quả biểu quyết cho thấy cả 2 phương án đều chưa được quá 50% tổng số ĐB tán thành, đồng nghĩa với việc quy định này sẽ chưa được ghi vào dự thảo Luật trình QH thông qua.

Nói thêm về dự thảo Luật trên tại phiên chất vấn của QH ngày 4/6, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc xin ý kiến các ĐB trước khi thông qua dự thảo Luật là do quá trình thảo luận trước đó nhiều ĐB đề xuất tăng chế tài trước tình trạng tài xế sử dụng rượu, bia và cũng là để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật chứ không phải biểu quyết thông qua Luật.

Bà Ngân cũng khẳng định pháp luật hiện đã quy định đầy đủ về việc nghiêm cấm hành vi uống rượu, bia; sử dụng phương tiện giao thông, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn… “Do vậy, không phải không bổ sung quy định trên vào Luật thì chúng ta không có chế tài xử lý”, bà Ngân nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo dự kiến Chương trình, trong tuần làm việc cuối cùng này, QH sẽ thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về Chương trình giám sát của QH năm 2020; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể…  

Ngoài ra, QH cũng sẽ thảo luận tại hội trường về nhiều dự án Luật quan trọng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)… 

 Theo Pháp luật Plus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…