Rưng rưng những bản hùng ca về Hà Nội

10/10/2021 07:36

Kinhte&Xahoi Hà Nội từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong âm nhạc Việt Nam. Dù mỗi nhạc sĩ viết về Hà Nội mang cái tình chung hay riêng, trong quá khứ hay hiện tại thì chất chứa trong đó đều là những cảm xúc mạnh mẽ, chân thật và nồng nàn. Hà Nội qua những giai điệu bỗng trở nên rất đỗi quen thuộc, hào hoa, thân thương đến kỳ lạ...

Hà Nội luôn là niềm cảm hứng bất tận của các nhạc sĩ.

Còn mãi những khúc ca khải hoàn

Trong số rất nhiều ca khúc viết về Hà Nội thì Tiến về Hà Nội (1949) của cố nhạc sĩ Văn Cao được xem là ca khúc kỳ lạ nhất viết về ngày Giải phóng Thủ đô. Một dự báo không có gì tuyệt vời hơn, bởi ca khúc ra đời vào 5 năm trước khi Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. 72 năm trôi qua, những ước mơ, tưởng tượng của cố nhạc sĩ Văn Cao về một ngày đất nước hòa bình độc lập đã trở thành hiện thực.

Tháng 10/1954, Hà Nội lần lượt đón từng đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản. Hình ảnh những đoàn quân đi giữa cờ hoa, giữa sự trào đón nồng nhiệt của người dân thủ đô không khác gì nhạc sĩ Văn Cao đã viết: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”. Có lẽ vì thế mà trong suốt chiều dài chiến đấu giành chiến thắng của Hà Nội hay mỗi dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô, ca khúc Tiến về Hà Nội lại ngân vang tự hào.

Hình ảnh các đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô năm 1954.

Trước Tiến về Hà Nội, ca khúc Người Hà Nội của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi lại là một trong những dấu mốc mở đầu cho dòng ca khúc về Hà Nội ở thời kỳ kháng chiến. Câu chuyện về sự ra đời của ca khúc Người Hà Nội từng được cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi chia sẻ như sau: tối ngày 19/12/1946, ông cùng đồng chí Trần Huy Liệu nhận được lệnh rời Hà Nội về ở trong một ngôi nhà ven sông Nhuệ. Lúc này Hà Nội sau lưng đang chìm trong khói lửa của ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Bên cây đàn piano cũ, hình ảnh Hà Nội trở nên sống động nhưng kiên cường trong khói lửa, hình ảnh người Hà Nội chiến đấu để bảo vệ từng ngôi nhà, góc phố đã trở thành câu hát “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội ầm ầm rung…”. Ngay lúc đó, những tứ nhạc và ca từ cứ thế tuôn trào trên phím đàn của người nhạc sĩ đa tài.

Sau khi viết xong Người Hà Nội, Nguyễn Đình Thi đã tìm gặp nhà báo Thép Mới, ông vừa đệm đàn vừa hát cho Thép Mới nghe. Bài hát được đăng trên báo Cứu quốc Tết 1947 và sau đó phổ biến rộng rãi. Chính tác giả cũng không giấu được sự xúc động và niềm tự hào khi biết rằng, ca khúc của ông đã hun đúc thêm ý chí quyết chiến quyết thắng, củng cố thêm sức mạnh tinh thần cho quân và dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng hòa bình.

“Tôi rất vui khi hay tin trên các chiến lũy ác liệt, ca khúc đã được những người lính Trung đoàn Thủ đô hát vang, thúc giục họ tiến lên giữa “xác thù rơi dưới gót giày/ Ầm ầm tiếng súng vui thay, vang ngày mai sáng láng”…”, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi từng chia sẻ. Ca khúc Người Hà Nội đến nay vẫn ngân vang trong lòng người một cách kỳ lạ. Bởi lẽ đó, chẳng ngạc nhiên khi Người Hà Nội đã trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội từ khi thành lập Đài cho đến nay.

Hà Nội - tình yêu và nỗi nhớ

Bước ra từ khói đạn, mất mát và đau thương, những nhạc sĩ viết về Hà Nội không chỉ có cảm hứng lịch sử và ngợi ca. Có một Hà Nội được viết lên bằng tình yêu sâu đậm, bằng tình cảm riêng tư, bằng nỗi nhớ nhung da diết.

Không phải bỗng nhiên Phú Quang được mệnh danh là nhạc sĩ của Hà Nội, bởi có khoảng 30% ca khúc của ông hát về Hà Nội, trong khối tài sản hơn 600 bài hát của mình. Là một người con Hà Nội nhưng nhạc sĩ Phú Quang lại rời đất mẹ vào thành phố Hồ Chí Minh để lập nghiệp từ nhiều năm trước. Quãng thời gian 25 năm xa Hà Nội là những ngày tháng ông nhớ nơi này đến quay quắt, da diết. Nói đến tình yêu “điên cuồng” mà Phú Quang dành cho Hà Nội, có thể kể đến Em ơi Hà Nội Phố, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ, Nỗi nhớ mùa đông, Khúc mùa thu ...

Phú Quang yêu Hà Nội da diết và tình yêu đó đi vào phần lớn các sáng tác của ông.

