Quyết tâm của Đảng trong chống 'chạy chức, chạy quyền': Phải tránh 'bí mật, bí hiểm' trong đánh giá cán bộ

09/10/2019 10:04

Kinhte&Xahoi Một trong những nguyên nhân khiến công tác bổ nhiệm cán bộ đi chệch hướng, trái với nguyên tắc và quy định của Đảng là do một số người đứng đầu đã cất nhắc, đề bạt những người thân quen, “cánh hẩu” theo quan điểm cá nhân, vì mục đích trục lợi nhưng lại lấy tập thể, cấp ủy làm bình phong...

Ông Lưu Bình Nhưỡng: “Chúng ta đừng nên quá bí mật và bí hiểm trong khâu đánh giá cán bộ”

Tiêu chuẩn cán bộ phải rất rõ ràng

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiểm soát công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ là kiểm soát hành vi các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc bổ nhiệm, đề bạt người có vị trí lãnh đạo, chứ không phải là cán bộ thông thường; đó là những người có khả năng liên quan đến tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật…

Do vậy, muốn công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ đi vào thực chất, trước hết phải tiêu chuẩn hóa cán bộ, mà tiêu chuẩn hóa cán bộ phải rất rõ ràng, từ phẩm chất đạo đức, chính trị đến chuyên môn, nghiệp vụ...

Cùng với đó, thông tin về nhân sự thuộc diện được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển phải được công khai rộng rãi, minh bạch cho cơ quan có thẩm quyền cũng như những người có trách nhiệm và nhân dân được đánh giá.

Để có đủ cơ sở bổ nhiệm cán bộ, Đảng phải lấy đầy đủ thông tin từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, báo chí, Mặt trận Tổ quốc... Khi ấy việc xây dựng con người mới thực sự toàn diện; tỷ lệ sai phạm sau này cũng sẽ thấp hơn, bởi những nhân sự này đã được lựa chọn kỹ lưỡng từ trước đó. 

“Chúng ta đừng nên quá bí mật và bí hiểm trong khâu đánh giá cán bộ. Từ trước tới nay có người thường lợi dụng câu chuyện bí mật, từ đó dẫn đến chỗ không đủ thông tin để xử lý và cũng lấp liếm được những sai phạm của cán bộ đưa ra đề bạt, bổ nhiệm. Vậy thì bây giờ phải làm công khai. Đừng để đến khi bổ nhiệm xong, lòi ra sai phạm mới cho rằng không đủ thông tin, không có ai phản ánh. Người ta biết anh bổ nhiệm lúc nào mà phản ánh?”, ông Nhưỡng nêu vấn đề.

Cần công khai quy hoạch để giám sát

Nêu quan điểm về vấn đề bầu cử trong Đảng tại hội thảo khoa học đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới diễn ra mới đây, PGS.TS. Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề xuất giải pháp cung cấp cho đảng viên những thông tin cần thiết về nhân sự của đại hội, tránh tình trạng râm ran tin đồn.

PGS.TS. Ông Lê Minh Thông

Theo ông Thông, nếu quy hoạch mà chỉ cấp ủy biết, không công bố cho đảng viên thì đảng viên không thể kiểm soát được nhân sự sẽ đại diện cho mình là người như thế nào. 

“Cần công khai quy hoạch trước đại hội. Ví dụ chúng ta quy hoạch hơn 200 nhân sự vào diện Uỷ viên Trung ương khóa XIII, 200 người đó phải được công khai để đảng viên biết và giám sát họ. Bộ Chính trị vừa có Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn “chạy chức, chạy quyền”. Do đó, đảng viên muốn kiểm soát được thì phải biết thông tin, chứ không biết thì sao kiểm soát được”, ông Thông nói.

Khắc phục những tồn tại trên, Bộ Chính trị đã đề ra một loạt quy định và yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc.

Cụ thể, “phải công khai, minh bạch các nội dung về công tác cán bộ cho các đối tượng có liên quan theo quy định”; phải “triệu tập đầy đủ, đúng thành phần theo quy định khi họp bàn về công tác cán bộ; dành thời gian thỏa đáng để tập thể thảo luận thật sự dân chủ; không được có biểu hiện vận động, tranh thủ, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình...” (Điều 5 Quy định 205/QĐ-TW). 

Những quy định trên nhằm đảm bảo cho các ý kiến liên quan đến cán bộ hoặc dư luận liên quan đến cán bộ phải được “thảo luận thật sự dân chủ”, tránh trường hợp thao túng, bao che cho nhau. 

Như vậy, việc công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nếu làm tốt thì không chỉ đề phòng được trường hợp người đứng đầu hoặc nhóm người có thẩm quyền thực hiện được ý đồ cá nhân; mà còn tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân nắm được thông tin để giám sát xem đối tượng đó có xứng đáng, đủ tiêu chuẩn để đưa vào diện đề bạt, bổ nhiệm hay không, từ đó kiểm soát được hiệu quả tình trạng “chạy chức, chạy quyền”. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sông Hàn đang bị... bức tử?

Dự án Marina Complex do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hợp tác đầu tư đang gây lo ngại sẽ tạo nên hệ lụy… do lấn sông Hàn

Ô nhiễm không khí gây những bệnh nguy hiểm nào?

Các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Bên cạnh đó, bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về phổi, tim, hen suyễn…

Nguồn: Pháp luật Plus