Ông từng trải lòng: “Năm nào cũng vậy, cuối thu đầu đông tôi lại trở về Hà Nội, để nói lời yêu thương và tỏ bày nỗi nhớ bằng đêm nhạc của chính mình. Trong tôi, Hà Nội là nỗi nhớ thiết tha, như một dòng sông không ngừng chảy, lúc êm đềm, lúc lại cồn cào con sóng. Không hiểu sao càng có tuổi tôi càng nhớ nhung những ngày thơ ấu của mình. Hà Nội ngày tôi còn bé đẹp và yên bình biết bao. Tôi vẫn thường cùng bạn bè chơi thổi búp lá đa, bắt dế bỏ vào ống bơ và xem chọi dế. Tôi đã lớn lên bằng những kỷ niệm của thành phố một thời bom đạn. Thời trai trẻ của tôi thuộc về Hà Nội. Mối tình đầu của tôi cũng thuộc về Hà Nội. Ấy là người bạn gái trong trẻo thầm lặng dành bánh mỳ luộc cho tôi mỗi sáng. Rồi chúng tôi đi qua đời nhau… Rồi phút ngập ngừng đầu tiên ấy trở thành kỷ niệm. Và Hà Nội là nơi cất giữ quá khứ dịu dàng của cuộc đời”.

Đối với Phú Quang, Hà Nội trong ông là sự rung động trước vẻ đẹp lãng mạn, nên thơ từ những điều vô cùng bình dị với “hương hoa sữa nồng nàn”, hay “chiều sương giăng lối cũ”. Qua từng lời ca, giai điệu của Phú Quang người ta sẽ yêu một Hà Nội với những con đường, góc phố rêu phong, mái ngói xô nghiêng, đêm tĩnh lặng.... Một Hà Nội dễ yêu, dễ cảm mến đến kỳ lạ; một Hà Nội bình yên, chẳng xô bồ giữa cuộc sống hiện đại. Hà Nội trong Phú Quang là chút lãng đãng đầu đông, run run heo may, liêu xiêu nỗi nhớ... Các ca khúc của ông đã ra đời từ những xúc cảm tinh tế, đậm chất tự sự của một người yêu Hà Nội đến cuồng si.

Không giống như Phú Quang, đối với “gã du ca” Trần Tiến thì Hà Nội bao giờ cũng buồn. Bởi nỗi nhớ trong các ca khúc về Hà Nội của Trần Tiến không lãng đãng, mơ hồ mà mang màu sắc hoài niệm về những ngày xưa cũ, phố ngói, gác gói, tiếng còi xa... Như một Hà Nội như trong ca khúc Phố Nghèo: “Phố nghèo xưa, mái ngói nghèo xưa/ Ngoài ga cũ tiếng còi xa buồn”.

Những cảm xúc, ca từ dành cho Hà Nội đó từng được nhạc sĩ Trần Tiến viết lại: “Tôi không thể nào quên được Hà Nội trong ký ức của những ngày thơ bé... Tôi ngửi mùi của người nghèo trong những dãy nhà ẩm mốc dột nát. Giờ đây mỗi lần bắt gặp lại cái mùi ấy ở đâu đó trong cuộc đời lòng tôi lại rưng rưng muốn khóc. Còn một thứ mùi ám ảnh tôi không nguôi nữa, ấy là mùi của những lá cây mục trên đường phố sau mưa”.

Hà Nội mãi mãi trẻ trung

Gần hơn với hiện tại, Hà Nội trong tâm tưởng của nhiều nhạc sĩ trẻ là cái không khí sôi động, hiện đại và đầy vui tươi của một Thủ đô đang phát triển không ngừng.

Trong ca khúc Nồng nàn Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, người ta thấy những khung cảnh quá đỗi thân quen, sôi động, hào hứng chào đón một ngày mới: “Bước xuống phố sáng tinh mơ, dạo qua góc công viên, có bao điều, người người chào bình minh đang đến, nhìn cụ già tập dưỡng sinh, sao trong tâm ta thấy bình yên, một Hà Nội rất thân quen... Mặt trời hồng rạng rỡ phố xá bỗng nhiên càng đông hơn, nhìn dòng người vội vã nối những chiếc xe dài lê thê...”.

Nồng nàn Hà Nội bỗng trở thành một hiện tượng trong dòng nhạc trẻ Việt bởi ca từ quá đỗi bình dị nhưng lại đậm chất thơ, đẹp đến lạ lùng. Người ta không còn thấy một Hà Nội bi tráng, một Hà Nội hoài niệm mà thay vào đó là một Hà Nội trẻ trung, lãng mạn. Dù vậy, mỗi khi nói về Nồng nàn Hà Nội, Nguyễn Đức Cường vẫn khá rụt rè, anh cho rằng cảm nhận của mình có lẽ chưa thể đủ đầy và chân thực bằng những người Hà Nội gốc.

Hà Nội trà đá vỉa hè hiện đại và gần gũi của Đinh Mạnh Ninh.

Cùng thế hệ với Nguyễn Đức Cường còn có một ca nhạc sĩ trẻ khác, một tâm hồn đồng điệu với mạch cảm xúc về Hà Nội, đó chính là nhạc sĩ Đinh Mạnh Ninh. Hà Nội trà đá vỉa hè của Đinh Mạnh Ninh với tiết tấu nhanh, mạnh cùng những ca từ quen thuộc, giản dị. Nói về cảm hứng sáng tác ca khúc này, Đinh Mạnh Ninh tâm sự: “Tới Hà Nội phải uống trà đá vỉa hè ở ngoài đường mới gọi là đã đến Hà Nội, cảm nhận hết không khí của Hà Nội.”

Có thể thấy, trải qua nhiều thế hệ, bằng nhiều ca khúc khác nhau thì Hà Nội dù có bi tráng, hào hùng, đau thương hay sôi động thì vẫn “ xanh xanh mãi một tình yêu Hà Nội”. Bởi có yêu, có đắm mình trong từng nhịp sống, từng hơi thở, từng biến chuyển của thành phố này đến cuồng si, đau đáu- các nhạc sĩ qua nhiều thế hệ, đã chạm tới cảm xúc yêu Hà Nội tha thiết đến vậy… 

 Tiểu Vũ - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/rung-rung-nhung-ban-hung-ca-ve-ha-noi-d168304.html